Cha di chúc để tài sản cho con gái, con trai có 'gỡ gạc' được?

"Những tranh chấp trong nội bộ gia đình sở dĩ khó hoà giải là do các thành viên không ngồi lại được với nhau, phần nữa là do không hiểu được các quy định pháp luật..." - Đó là chia sẻ của công chứng viên Lê Ngọc Tình – Phó Phòng Công chứng số 2, Sở Tư pháp TP.HCM với Pháp Luật TP.HCM tại buổi trợ giúp pháp lý lưu động và tặng quà cho người dân nghèo của phường 8, quận Tân Bình sáng 23-9.
Tham dự buổi trợ giúp pháp lý sáng nay, 23-9, có đại diện các đơn vị thuộc Khối thi đua 9, Phòng Tư pháp quận Tân Bình; các luật sư, công chứng viên; các trợ giúp viên thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM và 200 người dân phường 8.

Cha di chúc để tài sản cho con gái, con trai có 'gỡ gạc' được? ảnh 1
Trợ giúp viên Trần Minh Lộc lắng nghe thắc mắc của dân

Vấn đề pháp lý được nhiều người dân quan tâm, nhờ trợ giúp nhiều nhất là các tranh chấp trong nội bộ gia đình liên quan đến thừa kế, lập di chúc, phân chia tài sản chung...

Có trường hợp người dân thắc mắc: Người mẹ đã lập di chúc cho con trai căn nhà lâu rồi, nay người con trai không chăm sóc mẹ thì có thể truất quyền thừa kế hay không.
Trợ giúp viên Trần Minh Lộc giải đáp: “Nếu việc tặng cho là hợp pháp hoặc trong di chúc không có nội dung “phải chăm sóc mẹ thì mới được hưởng thừa kế” thì không thể huỷ bỏ di chúc. Vấn đề quan trọng là tình cảm gia đình, cần tìm cách vận động để các con có thể cùng chăm sóc mẹ”...
Có người phàn nàn chuyện người cha lén lút đi lập di chúc cho con gái hưởng toàn bộ di sản, mà không cho con trai như thông thường. Mâu thuẫn gia đình trầm trọng đến nỗi mới giỗ đầu mà con cái không đủ mặt để thắp nén nhang trên bàn thờ cha.
“Như vậy có phải là người cha đã bị lừa dối, bị lợi dụng nên xâm phạm đến quyền của người con khác. Ông đã lập di chúc khi sức khoẻ không tốt, tinh thần không minh mẫn vì trước khi ra công chứng vài tháng, ông đã bị đột quỵ, không đi lại bình thường được” – người dân thắc mắc.
Luật sư tư vấn: “Việc di chúc cho ai, cho con trai hay con gái, là quyền của người lập di chúc, không cần phải hỏi ý kiến của người khác. Tinh thần minh mẫn, sáng suốt tức là người lập di chúc có thể tự thể hiện được ý chí của mình tại thời điểm lập di chúc”...

Công chứng viên Lê Ngọc Tình: “Những tranh chấp trong nội bộ gia đình sở dĩ khó hoà giải là do các thành viên không ngồi lại được với nhau, phần nữa là do không hiểu được các quy định pháp luật liên quan".

Công chứng viên Lê Ngọc Tình – Phó Phòng Công chứng số 2, Sở Tư pháp TP.HCM chia sẻ: “Những tranh chấp trong nội bộ gia đình sở dĩ khó hoà giải là do các thành viên không ngồi lại được với nhau. Phần nữa là do không hiểu được các quy định pháp luật liên quan đến tranh chấp, không hiểu quyền và nghĩa vụ của mình và của thành viên khác. Nhiều trường hợp, nghe tư vấn xong, người dân “Ồ” lên ngỡ ngàng và “phải về nói ngay với người trong gia đình”.

Các luật sư, trợ giúp viên cũng chia sẻ rằng để người dân dễ nắm bắt các vấn đề pháp lý hơn, người tư vấn cần dùng ngôn ngữ gần gũi, đời thường của người dân...
Ai là người được trợ giúp pháp lý miễn phí?
Luật Trợ giúp pháp lý 2017 có hiệu lực từ 1-1-2018. Luật quy định về việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng miễn phí cho người nghèo, người có công với cách mạng và những người yếu thế trong xã hội.
Luật quy định các quyền và nghĩa vụ liên quan nhằm giúp người được trợ giúp pháp lý miễn phí bảo vệ quyền lợi hợp pháp; nâng cao hiểu biết pháp luật, tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, công bằng xã hội; phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Luật Trợ giúp pháp lý 2017 kế thừa luật cũ và mở rộng nhiều đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí như trẻ em, người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo...
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm