Chiều nay tuyên án ông Tất Thành Cang và Tề Trí Dũng

Chiều nay (8-1), TAND TP.HCM sẽ tuyên án vụ sai phạm tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) sau gần 2 tuần xét xử.
Qua ba lần đối đáp, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội.

Bút phê chuyển nhượng cổ phần

Về bị cáo Tất Thành Cang (cựu phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM) bị đề mức phạt 12-14 năm tù. Luật sư cho rằng, thân chủ không phải là chủ thể của tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí mà là Văn phòng Thành ủy. Đồng thời không đồng tình việc xác định ông Cang có vai trò đầu vụ trong việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần.

Chiều nay tuyên án ông Tất Thành Cang và Tề Trí Dũng ảnh 1
Bị cáo Tất Thành Cang. Ảnh: N.NHI

VKS đối đáp bị cáo Cang là người chỉ đạo, phụ trách Văn phòng Thành ủy. Điều đó thể hiện qua việc cựu Phó chánh văn phòng Thành ủy phải xin ý kiến của bị cáo về việc phát hành cổ phiếu.

Luật sư cũng cho rằng, ông Cang là nạn nhân của hành vi gian dối do cấp dưới là đại diện vốn Văn phòng Thành ủy tại SADECO báo cáo không trung thực, ngụy tạo Tờ trình. Nhưng theo VKS, thực tế diễn biến quá trình chuyển nhượng cổ phần cho thấy Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Nguyễn Kim và SADECO tiếp xúc với nhau từ tháng 11-2016. Đồng thời, việc chuyển nhượng chỉ hoàn tất khi bị cáo Cang bút phê “đồng ý”.
Hơn nữa, quá trình thẩm vấn tại tòa, bị cáo Cang cũng thừa nhận không yêu cầu Văn phòng Thành ủy báo cáo hoặc cung cấp tài liệu về việc một cổ đông cụ thể là ai, có thực hiện đấu giá công khai hay không.
Do vậy, mặc nhiên được hiểu bị cáo biết và đã quyết định nên bị cáo phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Chiều nay tuyên án ông Tất Thành Cang và Tề Trí Dũng ảnh 2
VKS cho rằng thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, bị cáo Cang đang có vai trò pháp lý đặc biệt, có quyền lực rất lớn. Ảnh: H.YẾN

Ông Cang phủ nhận có mối quan hệ với Công ty Nguyễn Kim, phủ nhận lời khai của bị cáo Tề Trí Dũng. Nhưng VKS đánh giá bị cáo Cang là người định hướng từ việc lựa chọn Công ty Nguyễn Kim để Dũng cùng các bị cáo khác thực hiện chuyển nhượng cổ phần.

“Thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, bị cáo Cang đang có vai trò pháp lý đặc biệt, có quyền lực rất lớn. Vì đó là lúc giao thời khi Thành uỷ TP.HCM chưa có Bí thư. Như vậy có thể thấy, mặc dù là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nhưng thực tế bị cáo Cang đảm nhiệm vai trò của Thường trực Thành ủy” - VKS nhấn mạnh.
Về việc SADECO ban hành Nghị quyết chấm dứt hợp đồng hợp tác với Công ty Nguyễn Kim, trước cả thời điểm Thanh tra và khởi tố vụ án. VKS cho rằng, việc chấm dứt hợp đồng hợp tác chỉ được thực hiện sau khi Thanh tra TP.HCM thanh tra nên việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo là không phù hợp.

Chiều nay tuyên án ông Tất Thành Cang và Tề Trí Dũng ảnh 3
Bị cáo Tề Trí Dũng (trái) và Tất Thành Cang. Ảnh: H.YẾN

Vai trò cầm đầu của ông Tề Trí Dũng

Là người có vai trò cầm đầu, xuyên suốt hàng loạt sai phạm tại Sadeco, ông Tề Trí Dũng bị VKS đề nghị 20-22 năm tù về 2 tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí và tham ô tài sản.

Luật sư bị cáo Dũng lập luận, VKS chưa ghi nhận một số chứng cứ khi luận tội liên quan đến hành vi bán rẻ 9 triệu cổ phần. Phần vốn IPC đầu tư vào SADECO không phải vốn nhà nước mà là vốn của doanh nghiệp nhà nước (IPC) đầu tư vào doanh nghiệp khác.

Theo luật sư, IPC không phải là "công ty mẹ" của SADECO. Từ ngày 26-3-2015, SADECO có quyền tự quyết. Do kinh doanh bất động sản nên nhu cầu vốn rất lớn, nhóm lãnh đạo doanh nghiệp thông qua phương án chào bán thêm cổ phần cho cổ đông chiến lược.

Tại đề xuất gửi cơ quan có thẩm quyền, IPC trình bày rõ ràng ưu, nhược phương án trên cũng như giá trị mỗi cổ phần. Tức là, đã báo cáo công khai mọi thông tin, không hề giấu kết quả định giá cổ phần. Cạnh đó, luật sư đề nghị xem xét lại thiệt hại trong vụ án.
Bất ngờ, bị cáo Dũng có ý kiến và cho rằng rất chăm chú lắng nghe bào chữa, ghi nhận những nỗ lực của luật sư. Tuy nhiên, bị cáo tôn trọng kết luận cơ quan tố tụng về sai phạm bán rẻ 9 triệu cổ phần SADECO. Bị cáo đề nghị luật sư bào chữa không tranh tụng các vấn đề về hành vi này vì không cần thiết mà tập trung tranh tụng về tình tiết giảm nhẹ.
Tự bào chữa, ông Dũng tha thiết: “Bị cáo không cố tình phạm tội, không cố ý che đậy hành vi sai phạm. Bị cáo chia sẻ không đẩy trách nhiệm cho cấp trên hay đùn cho cấp dưới”.

Chiều nay tuyên án ông Tất Thành Cang và Tề Trí Dũng ảnh 4
Bị cáo Tề Trí Dũng. Ảnh: H.YẾN

Về tội danh tham ô, luật sư của bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc (cựu tổng giám đốc SADECO, bị VKS đề nghị 19-21 năm tù về 2 tội) đề nghị đổi tội danh sang che giấu tội phạm. Vì thân chủ không có động cơ để tham ô và trên thực tế cũng không hưởng bất kỳ lợi ích vật chất nào từ quỹ thù lao khen thưởng năm 2017 và 2018.
VKS đối đáp việc chi trả khoản thù lao, tiền thưởng như thế nào là quyền của đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước. Việc của SADECO là phải chuyển số tiền này về cho chủ sở hữu. Khi các cá nhân quản lý tài sản của SADECO đã có hành vi gian dối, cố ý làm các thủ tục để chuyển cho các cá nhân sử dụng cho mục đích cá nhân, không chuyển về cho đại diện chủ sở hữu, là hành vi trái pháp luật. Số tiền bị thiệt hại khi đang do SADECO quản lý, sở hữu nên công ty này là khách thể bị thiệt hại. Việc truy tố các bị cáo sai phạm về tội tham ô tài sản là có căn cứ.
Mức án VKS đề nghị đối với 17 đồng phạm trọng vụ án là từ 2-3 năm tù treo đến 15 năm tù.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm