Cha dắt con ‘bỏ trốn’, thi hành án bế tắc

“Tôi thực sự bế tắc, tôi phải làm gì thì mới được gặp con tôi đây? Giờ ông ấy đã cho cháu nghỉ học, dắt cháu bỏ trốn, cơ quan thi hành án (THA) không làm được gì, cứ treo vụ việc của tôi vì lý do ông ấy đưa theo con đi đâu không rõ nên không thể THA được” - bà G. nức nở khóc khi kể với chúng tôi.

Không chịu giao con theo bản án

Đây là vụ việc mà Pháp Luật TP.HCMtừng phản ánh. Theo đó, năm 2015, bà G. nộp đơn ra tòa xin ly hôn với ông L. Tháng 11-2016, TAND quận 5 xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận cho hai người ly hôn và giao con gái chung là cháu T. (SN 2011) cho ông L. nuôi dưỡng. Bà G. kháng cáo, xin được nuôi dưỡng con. Tháng 4-2017, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của bà, tuyên giao cháu T. cho bà trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng.

Sau khi bà G. làm đơn yêu cầu THA, tháng 7-2017, Chi cục THA dân sự quận 5 ra quyết định THA yêu cầu ông L. phải giao con chung cho bà G. Hết thời hạn tự nguyện THA, ông L. không giao cháu T. Tháng 8-2017, khi làm việc với cơ quan THA, ông L. đồng ý giao con nhưng sau đó không thực hiện.

Sau khi Pháp Luật TP.HCM thông tin, Chi cục THA dân sự quận 5 đã nhiều lần mời ông L. đến làm việc nhưng ông đều vắng mặt không lý do. Vì vậy, tháng 11-2017, chi cục  ra quyết định cưỡng chế THA, buộc ông L. phải giao con cho bà G. nuôi dưỡng vào ngày 8-12-2017 tại UBND phường 14, quận 5.

Tuy nhiên, trước thời điểm cưỡng chế một ngày (7-12-2017), Chi cục THA dân sự quận 5 bất ngờ ban hành thông báo tạm dừng việc cưỡng chế THA với lý do “để củng cố, hoàn thiện hồ sơ”. Bà G. khiếu nại. Ngày19-12-2017, Chi cục THA dân sự quận 5 có công văn trả lời khiếu nại, cho biết chưa thực hiện việc cưỡng chế là do chấp hành viên (CHV) phải củng cố, hoàn thiện hồ sơ trước khi tổ chức cưỡng chế...

Theo Chi cục THA dân sự quận 5, do Luật THA dân sự và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có những quy định khác nhau về thẩm quyền xử phạt và mức phạt đối với hành vi không thực hiện công việc phải làm theo bản án, quyết định nên chi cục đã có công văn xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ của Cục THA dân sự TP. Sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ, chi cục sẽ tổ chức thi hành bản án theo quy định của pháp luật.

Hơn một năm qua, bà G. không được gặp con vì cha cháu bé ngăn cản rồi đưa cháu đi đâu không rõ. Ảnh: YC

Do cha đưa con đi đâu không rõ

Sau đó, rất nhiều lần bà G. liên hệ thì Chi cục THA dân sự quận 5 đều trả lời rằng chưa có chỉ đạo của Cục THA dân sự TP. Gần đây nhất, ngày 3-4-2018, bà G. tiếp tục liên hệ thì CHV trả lời rằng Cục THA dân sự TP vẫn chưa có văn bản trả lời.

Để tìm hiểu sự việc, chúng tôi đã liên hệ Cục THA dân sự TP. Mới đây, Cục THA dân sự TP đã có công văn trả lời.

Theo Cục THA dân sự TP, việc củng cố, hoàn thiện hồ sơ THA trong vụ việc này là CHV xác minh nhằm xác định trẻ hiện nay ở đâu, ai đang nuôi giữ để tiến hành giao trẻ cho bà G. theo bản án. Hiện nay ông L. đưa trẻ đi đâu không ai biết (chính quyền địa phương cũng không rõ) nên việc xác minh cần tiếp tục. Vì ông L. đi khỏi địa phương đưa theo trẻ, hiện không rõ ở đâu nên không thể tiến hành cưỡng chế THA được.

Cục THA dân sự TP khẳng định việc ông L. đưa con đi khỏi địa phương không phải là căn cứ pháp luật để dừng việc cưỡng chế. Tuy nhiên, trong trường hợp này phải biết được trẻ cụ thể đang ở đâu thì mới THA được.

Cũng theo Cục THA dân sự TP, việc bà G. cho rằng do Chi cục THA dân sự quận 5 tạm dừng việc cưỡng chế, kéo dài thời gian THA, tạo điều kiện cho ông L. dắt trẻ bỏ trốn là không có cơ sở. Vì như đã nêu, ông L. đưa con đi nơi khác (nay không biết đang ở đâu), CHV xác minh tại nhà riêng trên đường Nguyễn Trãi (phường 14, quận 5) thì mới biết được sự việc này.

Cơ quan THA bế tắc, chỉ tội cho người mẹ ngày đêm mong mỏi được gặp con. “Kể từ ngày xảy ra mâu thuẫn, ông L. dắt con đi không cho tôi gặp. Cho đến khi tòa giao con cho tôi, ông L. vẫn không thực hiện. Tôi đã làm đơn gửi rất nhiều cơ quan mong xem xét nhưng vẫn vô vọng. Gần một năm nay, tôi hoàn toàn không biết tung tích gì của con. Đêm nào nằm ngủ tôi cũng mơ thấy con, chỉ ước gì được gặp con một lần... - bà G. lại nức nở khóc.

Chi cục trưởng, chấp hành viên không thể phạt tới 3 triệu đồng

Theo Cục THA dân sự TP. HCM, Điều 120 Luật THA dân sự quy định CHV phải ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người phải THA giao con chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng.

Theo Nghị định số 110/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính, hành vi của ông L. thuộc trường hợp “không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định” và phải chịu phạt tiền 3-5 triệu đồng. Thế nhưng thẩm quyền xử phạt hành chính của CHV theo quy định hiện hành cao nhất là 500.000 đồng, của chi cục trưởng Chi cục THA dân sự cao nhất là 2,5 triệu đồng. Như vậy, CHV và chi cục trưởng Chi cục THA dân sự không có thẩm quyền phạt tới 3 triệu đồng (mức phạt tối thiểu) trong trường hợp trên.

Hơn nữa, với mức tiền cần phải xử phạt trên thì CHV phải lập biên bản vi phạm hành chính. Tuy nhiên, hiện ông L. không ở địa phương, đi đâu không ai biết nên chưa thể lập được biên bản vi phạm hành chính.

Sau khi Chi cục THA dân sự quận 5 có công văn xin hướng dẫn nghiệp vụ về xử lý hành chính đối với ông L., Cục THA dân sự TP cho biết đã có công văn ngày 2-4-2018 về việc hướng dẫn nghiệp vụ. Tuy nhiên, do không lập được biên bản vi phạm hành chính đối với ông L. nên chưa có cơ sở để ra quyết định xử lý hành chính.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm