Cấp giấy nhà, đất: Cải tiến hay cải lùi!

Theo đại diện Phòng TN&MT quận 7, nếu trước đây tỉ lệ hồ sơ nhà, đất trễ hẹn ở quận 7 chỉ khoảng 5% thì từ tháng 7-2015 đến nay tỉ lệ này tăng 25%-30%, chủ yếu là các hồ sơ chuyển về Sở TN&MT. Ở quận Tân Phú, từ chỗ tỉ lệ trễ hẹn không được cao hơn 1% thì gần đây người dân rất phiền hà bởi hồ sơ không biết khi nào mới xong…

Với Nghị định 43/2014, hệ thống văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất từ hai cấp chuyển thành một cấp cho giống với các nước trên thế giới, phù hợp với điều kiện công nghệ tiên tiến nhằm giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính trong quản lý và cấp giấy chứng nhận nhà, đất. Theo đó, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP trực thuộc Sở TN&MT đã hợp nhất với 24 văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc phòng TN&MT quận, huyện để trở thành văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) TP (trực thuộc Sở TN&MT). Cùng với đó, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân có thay đổi. Cấp lần đầu tiên vẫn là UBND quận, huyện ký (phòng TN&MT thụ lý); cấp đổi, cấp lại do bị rách, mất, hết trang cập nhật, có giao dịch… (nôm na là cấp từ lần 2 trở đi) thì UBND quận, huyện không còn ký nữa mà là Sở TN&MT ký (VPĐKĐĐ TP thực hiện thông qua các chi nhánh đặt tại 24 quận, huyện).

Mục đích hiện đại vậy nhưng đến khâu thực hiện thì phát sinh rắc rối. Đối với trường hợp cấp lần 1, giữa chi nhánh VPĐKĐĐ với phòng TN&MT vẫn chưa có sự phân định trách nhiệm ứng với quy trình mới, đâm ra hồ sơ bị kéo rê vô thời hạn. Đối với trường hợp cấp lần 2 trở đi, từ chỗ có “24 ông” (quận, huyện) ký giờ chỉ còn “một ông” (sở) ký khiến hồ sơ bị quá tải. Điều đáng nói là loại này chiếm khoảng 80% số hồ sơ cấp giấy chứng nhận làm tỉ lệ trễ hẹn tăng lên gấp sáu lần như phản ánh đã nêu của Phòng TN&MT quận 7... Trước tình hình đó, Sở TN&MT đã phân cho hai phó giám đốc ký giấy, đồng thời khuyến khích đăng ký cập nhật (để các chi nhánh ký theo thẩm quyền) nhưng do người mua, nhận chuyển nhượng… không mặn mà cách này nên hồ sơ vẫn bị dồn ứ.

“Hồ sơ lưu nằm ở quận, huyện; các chi nhánh cũng đã soát xét những điều kiện cấp giấy mà xét về bản chất thì đó là cấp mới, sao quận, huyện không thể ký mà phải đưa lên sở?”. Với câu hỏi này, ông Phạm Ngọc Liên (Giám đốc VPĐKĐĐ TP.HCM) cho biết: “Nghị định 43/2014 và Thông tư 02/2015 của Bộ TN&MT quy định vậy nên TP.HCM không thể làm khác hơn”. Cũng theo ông Liên, nếu để sở ký thì có thể phải mất đến 30 ngày (gấp ba lần so với các chi nhánh ký), đã vậy ngân sách còn phải trả phí bưu điện là 46.000 đồng/hồ sơ… Vậy đâu là giải pháp? “Hoặc Nghị định 43 phải được sửa theo hướng tùy thực tế mà cấp tỉnh có thể ủy quyền cho quận, huyện ký; hoặc Bộ TN&MT bổ sung nội dung này vào nghị định hướng dẫn mới (đang được hoàn chỉnh) để Chính phủ sớm ban hành” - ông Liên nêu ý kiến.

Pháp luật về nhà, đất thay đổi xoành xoạch, lúc là mẫu giấy, lúc về thẩm quyền… với lý do “phải cải cách để tạo thuận tiện cho dân” nhưng rồi y như rằng càng thay đổi càng phát sinh rối rắm, xáo trộn. Những người làm chính sách ắt có lý lẽ để điều chỉnh, phân chia cái nào tỉnh ký, cái nào huyện ký nhưng người dân thì lại thấy đều là giấy chủ quyền cho cùng đối tượng, can chi phải khác nhau?

Để tậu được miếng đất, căn nhà, có nhiều người đã lao động cả đời. Chừng khi xin cấp giấy lại còn phải vất vả, tốn kém không đáng có với những chữ ký. Chẳng lẽ lại đề nghị những ai đó hãy thử là người dân đi làm các giấy tờ này để không mắc bệnh “chân vuông” nghĩa là chỉ ngồi bàn giấy để làm chính sách, khiến cải tiến hóa ra cải lùi?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm