Câu hỏi nhức nhối về bức cung, nhục hình

Điều đáng nói là tại phiên tòa này, bị cáo Luật cho rằng sau khi vụ án được tòa trả hồ sơ, cán bộ điều tra và kiểm sát viên đã “dụ” bị cáo hãy nhận tội, họ sẽ giải quyết cho xong nợ nần và đề nghị cho Luật mức án bảy năm tù.

Vậy lời nhận tội của bị can, bị cáo có giá trị pháp lý đến đâu? Vì sao trong các vụ án hình sự, nhiều bị cáo khi ra tòa thường tố điều tra viên dụ cung hay dùng nhục hình để buộc họ phải nhận tội?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 64 BLTTHS thì lời khai của bị can, bị cáo cũng chỉ là một trong những nguồn chứng cứ của vụ án. Điều 66 BLTTHS về đánh giá chứng cứ cũng quy định: Mỗi chứng cứ phải được đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án… Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và hội thẩm xác định và đánh giá mọi chứng cứ với đầy đủ tinh thần trách nhiệm…

Như vậy, từ góc độ đánh giá chứng cứ có thể thấy pháp luật tố tụng hình sự hoàn toàn không có sự quy định về mức độ tin cậy của các loại chứng cứ, cũng như không khẳng định trước chứng cứ nào có giá trị hơn chứng cứ nào. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy đã có một thời gian dài các cơ quan tố tụng quá chú trọng đến lời nhận tội của bị can, bị cáo và xem đây là chứng cứ quan trọng để kết tội họ. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc CQĐT tìm mọi cách (kể cả dụ cung, bức cung, nhục hình) để bị can, bị cáo nhận tội.

Trong khi đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 72 BLTTHS thì lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Điều luật này cũng quy định cơ quan tố tụng không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội họ.

Như vậy, cho dù bị can, bị cáo nhận tội nhưng nếu lời nhận tội đó không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án hoặc CQĐT không chứng minh được một cách đầy đủ hành vi phạm tội của họ thì tòa án phải kiên quyết tuyên bố bị can, bị cáo không phạm tội. Tôi tin rằng sự thay đổi quan niệm trong cách xét xử, đánh giá chứng cứ của tòa án theo hướng vừa nói ít nhiều sẽ tác động đến nhận thức của CQĐT.

Một khi tòa án đã không quá nhấn mạnh vào yếu tố nhận tội của bị can, bị cáo, không xem lời nhận tội là chứng cứ quan trọng, có độ tin cậy cao hơn các chứng cứ khác để kết tội họ thì cũng không có lý do gì CQĐT phải bắt bị can, bị cáo nhận tội bằng mọi giá. Đây cũng là một cách để tránh các trường hợp dụ cung cũng như các hành vi bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra nói chung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm