'Cáo trạng chứ không phải bản nhạc mà chỗ nào cũng la, thăng'

Sáng 11-3, phiên tòa của TAND TP Hà Nội xét xử 12 bị cáo trong vụ án Ethanol Phú Thọ tiếp tục làm việc với phần tranh luận.

Bị cáo Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí Việt Nam – PVN) cùng luật sư của mình tham gia đối đáp với đại diện VKS.

Phản đối lời khai của Trịnh Xuân Thanh

Mở đầu, ông Thăng đề nghị HĐXX cho mình được phản hồi về lời khai của một số bị cáo trong phần xét hỏi trước đó, bao gồm bị cáo Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí – PVC).

Theo đó, bị cáo Thanh khai rằng ngay từ đầu đã khẳng định không thể thực hiện dự án với mức giá 59 triệu USD, nhưng vì sức ép từ PVN nên PVC buộc phải nhận. Ông Thăng khá gay gắt khi nói về lời khai này của Trịnh Xuân Thanh. Ông cho rằng mức giá đưa ra thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư (Công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí – PVB), PVC đồng ý tham gia dự án là sự tự nguyện.

Cựu chủ tịch PVN nhấn mạnh đã chỉ đạo rõ nếu hai bên đồng ý thì làm, không thì thôi, trong trường hợp PVC và PVB không thống nhất được với nhau về giá thì chọn nhà thầu khác. Việc bị cáo Thanh nói nếu không có chỉ đạo của PVN thì sẽ không làm dự án là không đúng, “tự tát vào mặt mình”.

Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa. Ảnh: TTXVN

Tương tự, ông Thăng cũng không đồng tình với lời khai của bị cáo Vũ Thanh Hà (cựu TGĐ PVB) rằng chịu sức ép từ mình trong việc chỉ định thầu cho liên danh PVC. Ông cho rằng mình không trực tiếp chỉ đạo, gọi điện hay bắt buộc PVB phải chỉ định thầu cho PVC.

Đáng chú ý, bị cáo nói rằng “la”, “thăng” là những nốt nhạc, nhưng không phải bản nhạc nào cũng chỉ có “la” và “thăng”. Tuy vậy, bản cáo trạng của VKS chỗ nào cũng thấy nhắc đến Đinh La Thăng, đây là bản cáo trạng chứ không phải bản nhạc.

Không đồng tình với cáo buộc của VKS

Đi vào nội dung tranh luận với đại diện VKS, bị cáo Đinh La Thăng nhiều lần nhấn mạnh quan điểm hoàn toàn không đồng ý với bản luận tội của cơ quan công tố. Theo ông, dù quá trình xét hỏi đã trả lời rất nhiều vấn đề mà kiểm sát viên đưa ra nhưng đến khi luận tội thì không khác gì so với bản cáo trạng truy tố.

Đối với cáo buộc của VKS về việc biết PVC chưa triển khai dự án nhiên liệu sinh học bao giờ nhưng vẫn cho chỉ định thầu, bị cáo Thăng nói “nếu không có lần đầu tiên thì không thể có lần sau”, nếu không có chủ trương chỉ định thầu thì ngành dầu khi làm sao có thể thực hiện thành công nhiều dự án quan trong, trong đó có cả những hệ thống giàn khoan hiện đại.

Tiếp tục, cựu chủ tịch PVN đề nghị đại diện VKS nêu rõ văn bản nào, lời khai nào cho thấy mình chỉ đạo chỉ định thầu cho PVC. Bởi theo bị cáo, công văn giới thiệu PVC chỉ là trong nội bộ PVN, không gửi cho PVB, nhưng cáo trạng lại cho rằng PVB căn cứ vào chỉ đạo của PVN. Thực tế, bị cáo không hề giới thiệu liên danh nhà thầu, việc lựa chọn nhà thầu nào là thuộc về quyền của chủ đầu tư (PVB).

Về nguyên nhân dự án bị dừng thi công, ông Thăng phản đối quan điểm của cơ quan công tố khi cho rằng do nhà thầu thiếu năng lực. Bị cáo nói thực tế dự án Ethanol Phú Thọ có quy mô không lớn, không phức tạp so với các dự án mà PVN và PVC từng làm. “Nguyên nhân số 1 ở đây là tiền, không có tiền không làm được gì” – bị cáo tự bào chữa.

Cựu chủ tịch PVN cũng không đồng tình với cách tính thiệt hại trong vụ án này. Theo bị cáo, ngân hàng cho chủ đầu tư vay thì phải thẩm định và có tài sản thế chấp, không thể tính số tiền lãi phải trả thành số tiền thiệt hại, phải xem xét ngân hàng cho vay có đúng không, có quy định nếu dừng thi công thì nhà thầu phải trả lãi thay hay không… Không thể yêu cầu bị cáo mà một số người khác chịu trách nhiệm về số tiền này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm