Chồng Tây nhanh chân đăng ký khai sinh trước, mẹ mất con

TAND TP.HCM vừa ra thông báo trả lại đơn khởi kiện của chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) về việc buộc anh A. (quốc tịch Pháp, sinh sống tại phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM) giao bé K. cho chị trực tiếp nuôi dưỡng và cấp dưỡng nuôi con. Lý do: Chị Huyền không cung cấp được chứng cứ, tài liệu chứng minh chị là mẹ và anh A. là cha của bé theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Hơn hai tháng chưa gặp con

Chị Huyền trình bày chị và anh A. có quan hệ tình cảm với nhau từ tháng 4-2013 đến tháng 5-2014 thì chia tay. Lúc đó, chị có bầu được sáu tháng. Đến ngày 14-8-2014, chị sinh bé ở BV Hạnh Phúc (Bình Dương) và có thông báo cho anh A. biết.

Trong thời gian này, anh A. đã lấy giấy chứng sinh âm thầm làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con tại Tổng Lãnh sự quán (TLSQ) Pháp. Ngày 15-8-2014, con chị đã được cơ quan này cấp giấy khai sinh mà không thông qua ý kiến của chị cũng như thông báo cho chị biết. 10 ngày sau, bé K. có hộ chiếu. Theo chị, việc làm này của chồng đã đơn phương ấn định quốc tịch Pháp cho con chị mà không có sự đồng ý của người mẹ.

Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền và con. (Ảnh do chị Huyền cung cấp)

Xuất viện, chị và anh A. cùng nhau hợp tác để nuôi con, không còn quan hệ tình cảm. Con gái sống với chị tại căn nhà anh A. thuê ở quận 2 để tiện cho anh thăm nom mỗi ngày (vào ban ngày). Ngày 29-11-2014, anh A. tới thăm và đưa bé qua nhà anh rồi không đưa về. Từ đó, chị không còn được gặp con gái vì anh A. đã cắt đứt mọi liên hệ.

Làm khai sinh không xong, kiện đòi con cũng không được

Ba ngày sau, chị Huyền đã đến TLSQ Pháp mong được giúp đỡ để được gặp lại con. Phía TLSQ Pháp trả lời việc này vượt ngoài thẩm quyền xử lý của họ và khuyên chị nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ cơ quan công an VN. Khi thắc mắc về giấy khai sinh của con được cấp không có sự đồng ý của người mẹ, chị nhận được trả lời: Theo quy định pháp luật Pháp, việc cấp giấy khai sinh cho đứa bé này là phù hợp.

Tháng 12-2014, chị quyết định đi đăng ký khai sinh cho con tại UBND xã Ninh Bình (Ninh Hòa, Khánh Hòa). Cán bộ tư pháp xã từ chối cấp giấy khai sinh cho bé theo quốc tịch VN vì bé đã có giấy tờ tùy thân và là công dân Pháp, bé cũng không thể nhập quốc tịch VN. Xã viện dẫn luật và cho rằng “mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký một nơi theo đúng thẩm quyền” (khoản 2 Điều 4 Nghị định 158/2005). Sau đó chị đã làm đơn khiếu nại TLSQ Pháp về việc cấp giấy khai sinh nhưng không có phản hồi.

Sau đó chị khởi kiện ra TAND TP.HCM tranh chấp quyền nuôi con. Tòa yêu cầu chị phải bổ sung thủ tục đầy đủ mới thụ lý. Một trong những thủ tục đó là phải thực hiện ghi vào sổ hộ tịch VN đối với giấy khai sinh của con chị tại Sở Tư pháp TP.HCM. Liên hệ Sở, chị được trả lời: Sở không thể ghi chú hộ tịch cho sự kiện hộ tịch này. Bởi vì con gái của chị sinh ra ở VN, mẹ là người Việt, cha mẹ không đăng ký kết hôn thì đương nhiên phải đăng ký khai sinh ở Việt Nam. Trường hợp này Sở không thực hiện được việc ghi chú hộ tịch.

Do không bổ sung được giấy tờ nên tòa đã trả lại đơn của chị như đã nói.

Phải làm sao?

Trao đổi về trường hợp này, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Việc Sở Tư pháp TP.HCM từ chối không ghi vào sổ hộ tịch là đúng. Vì căn cứ vào khoản 1 Điều 55 Nghị định 158 thì việc ghi vào sổ hộ tịch đối với các trường hợp công dân VN đăng ký hộ tịch tại nước ngoài, trong khi trường hợp này cháu bé đăng ký hộ tịch tại TLSQ Pháp nên không thuộc quy định nêu trên. Giấy khai sinh được TLSQ Pháp cấp cho công dân của nước đó là loại giấy tờ hộ tịch hợp pháp.

“Các cơ quan, tổ chức tại VN phải chấp nhận giấy tờ hộ tịch này như loại giấy tờ mà nước Pháp cấp tại Pháp. Chỉ khi giấy khai sinh này mà người con được sự thống nhất của cha mẹ lấy quốc tịch là VN thì cần phải áp dụng Điều 55 Nghị định 158 để ghi vào sổ hộ tịch nhằm hợp thức hóa giấy khai sinh. Vì vậy, giấy khai sinh do TLSQ Pháp cấp có đầy đủ giá trị pháp lý, thậm chí còn được loại trừ việc phải hợp pháp lãnh sự” - luật sư Nguyễn Thành Công nói.

Góp ý thêm, luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng chị Huyền cần làm bản tường trình gửi cho TAND TP.HCM thấy rõ những vướng mắc để tòa thụ lý vụ án. Trước hết khi con dưới 36 tháng tuổi, chị Huyền có thể yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp giao con cho mẹ để nuôi.

Nhiều thẩm phán chuyên xử dân sự cho rằng lý ra chị Huyền nên khởi kiện theo hướng xác định mẹ cho con. Bởi giấy chứng sinh vẫn chưa đủ giá trị pháp lý về việc xác định chị là mẹ của cháu bé theo luật định.

Có thể đăng ký khai sinh quá hạn?

Việc UBND xã Ninh Bình từ chối đăng ký khai sinh cho con chị Huyền là không đúng. Nghị định 158 quy định thẩm quyền đăng ký khai sinh trong trường hợp con của chị Huyền thuộc về Sở Tư pháp hoặc UBND cấp xã nơi chị cư trú. Không có bất cứ quy định nào của nghị định này quy định về thẩm quyền đăng ký khai sinh của cơ quan lãnh sự nước ngoài tại VN.

Theo đó, nếu Sở Tư pháp nơi chị Huyền cư trú đã đăng ký khai sinh thì UBND xã sẽ từ chối đăng ký khai sinh hoặc ngược lại. Còn việc con của chị đã được TLSQ Pháp thực hiện việc đăng ký khai sinh không ảnh hưởng đến việc chị Huyền đăng ký khai sinh cho con tại Sở Tư pháp hoặc UBND cấp xã nơi chị cư trú. Cũng xin lưu ý rằng việc cha đứa trẻ đăng ký khai sinh cho con tại TLSQ Pháp được thực hiện theo pháp luật của Pháp chứ không chịu sự điều chỉnh của pháp luật VN. Chị Huyền có thể làm thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn cho con tại UBND xã hoặc Sở Tư pháp nơi chị cư trú.

Luật sư TRẦN VI THOẠI,
Công ty luật RAJAH & TANN LCT LAWYERS

Có thể thông qua đường ngoại giao

Trường hợp này TAND TP.HCM chỉ có thẩm quyền giải quyết việc xác định mẹ cho con, tranh chấp nuôi con và cấp dưỡng. Còn việc xem xét giấy khai sinh Pháp của cháu bé không thuộc thẩm quyền tòa án nước ta. Theo tôi, trường hợp này đương sự nên nhờ Sở Ngoại vụ bằng con đường ngoại giao liên hệ với TLSQ Pháp để hai bên cha mẹ bé cùng ngồi lại gỡ vướng mắc, nhằm đảm bảo quyền lợi cho cháu bé.

Luật sư LÊ THÀNH KÍNH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm