Căng băng rôn bêu riếu phó bí thư phường

Khoảng 7 giờ sáng 16-2, bà Huỳnh Thị Lệ Trinh, chủ khách sạn 2222 (phường 5, TP Mỹ Tho, Tiền Giang), đã lái xe ô tô chạy quanh một số tuyến đường tại hai phường 1 và 5, bên hông ô tô có giăng băng rôn ghi dòng chữ: “Bà Trinh - khách sạn 2222 cương quyết yêu cầu khởi tố Hồ Văn Bá - Phó Bí thư Đảng ủy phường 1 đã cầm đầu, chủ trương tổ chức lén lút phá hoại đường dây điện khách sạn 2222 gây thiệt hại 28 triệu đồng (theo khoản 2 Điều 141 BLHS). Hồ Văn Bá là anh ruột của Thiếu tá Hồ Văn Phước”.

Chiếc xe này chạy nhiều lần trên địa bàn hai phường nói trên, thu hút rất đông người dân hiếu kỳ. Đến hơn 8 giờ, lực lượng CSGT và trật tự của TP mới đến can thiệp, mời bà Trinh về trụ sở Công an phường 5 làm việc. Băng rôn trên xe cũng bị tháo xuống.

Chiếc xe của bà Trinh căng băng rôn chạy ngoài đường.

Trao đổi qua điện thoại với PV, bà Trinh cho biết khoảng hai năm trước, UBND phường 5 có chủ trương vận động người dân cho đấu nối một phần đường dây điện chiếu sáng công cộng vào hệ thống điện tư nhân nhưng bà không đồng ý. Sau đó, bà Trinh phát hiện đường dây công cộng không hiểu sao vẫn được đấu nối vào hệ thống điện riêng của khách sạn 2222 mà không có ai đến hỏi ý kiến của bà. Ông Bá thời điểm đó là phó bí thư Đảng ủy phường 5. Sau khi bị đấu nối, đường dây điện của bà còn bị cắt vỏ nhiều đoạn nên bà khiếu nại đòi bồi thường và yêu cầu khởi tố vụ án phá hoại tài sản.

Theo kết quả giám định của Phòng Tài chính TP Mỹ Tho thì thiệt hại của bà Trinh chỉ 26.000 đồng nên cơ quan chức năng không xử lý hình sự. Không đồng tình, bà Trinh tự nhờ đơn vị tại TP.HCM giám định thì thiệt hại đến gần 28 triệu đồng. Cho rằng kết quả giám định tại địa phương không khách quan và ông Bá đã chỉ đạo người lén lút làm hư đường dây điện của khách sạn, bà Trinh tiếp tục khiếu nại lên cấp trên, yêu cầu phải khởi tố vụ án…

“Do yêu cầu của tôi không được giải quyết thỏa đáng nên tôi mới có hành động như vậy” - bà Trinh phân trần. Sau khi lấy lời khai tại Công an phường 5, đến 17 giờ cùng ngày, bà Trinh được mời về trụ sở Công an TP Mỹ Tho để tiếp tục làm việc. Riêng chiếc ô tô đã bị lập biên bản tạm giữ.

Chiều 16-2, ông Hồ Văn Bá cho biết toàn bộ vụ việc đang được cơ quan công an xử lý, bản thân ông không có ý kiến gì vào lúc này.

Được biết năm 2012 bà Trinh từng đem hai chiếc quan tài “tặng” Thiếu tá Hồ Văn Phước (thời điểm đó là cảnh sát khu vực). Công an TP Mỹ Tho đã có quyết định khởi tố bị can đối với bà Trinh về hành vi đe dọa giết người. Nhưng sau đó VKSND TP Mỹ Tho không phê chuẩn vì cho rằng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Hành vi của bà Trinh vi phạm quy định pháp luật nào?

Với câu hỏi này, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến trái chiều:

Cụ thể, theo luật sư Phan Ngọc Nhàn (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, nguyên Chánh án TAND thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk), bà Trinh không có hành vi gây rối trật tự công cộng và cũng không thể bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác (Điều 121 BLHS) hay tội vu khống (Điều 122). “Nếu cho rằng bà Trinh có hành vi vu khống thì công an phải xác minh xem thực hư nội dung tố cáo ra sao. Nếu sự thật không phải như vậy mới có thể xem xét khởi tố” - luật sư Nhàn nói.

Trong khi đó, TS Phan Anh Tuấn (giảng viên ĐH Luật TP.HCM) và luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) cùng khẳng định: Việc căng băng rôn trên xe thể hiện nội dung bôi xấu người khác rồi diễu phố là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính xác thực của nội dung băng rôn so với thực tế mà xác định sự vi phạm ở góc độ hành chính hoặc hình sự. Nếu không có cơ sở xác định ông Bá có hành vi sai phạm thì bà Trinh có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 122 BLHS về tội vu khống (khung hình phạt cơ bản là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm, khung tăng nặng bị phạt tù đến bảy năm).

Luật sư Công bổ sung: Nếu bà Trinh có thực hiện việc tố cáo ông Bá đến cơ quan chức năng theo đúng quy định và kèm hồ sơ với đầy đủ cơ sở xác định ông Bá vi phạm như nội dung băng rôn thể hiện thì hành vi dùng băng rôn diễu phố cũng vi phạm pháp luật nhưng có thể xem xét ở mức độ nhẹ. Cơ quan chức năng có thể áp dụng điểm l khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013 để xử phạt 2-3 triệu đồng về hành vi viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân.

Người dân khi phát hiện hành vi vi phạm của người khác phải tố cáo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan chức năng chứ không được tự xử lý theo ý chí cá nhân. Trường hợp trên, bà Trinh có thể thực hiện quyền tố cáo của công dân đến cơ quan công an cấp quận, cấp tỉnh hoặc thậm chí là Bộ Công an.

Luật sư NGUYỄN THÀNH CÔNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm