Thị thực điện tử có gì mới so với thông thường?

Như đã thông tin, kể từ ngày 1-2-2017 tới đây, Bộ Công an chính thức triển khai thí điểm việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài tại Việt Nam, dựa trên Nghị quyết số 30/2015/QH14.

Điều đó đồng nghĩa người nước ngoài sẽ có quyền lựa chọn đề nghị cấp thị thực thông thường theo quy định của Luật nhập xuất cảnh hoặc đề nghị cấp thị thực điện tử.

Theo Bộ Công an, so với cấp thị thực thông thường dựa trên quy định của Luật nhập xuất cảnh, việc cấp thị thực điện tử có rất nhiều điểm mới. Cụ thể:

Về hình thức thị thực: Luật nhập xuất cảnh quy định thị thực dán vào hộ chiếu hoặc cấp rời; Nghị quyết quy định thị thực điện tử là một loại thị thực mới, được cấp cho người nước ngoài qua hệ thống giao dịch điện tử.

Về giá trị và thời hạn thị thực: Luật nhập xuất cảnh quy định thị thực có giá trị nhập cảnh một lần hoặc nhiều lần, thời hạn phù hợp với mục đích nhập cảnh (tối đa không quá 5 năm) và không chuyển đổi mục đích.

Trong khi đó, Nghị quyết quy định thị thực điện tử có giá trị một lần, không quá 30 ngày, áp dụng với người nước ngoài vào Việt Nam với các mục đích phù hợp với pháp luật Việt Nam. Người cấp thị thực điện tử, sau khi nhập cảnh Việt Nam, nếu đề nghị cấp thị thực mới thì được cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết theo quy định của Luật nhập xuất cảnh.

Theo Bộ Công an, thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh tại Việt Nam có rất nhiều điểm mới so với thị thực thông thường. Ảnh minh họa


Về điều kiện cấp thị thực: Luật nhập xuất cảnh quy định điều kiện cấp thị thực phải có cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh, có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và có giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh với một số trường hợp cụ thể (đầu tư, lao động, học tập…). Nghị quyết quy định người nước ngoài được cấp thị thực điện tử nếu có hộ chiếu hợp lệ.

Về thẩm quyền cấp thị thực: Theo quy định của Luật nhập xuất cảnh, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao cấp thị thực mới cho người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam; cơ quan có thẩm quyền thị thực của Việt Nam ở nước ngoài cấp thị thực cho người đang ở nước ngoài; đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu (thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) cấp thị thực đối với trường hợp người nước ngoài được nhận thị thực tại cửa khẩu quốc tế. Việc cấp thị thực của cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của người Việt Nam ở nước ngoài và đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh được thực hiện theo thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh (sau khi xét duyệt nhân sự).

Trong khi đó Nghị quyết quy định cơ quan quản lý xuất nhập cảnh (Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) có thẩm quyền cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài đang ở nước ngoài qua hệ thống  giao dịch điện tử và người nước ngoài được tự in thị thực điện tử đó.

Ngoài ra, Nghị quyết quy định người đề nghị cấp thị thực điện tử phải nộp lệ phí cấp thị thực qua tài khoản ngân hàng. Phí cấp thị thực không được hoàn trả trong trường hợp không được cấp.

Bắt đầu từ tháng 2-2017, công dân của 40 quốc gia được lựa chọn sẽ có thể xin thị thực trực tuyến thông qua cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh (http://www.xuatnhapcanh.gov.vn hoặc http://www.immigration.gov.vn) thay vì phải đến trực tiếp cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài hoặc cửa khẩu quốc tế.

Người đề nghị cấp thị thực điện tử chỉ cần truy cập vào trang web trên, khai thông tin theo mẫu, tải ảnh và trang nhân thân hộ chiếu. Mức phí cấp thị thực là 25USD và được nộp thẳng vào tài khoản quy định.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ thông tin và phí, Cục Quản lý xuất nhập cảnh xem xét, trả lời yêu cầu.

Ngoài cấp thị thực điện tử theo nhu cầu cá nhân, cổng thông tin cũng tiếp nhận việc cấp thị thực điện tử theo đề nghị của cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh. Các tổ chức này trước khi đề nghị cấp thị thực cho người nước ngoài phải đăng ký tài khoản điện tử.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm