Chống dịch nhưng vẫn đảm bảo các quyền cơ bản của công dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 30-9, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: Các biện pháp bảo đảm quyền công dân trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả chính: Viện sĩ-PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Hoa Sen cùng ba giảng viên của Trường ĐH Kinh tế - Luật là TS Ngô Hữu Phước, TS Đoàn Thị Phương Diệp và TS Thái Thị Tuyết Dung.

4 diễn giả chính của buổi tọa đàm do Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật tổ chức vào sáng nay, 30-9. Ảnh: MINH CHUNG

Tại tọa đàm, Viện sĩ-PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện cho biết các quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp và pháp luật nước ta bảo đảm. Không một chủ thể nào có quyền hạn chế những quyền này trừ một số trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013. Đó là vì các lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng; nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

Viện sĩ, PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện đánh giá: Thời gian qua công tác chống dịch có rất nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm nhưng với sự nỗ lực của toàn hệ thống, sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, sự phối hợp của bộ, ngành và địa phương, và nhất là sự chung tay, đồng lòng của người dân thì về cơ bản, chúng ta đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh, mở cửa trở lại và đã qua giai đoạn khó khăn nhất.

“Việc ban bố tình trạng khẩn cấp vào lúc này không còn nhiều ý nghĩa nữa. Nhưng nếu có đợt dịch gây hậu quả nghiêm trọng kế tiếp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên ra nghị quyết  ban bố tình trạng khẩn cấp theo luật định” - Viện sĩ-PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện nêu quan điểm.

Tọa đàm được tổ chức bằng hình thức trực tuyến và nhận được sự theo dõi, đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia. Ảnh: MINH CHUNG

Tại buổi tọa đàm, TS Ngô Hữu Phước đã chia sẻ về thực tiễn của việc hạn chế quyền con người trong đại dịch COVID-19 ở một số quốc gia trên thế giới và chỉ ra những kinh nghiệm cho Việt Nam.

Trong khi đó, TS Thái Thị Tuyết Dung đã dẫn ra Nghị quyết 30 ngày 28-7-2021 của Quốc hội và Nghị quyết 268 ngày 6-8-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

TS Thái Thị Tuyết Dung dẫn lại các vụ việc liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế đi test COVID-19… trong thời gian qua và trình bày tham luận “Thẩm quyền hạn chế quyền công dân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam”.

TS Đoàn Thị Phương Diệp thì cho rằng dù yêu cầu chống dịch có những ngoại lệ nhưng về cơ bản các quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân cần được tôn trọng và đảm bảo tuyệt đối.

PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, thông tin buổi tọa đàm đã nhận được rất nhiều câu hỏi cũng như các tham luận gửi về.

Bà Nhung hy vọng buổi tọa đàm sẽ làm sáng tỏ các quy định pháp luật, chỉ ra những bất cập. Từ đó đưa ra một số kiến nghị cần thiết để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thời kỳ dịch bệnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm