Chánh án Phạm Hưng và sáu dấu ấn lớn

Những thẩm phán, công chức, viên chức TAND Tối cao độ tuổi từ 45 trở lên hẳn sẽ không quên hình ảnh Chánh án Phạm Hưng (tức Bùi Văn Tường) luôn luôn đi làm đúng giờ, áo sơ mi và quần là thẳng nếp, sống rất ân cần, nhân hậu với cấp dưới.

Hết mình phục vụ nhân dân

Ông thật sự là một người lịch thiệp. Ông thường nói làm cán bộ tòa án phải ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ, nói năng đúng mực để giữ uy tín của ngành. Do đó, thấy ai ăn mặc cẩu thả, say xỉn, ông đều phê bình, nhắc nhở.

 Ông Khuất Duy Hiệp (nguyên Chánh Văn phòng TAND Tối cao) kể: Đã có lần đi công tác địa phương, có một cán bộ đi cùng xe say xỉn, ông yêu cầu ở lại đi sau. Có lần lái xe đến đón ông đi công tác, ông thấy lái xe râu không cạo, tóc bù xù, ông yêu cầu đổi lái xe. Có lần ra nước ngoài, ông quan sát thấy một cán bộ cấp vụ khi bạn tiếp đi giầy không tất, ông nghiêm khắc phê bình tại chỗ.

Chánh án TAND Tối cao Phạm Hưng chủ trì lễ ra mắt Tòa Kinh tế TAND Tối cao năm 1994. Ảnh: INTERNET

Đi cùng tác phong đó là tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. Chánh án Phạm Hưng được đánh giá là một tấm gương về tinh thần phục vụ nhân dân. Hồi đó, ông quy định mỗi tuần Chánh án trực tiếp tiếp công dân đến khiếu nại một lần và tất cả đơn thư gửi đích danh Chánh án thì chuyển cho Chánh án đọc để xử lý, không chuyển cho cấp dưới đọc rồi báo cáo.

Nhiều người dân khiếu nại bức xúc, được mời lên gặp Chánh án để trình bày, qua đó họ có thêm niềm tin tưởng và yên tâm trở về chờ kết quả giải quyết, không ăn đợi nằm chờ tại tòa án một cách mệt mỏi và gây phiền phức cho Tòa án. Những buổi Chánh án tiếp dân như thế bao giờ cũng có cán bộ chuyên môn ngồi cùng nên nhiều vụ được giải quyết nhanh chóng.

Nền nếp Chánh án tiếp công dân có từ thời Chánh án Phạm Văn Bạch, được Chánh án Phạm Hưng kế thừa và sau đó Chánh án Trịnh Hồng Dương cũng duy trì.

Ông Đỗ Văn Chỉnh (nguyên Trưởng ban Thanh tra TAND Tối cao) cho hay, ông đã ba lần được Chánh án Phạm Hưng giao nhiệm vụ đến Trại giam Tiền Giang, Quảng Ninh và Hà Nội gặp trực tiếp tử tù, xác minh nội dung đơn họ gửi đến Chánh án để làm cơ sở Chánh án ký Tờ trình gửi Chủ tịch nước.

 Có vụ ông Chỉnh được Chánh án giao về Hưng Yên giải quyết một lá đơn mà người viết thể hiện quan điểm chỉ tin Chánh án Phạm Hưng, yêu cầu Chánh án giải quyết bản án oan mà ông này phải thi hành, nếu không ông ta sẽ chết và Chánh án phải chịu trách nhiệm… Nhờ sự quan tâm sâu sát của Chánh án Phạm Hưng, vụ án oan rất bức xúc đó đã được giải quyết kịp thời. Và đương nhiên, còn rất nhiều vụ án tương tự như vậy, nhờ tinh thần trách nhiệm cao của Chánh án Phạm Hưng nên đã được sửa sai, mang lại công bằng cho người dân.

Tin tưởng, tôn trọng cấp dưới

Dấu ấn quan trọng của Chánh án Phạm Hưng để lại, như ông Đỗ Văn Chỉnh nói: “Chánh án Phạm Hưng luôn luôn là trung tâm đoàn kết, luôn tập hợp được mọi lực lượng để cùng thực hiện nhiệm vụ”. Ông cho rằng, cấp dưới luôn luôn được tôn trọng, quan tâm, lắng nghe, đánh giá đúng năng lực và được phân công công việc hợp lý.

Do đó, Chánh án Phạm Hưng có một đội ngũ cán bộ dưới quyền rất tuyệt vời, đứng đầu là Phó Chánh án Trịnh Hồng Dương - một chuyên gia pháp luật hàng đầu và rất tận tâm, tận lực với công việc. Sau ông Trịnh Hồng Dương là ông Đặng Quang Phương, ông Nguyễn Văn Hiện, ông Từ Văn Nhũ, ông Dương Ngọc Ngưu…, những TS luật tốt nghiệp từ Liên Xô về tràn đầy nhiệt huyết.

Ông Chỉnh nhớ lại, hồi đó các báo cáo công tác tổng kết toàn ngành và báo cáo của Tòa án trước Quốc hội được Văn phòng chuẩn bị, Chánh án Phạm Hưng xem, đánh dấu hay sửa một vài chỗ, sau đó góc văn bản ghi bút đỏ: “Kính chuyển anh Trịnh Hồng Dương xem và sửa. Anh đồng ý thì tôi cũng đồng ý”. Với sự tin tưởng tuyệt đối của Chánh án như vậy, Phó Chánh án Trịnh Hồng Dương và các cộng sự luôn luôn chuẩn bị một bản báo cáo súc tích, sát thực để Chánh án báo cáo trước Quốc hội; giải đáp nhiều vấn đề pháp lý có vướng mắc trong báo cáo tổng kết. Sau này, Chánh án Phạm Hưng đã giới thiệu Phó Chánh án Trịnh Hồng Dương kế nhiệm mình.

Chánh án CHDC Đức Heinrich Toep Litz đón chào Chánh án TAND Tối cao Phạm Hưng tại Đức năm 1983. Ảnh: INTERNET

 Luôn giữ gìn sự trong sạch

Dấu ấn thứ ba, Chánh án Phạm Hưng là người có uy tín cao trong xã hội, có uy tín với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, có uy tín với các địa phương và đương nhiên rất có uy tín trong ngành tòa án. Những cán bộ có nhiệm vụ tháp tùng ông đi làm việc với các cơ quan Trung ương hay đi công tác các địa phương đều cảm nhận rất rõ điều ấy.

Dấu ấn thứ tư, Chánh án Phạm Hưng luôn giữ gìn sự trong sạch. Ông Khuất Duy Hiệp kể: Mỗi lần đi địa phương công tác, bao giờ trước khi ra về ông đều nhắc tôi "thanh toán tiền ăn và tem phiếu" với nhà khách. Có lần ở TP.HCM dân đưa đơn khiếu nại, bóc thư ông thấy có một chỉ vàng, ông gọi ông Hiệp lên yêu cầu thông báo đương sự đến trụ sở và lập biên bản trả lại chiếc nhẫn. Hoặc có lần đến làm việc với một cơ quan, họ đưa  phong bì, ông mở ra có số tiền năm triệu đồng. Ông gọi ông Hiệp lên trao lại phong bì và dặn đưa lại Văn phòng tỉnh nọ ngay và cảm ơn.

Anh em trong TAND Tối cao cũng không thể quên, dù cương vị Chánh án nhưng căn biệt thự của gia đình ông mặt đường Trần Hưng Đạo vẫn ngăn một góc sân làm chuồng nuôi lợn, để cải thiện kinh tế gia đình.

Sống nghĩa tình

Dấu ấn thứ năm, Chánh án Phạm Hưng là một người tình nghĩa. Mỗi khi làm việc xong với cấp ủy, TAND các tỉnh, thành phố, Tòa án Quân sự các quân khu hoặc Tòa Phúc thẩm ở Đà Nẵng hay TP.HCM, bao giờ ông cũng dành thời gian đến tận nhà riêng các vị Chánh, Phó Chánh án Tòa án cấp tỉnh, thành, Tòa án quân sự các quân khu và lãnh đạo Tòa phúc thẩm đã nghỉ hưu để thăm sức khỏe và động viên, nhắc lại những kỷ niệm cũ rất ấm áp. Ông cũng nhiều lần đến thăm Chánh án Phạm Văn Bạch và các vị Phó Chánh án đã nghỉ hưu như ông Tư Thắng, bà Nguyễn Thị Ngọc Khanh, bà Nguyễn Thị Chơn ở TP.HCM hoặc bà Phương Hằng ở Hà Nội… Ông nhắc văn phòng có cán bộ nào ốm đau nặng phải báo để ông đến thăm.

Dấu ấn thứ sáu, ông Đỗ Văn Chỉnh nhận xét, Chánh án Phạm Hưng là người được đủ cả Phúc, Lộc, Thọ vì địa vị cao, uy tín lớn, được kính trọng; có sức khỏe tốt, sống thọ; và ba con ông của ông đều có cuộc sống tốt đẹp, trưởng thành. Chị Bùi Thị Ngọc Dung, con gái ông từng là Phó Chánh Tòa hình sự TAND Tối cao.

 Có thể nói, những nền móng mà Chánh án Phạm Hưng để lại là những di sản vô giá đối với ngành tòa án. Có người gọi thế hệ cán bộ dưới thời Chánh án Phạm Hưng là thế hệ vàng của ngành tòa án.

Chánh án Phạm Hưng sinh ngày 15-1-1927, xuất thân từ nông dân, vào Đảng từ năm 1946. Ông tham gia cách mạng từ tháng 8-1945, khởi đầu làm Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời thôn Đặng Xá, xã Cương Chính, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên, quê hương ông).

Tháng 5-1948 đến tháng 1-1949, ông làm Phó Bí thư Huyện ủy, Bí thư huyện bộ Việt Minh huyện Tiên Lữ và lần lượt giữ nhiều cương vị khác cao hơn ở địa phương như Bí thư Huyện ủy Phủ Cừ, Chính trị viên Tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Hưng Yên, Trưởng Ban Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Khu Tả Ngạn…

Ông chuyển sang làm công tác pháp luật từ 1958 đến 1960 với nhiệm vụ là cán bộ Viện Công tố Trung ương, rồi Công tố viên Viện Công tố Hải Phòng. Sau đó, từ tháng 2-1960 đến tháng 10-1963 ông làm Thẩm phán, Phó Chánh án, Chánh án TAND TP Hải Phòng. Tháng 11-1963 đến tháng 6-1965, ông đi học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Từ 1965 đến 1976, ông làm Chánh án TAND TP Hải Phòng, sau đó làm Thẩm phán, Phó Chánh án TAND Tối cao, cho đến tháng 7-1981, ông giữ cương vị Chánh án TAND Tối cao.

Chánh án Phạm Hưng là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII; Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND Tối cao, đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, IX.

Chánh án Phạm Hưng sau khi thôi chức vụ Chánh án TAND Tối cao đã tiếp tục công tác pháp luật. Từ ngày 1-6-1998 đến tháng 3-1999 ông làm cố vấn pháp luật Văn phòng Chủ tịch nước. Từ tháng 4-1999 đến tháng 4-2004 ông làm Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Với công lao và đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc, Chánh án Phạm Hưng đã được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Ðộc lập hạng nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, các giáo sư, bác sĩ và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, song do tuổi cao, sức yếu, Chánh án Phạm Hưng đã từ trần hồi 17h30 ngày 4-2-2018 (tức ngày 19 tháng 12 năm Đinh Dậu) tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), hưởng thọ 91 tuổi. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm