Chẳng đặng đừng mới phải kiện con ra tòa…

Người mẹ già bán nước giải khát kiếm sống trong quán lá lụp xụp ở thị trấn Dương Minh Châu (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) bên cạnh quán cơm khang trang của người con trai. Phía sau quán lá của bà là mấy cột gạch xây dang dở, bỏ phế. Bà U, chủ nhân quán nước nghèo nàn, buồn rầu nói: “Tui kêu thợ sửa nhà nhưng không ai dám vô vì con trai tui nó vác cây đuổi đi hết. Con trai tui nó giành đất, nói đất này của nó”. Đó cũng là lý do mà bà U (năm nay đã 66 tuổi) kiện hai người con trai bà ra tòa để đòi lại một phần đất chia cho sáu người con gái còn lại của bà.

Con mà dám chửi mẹ là súc vật!

Vợ chồng bà U lấy nhau từ năm 1967, được cha mẹ chồng cho hai mảnh đất. Mảnh thứ nhất hơn 5.000 m2 ở thị trấn Dương Minh Châu, mảnh thứ hai hơn 4 ha ở xã Suối Đá, cùng huyện Dương Minh Châu.

Ông bà U cũng như nhiều cặp vợ chồng thời bấy giờ lấy nhau không đăng ký kết hôn. Đầu năm 2013, chồng bà U mất, không để lại di chúc. Bà định sang tên sổ đỏ từ tên chồng qua tên mình và chia đất cho các con thì hai con trai của bà không đồng ý và tranh chấp quyết liệt với mẹ.

Bà U kể bà tính chia đất cho các con, cả trai lẫn gái. “Không ngờ thằng con trai tui dám chửi tui là súc vật. Nó nói tui không đăng ký kết hôn với cha nó nên chỉ là vợ hờ và không có quyền gì trong cái nhà này” - bà U nói như khóc.

Bà U đã được cấp giấy đỏ cho mảnh đất ở thị trấn, cũng là chỗ bà cất quán lá bán nước giải khát. Con trai thứ tư của bà đã được chia phần nhiều nhất và được tách giấy đỏ riêng nhưng vẫn tiếp tục tranh chấp đất với mẹ. Bà U ở với con gái út trong căn nhà tạm lụp xụp. Con gái út của bà định sửa lại nhà cho kiên cố hơn để che mưa chống gió nhưng không được. Bà U nói: “Mỗi lần thợ vô làm là lại bị anh trai nó đuổi đi. Không có thợ nào dám bén mảng tới nữa. Các chị em gái cũng không dám nói gì”.

Riêng mảnh đất rẫy, vì diện tích tới hơn 4 ha nên bà U muốn cắt một phần cho con gái để trồng mì vì con gái bà nghèo khó, phải đi làm mướn. Tuy nhiên, mảnh đất này, con trai thứ tư và con trai thứ bảy của bà đã chiếm hết, không cho ai tới. Trăn trở nhiều ngày, bà và mấy người con gái đứng đơn kiện ra tòa yêu cầu chia di sản thừa kế cho các con theo pháp luật. Bà bày tỏ: “Tôi già rồi, ai cũng muốn tuổi này vui vầy với con cháu, không ai muốn mẹ con, anh em phải kiện nhau nhưng tôi không còn cách nào khác”.

Quyết giành với mẹ

Khi tòa thụ lý đơn, bà vẫn nói: “Tui vẫn luôn cho con trai phần hơn nhưng nó không coi tôi là mẹ, không coi con gái tôi là chị em gái của nó”.

Tháng 4-2014, hai con trai của bà U gửi đơn lên huyện đề nghị thu hồi giấy đỏ của mảnh đất này (được cấp vào năm 1994, đứng tên chồng bà U) với lý do: Đất này gia đình đã hiến làm công ích.

Hỏi vì sao lại tranh chấp đất với mẹ mình, một người con trai của bà U nói: “Đất này trước đây của ông nội, bên nội muốn lấy phần đất này làm công ích nên giao cho cha tôi làm lấy huê lợi. Giờ cha tôi mất rồi, đất này phải trả lại cho bên nội tôi mới đúng. Các cô chú bên nội giao cho tôi quản lý”. Anh này cũng nói rằng vì chị em gái của anh ta không biết tìm đến anh xin mượn đất nên anh ta không đồng ý chia đất cho họ.

Một người con gái trong gia đình uất ức: “Mấy ảnh hỏi luật sư ra tòa thì sao, họ nói quy định pháp luật phải chia đều nên mấy ảnh mới làm ra vậy để mẹ không chia cho ai được hết”.

Ngay sau khi có đơn của con trai bà U, UBND huyện Dương Minh Châu có văn bản gửi tòa án đề nghị tạm đình chỉ giải quyết vụ án để thu thập chứng cứ giải quyết. Trong thời gian đó, con trai bà U vẫn trồng mì trên đất này.

Bà U cho hay trước đây vào năm 1976, chồng bà có làm giấy tay hiến đất để làm công ích. Nhưng sau đó vì khó khăn nên ông tiếp tục làm trên đất này và được cấp giấy đỏ.

Trong quá trình giải quyết vụ việc, ông Nguyễn Văn Phon (quyền tổng giám điều hành ban công thợ, Hội thánh Cao Đài) đã có tờ trình, trong đó nêu rõ: ”Nguyên vào năm 1976, gia đình ông D. (chồng bà U) có làm giấy hiến cho ban công thợ hơn 4 ha đất, giấy hiến đất làm bằng giấy tay, không có cấp nào chứng kiến. Ngoài ra không còn giấy tờ nào khác nữa. Đến năm 2006, ông D. không còn làm cho ban công thợ nữa, ban cũng không còn sử dụng số đất này, gia đình tùy nghi sử dụng”.

Như vậy, lẽ ra vụ kiện được giải quyết theo luật nhưng vì chưa có kết luận của UBND huyện về mảnh đất nên bị ách. Ông Phạm Văn Hậu (Chánh văn phòng UBND huyện Dương Minh Châu) nói ông biết hoàn cảnh khó khăn của bà U, “trong thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo ngành chức năng sớm xác minh vụ việc để tòa án tiếp tục giải quyết”.

Ủy ban không có quyền can thiệp

Theo Nghị quyết 35/2000/QH10 của Quốc hội hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, hai bên nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 3-1-1987 dù không đăng ký kết hôn vẫn được công nhận là vợ chồng. Nếu có một bên chết trước thì bên còn sống được hưởng di sản của bên chết để lại theo quy định của pháp luật về thừa kế. Như vậy, bà U được hưởng một nửa trong khối tài sản chung của hai vợ chồng. Phần còn lại là tài sản thừa kế chia đều cho những người được thừa kế là vợ (tức bà U), các con và cha mẹ ruột.

Việc UBND huyện gửi văn bản cho tòa án đề nghị tạm đình chỉ giải quyết vụ án khi có đơn khiếu nại của con trai bà U là không đúng. Lẽ ra huyện chỉ làm một công văn gửi cho tòa với đề nghị tòa xem xét thêm và tiếp tục giải quyết vụ án. Đất này đã được cấp chủ quyền nên thuộc thẩm quyền của tòa án, UBND huyện không có thẩm quyền đề nghị đình chỉ vụ án.

Luật sư ĐINH QUỐC DUNG (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm