Chia tài sản sau ly hôn, tòa áp dụng án lệ

Theo hồ sơ, ông PĐD và bà NTH (cùng ngụ TP Lai Châu) kết hôn năm 1994, đến năm 2009 thì ly hôn nhưng chưa yêu cầu chia tài sản chung.

Vợ cũ: Đất là tài sản riêng

Nộp đơn khởi kiện ra tòa, bà H. trình bày trước khi hai người kết hôn, bà được cha mẹ ruột cho một mảnh đất. Sau khi bà lấy ông D., năm 2004, hai vợ chồng bán một phần đất để lấy tiền xây dựng căn nhà trên phần đất còn lại. Năm 2013, bà H. được chính quyền địa phương cấp giấy đỏ mang tên bà.

Sau khi ly hôn, bà H. về sống cùng cha mẹ ruột, còn ngôi nhà cho thuê lấy tiền theo quý. Một năm bà H. lấy tiền ba quý, còn ông D. lấy tiền một quý. Năm 2015, ông Dương về đòi lại nhà từ người đang thuê và đưa vợ con mới của ông về đây ở. Bà H. đề nghị ông D. ra ngoài nhưng ông D. không chịu. Vì vậy bà H. khởi kiện đề nghị tòa giải quyết chia tài sản chung là căn nhà và gian bếp trên đất.

Sau khi bà H. nộp đơn khởi kiện, ông D. và người được ông ủy quyền nộp đơn phản tố yêu cầu chia tài sản chung là nhà và đất, yêu cầu hủy giấy đỏ mang tên bà H. vì đó là tài sản chung.

Phía ông D. trình bày sau khi ông và bà H. kết hôn thì bà H. xin vào làm công nhân nông trường chè và hai vợ chồng được nông trường chè cho mượn đất để xây nhà ở. Khi được nông trường cho mượn đất, vợ chồng ông về ở cùng cha mẹ vợ. Cha mẹ vợ nói ông D. bán đất đó đi để cha mẹ mua mảnh đất khác cho hai vợ chồng. Sau đó, cha mẹ vợ ông mua mảnh đất khác (là mảnh đất tranh chấp hiện nay) cho họ. Ông D. cho rằng tiền mua mảnh đất này có cả phần đóng góp của ông. Khi đó ông đi làm bãi vàng mang tiền về cho bà H. để bà H. đưa cho cha mẹ vợ mua đất...

Trong các tài liệu, chứng cứ mà các bên cung cấp, bà H. có cung cấp cho tòa một bản phôtô giấy tặng cho đất ở đề ngày 17-2-1997 nhưng ở phía dưới lại đề ngày 17-2-1993, nội dung là cha mẹ bà tặng cho bà mảnh đất làm tài sản riêng. Tuy nhiên, giấy này chỉ có chữ ký của cha bà H., mặt khác bà không cung cấp được bản gốc. Bà H. lý giải bản gốc đã thất lạc vì thời gian quá lâu, đến năm 2016, cha bà mới viết lại để bà đi nộp thuế để lấy giấy đỏ.

Tòa đã triệu tập cha mẹ của bà H. tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ông bà này khai mảnh đất đang tranh chấp là do ông bà mua năm 1993 và tặng cho riêng bà H.

Tòa: Là tài sản chung

Theo kết quả định giá, ngôi nhà và mảnh đất có giá trị gần 3,9 tỉ đồng. Tòa đã tiến hành hòa giải nhưng hai bên không thỏa thuận được nên phải mở phiên xử.

Tại phiên tòa, vị chủ tọa đã công bố lời khai của các nhân chứng là người bán mảnh đất đang tranh chấp và hàng xóm sống ở đó từ năm 1976. Họ đều khẳng định mảnh đất hiện nay có diện tích lớn hơn so với lúc mua ban đầu và có công sức san lấp, cải tạo của cả ông D. lẫn bà H. Người bán mảnh đất thì không nhớ rõ thời điểm bán mảnh đất cho cha mẹ bà H., chỉ nhớ khoảng năm 1993 hoặc 1994.

Tại phiên tòa, các bên vẫn giữ nguyên quan điểm không đồng ý tự thỏa thuận và yêu cầu HĐXX giải quyết.

HĐXX đã căn cứ vào các quy định của pháp luật, trong đó có Án lệ số 03/2016/A (được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua ngày 6-4-2016 và được công bố theo Quyết định số 220/2016 của chánh án TAND Tối cao) để nhận định: Mảnh đất đang tranh chấp có một phần diện tích của cha mẹ ruột bà H. mua. Tuy nhiên, để có diện tích như hiện tại là một phần công sức đóng góp của cả ông D. lẫn bà H. Cần phải xác định diện tích đất tranh chấp trên là tài sản chung của ông D. và bà H. Khi chia phải coi bà H. có công sức đóng góp nhiều hơn để chia theo công sức của mỗi bên và cần phải căn cứ vào nhu cầu về chỗ ở để chia hiện vật cho các bên nhằm đảm bảo quyền lợi cho các đương sự.

Cuối cùng, HĐXX đã tuyên chia cho ông D. phần diện tích đất có căn nhà có giá trị hơn 1 tỉ đồng và ông D. phải trả cho bà H. 1/2 tiền giá trị căn nhà. Bà H. được chia phần diện tích đất có giá trị hơn 2 tỉ đồng. Ngoài ra, tòa cũng tuyên hủy giấy đỏ mang tên bà H.

Nội dung án lệ

Trường hợp cha mẹ đã cho vợ chồng người con một diện tích đất và vợ chồng người con đã xây dựng nhà kiên cố trên diện tích đất đó để làm nơi ở, khi vợ chồng người con xây dựng nhà thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì; vợ chồng người con đã sử dụng nhà, đất liên tục, công khai, ổn định và đã tiến hành việc kê khai đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho quyền sử dụng đất.

(Theo Án lệ số 03/2016/A)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm