Chánh án Tối cao lo thiếu thẩm phán bậc cao

Ngày 6-6, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trình bày trước Quốc hội tờ trình về việc sửa nghị quyết này. Sau đó, các đoàn đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về vấn đề này. Ngày 7-6, Quốc hội đã dành 60 phút để thảo luận tại hội trường và Chánh án TAND Tối cao đã giải trình ý kiến của các đại biểu.

Được sự đồng ý của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Pháp Luật TP.HCM lược ghi những ý kiến của ông xung quanh vấn đề này. 

Thực tế hoạt động của TAND Tối cao hiện nay cho thấy việc thiếu nguồn bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao cho đến năm 2022 là hiện hữu. Vì từ năm 2015-2016 đến nay, các thẩm phán cao cấp được bổ nhiệm phần lớn đã nghỉ hưu, lớn tuổi, một số không đủ các tiêu chuẩn, điều kiện khác để bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao.

Còn các thẩm phán cao cấp được bổ nhiệm từ tháng 1-2017 trở lại đây đủ điều kiện quy hoạch lãnh đạo TAND Tối cao giai đoạn 2016-2021 và một số đủ điều kiện quy hoạch giai đoạn 2021-2026 theo quy định của Đảng và pháp luật.

Không sửa nghị quyết sẽ thiếu nguồn thẩm phán tối cao

Hiện nay, Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) TAND Tối cao có 16 thành viên. Nhưng năm 2019 sẽ có một vị nghỉ hưu, năm 2020 sẽ có bốn vị và năm 2021 sẽ có ba vị nữa nghỉ hưu. Năm 2022 và sau đó thì HĐTP TAND Tối cao hiện nay sẽ nghỉ hưu nốt. Thành phần lãnh đạo TAND Tối cao cũng tương tự như vậy.

Trong khi đó, Luật Tổ chức tòa án có những quy định mà Nghị quyết 81/2014 của Quốc hội (QH) chưa tính đến. Nếu không sửa nghị quyết thì sẽ không có nguồn bổ sung thẩm phán TAND Tối cao.

Cụ thể, khoản 1 Điều 69 Luật Tổ chức TAND 2014 có hiệu lực từ ngày 1-6-2015 quy định rằng: Để được bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao thì người được bổ nhiệm phải là thẩm phán cao cấp từ đủ năm năm trở lên.  

Thực tế là những thẩm phán  cao cấp được bổ nhiệm hoặc chuyển đổi từ những năm 2015-2016 phần lớn sẽ không đủ điều kiện để bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao nữa. Những thẩm phán được bổ nhiệm từ tháng 1-2017 thì phải đến năm 2022 mới đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm làm thẩm phán TAND Tối cao. Lúc đó, chúng ta sẽ không lo thiếu nguồn bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao nữa.

Theo Chánh án Tối cao Nguyễn Hòa Bình phải sửa Nghị quyết 81/2014 của QH để tạo nguồn thẩm phán tối cao.

Còn vướng nhiều quy định nên chưa bổ nhiệm người bên ngoài

Chúng ta biết Luật Tổ chức TAND quy định rằng: TAND Tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của các tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng. Nhiệm vụ này được trao cho HĐTP TAND Tối cao và luật quy định: Phiên họp của HĐTP TAND Tối cao để thực hiện nhiệm vụ nói trên “phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên tham gia”.

Trong khi đó, hằng tháng TAND Tối cao mà cụ thể là HĐTP xét xử rất nhiều vụ giám đốc thẩm. Đến năm 2020 sẽ có tám vị thẩm phán nghỉ hưu, trong khi nguồn bổ sung không đáp ứng đủ tiêu chí năm năm làm thẩm phán cao cấp . Nếu HĐTP TAND Tối cao không hoạt động được thì việc xét xử các vụ án giám đốc thẩm sẽ đình trệ. TAND Tối cao sẽ “nợ nần” dân rất nhiều.

Việc bổ nhiệm những người bên ngoài ngành tòa án làm thẩm phán TAND Tối cao, tuy khoản 2 Điều 69 Luật Tổ chức TAND 2014 đã có quy định nhưng chưa rõ và cũng không bắt buộc. Nhiệm kỳ trước, vận dụng quy định của luật, TAND Tối cao đã trình QH bổ nhiệm bốn vị ngoài tòa án làm thẩm phán TAND Tối cao.

Tuy thực tiễn diễn ra như vậy nhưng việc bổ nhiệm người ngoài tòa án làm thẩm phán TAND Tối cao còn một số vướng mắc. Chủ yếu những vướng mắc ấy do sự không đồng bộ với các quy định của luật khác. Chẳng hạn, có những vướng mắc ở Luật Cán bộ, công chức hay các quy định khác. Những quy định như vậy còn rất nhiều. Đấy là thực tiễn thi hành pháp luật và các quy định khác.

Sau năm 2022, không lo nguồn bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao

Thực tế hiện nay, như tôi đã trình bày, các thẩm phán cao cấp được bổ nhiệm trước năm 2017 hiện nay có chín vị thì chỉ có một vị trong quy hoạch, tám vị khác không còn trong quy hoạch do tuổi cao. Còn trong quy hoạch hiện nay cũng có 17 người đã được Ban Tổ chức Trung ương duyệt nhưng có một vị đã được bổ nhiệm. Còn lại 16 vị khác chỉ đủ điều kiện bổ nhiệm sau giai đoạn năm 2017, khi đã đáp ứng yêu cầu năm năm làm thẩm phán cao cấp như Luật Tổ chức TAND 2014 quy định.

Bởi vậy, chúng tôi mới đề xuất QH: Từ nay đến ngày 1-2-2022, cho phép Chánh án TAND Tối cao trình QH phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao, trong đó có từ nguồn thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện luật định nhưng chưa đủ năm năm làm thẩm phán cao cấp.

Cũng có ý kiến cho rằng tại sao không sửa Điều 69 Luật Tổ chức TAND 2014. Chúng ta biết rằng muốn sửa luật thì phải có thời gian tổng kết, đánh giá việc thi hành luật. Ở đây, chúng tôi không đặt vấn đề là sửa luật mà chúng tôi sửa Nghị quyết 81/2014 của QH khóa XII, một nghị quyết của giai đoạn giao thời giữa luật cũ và luật mới.

Nghị quyết nói trên, như tôi đã trình bày, không tính đến việc có một chức danh mới là thẩm phán cao cấp vừa được luật quy định nhưng lại quy định luôn thâm niên năm năm. Chúng tôi chỉ đề xuất sửa một nội dung này. Bởi lý do đơn giản là đến tháng 2-2022 thì nguồn để bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao đã đủ. Chúng ta sẽ không lo phải “nợ nần” dân các vụ án giám đốc thẩm nhiều nữa.

Phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao ngày 12-6

Theo chương trình làm việc của QH, chiều 10-6, QH sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 81/2014/QH13 về việc thi hành Luật Tổ chức TAND. Chiều 11-6, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày tờ trình đề nghị QH phê chuẩn việc bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra về đề nghị này. Sau đó, các đoàn đại biểu QH sẽ họp riêng để thảo luận về đề nghị của Chánh án TAND Tối cao.

Ngày 12-6, QH sẽ tiến hành bỏ phiếu kín về việc phê chuẩn đề nghị của Chánh án TAND Tối cao về việc bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao. Chiều cùng ngày, QH thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án TAND Tối cao về việc bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao.

Trong báo cáo thẩm tra ngày 5-6, Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng việc triển khai thi hành Luật Tổ chức TAND 2014 còn có phần chậm; do giai đoạn quá độ chuyển tiếp giữa luật cũ và luật mới nên nguồn cán bộ để bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao và lãnh đạo TAND Tối cao còn nhiều bất cập. Nguồn cán bộ là những người không công tác tại các tòa án theo khoản 2 Điều 69 Luật Tổ chức TAND 2014 chưa được chú trọng…

Tuy nhiên, những khó khăn này đang phát sinh trong thực tiễn, cần phải có giải pháp khắc phục để bảo đảm hoạt động bình thường của HĐTP TAND Tối cao và kiện toàn lãnh đạo TAND Tối cao.

Do đó, Ủy ban Tư pháp tán thành với nội dung đề nghị của Chánh án TAND Tối cao về sửa đổi Nghị quyết 81/2014 của QH khóa XII theo hướng: Từ nay đến ngày 1-2-2022, cho phép Chánh án TAND Tối cao trình QH phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao, trong đó có từ nguồn thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo luật định nhưng chưa đủ năm năm làm thẩm phán cao cấp.

CHÂN LUẬN 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm