Cần xem xét vụ ‘mời đúng quy trình’ như bắt cóc

 Bởi sự việc xảy ra ngay trước cổng trường mầm non, vào đầu giờ học, với diễn biến bất thường, không có dấu hiệu nào để người dân nhận biết yếu tố công vụ ở đây.

Theo thông tin trên nhiều báo, lúc ấy ông Phong lái ô tô chở con gái bốn tuổi vừa đến cổng trường thì bất ngờ có một chiếc xe bảy chỗ áp sát. Lập tức nhiều người trên xe này tiến đến khống chế ông Phong và cháu bé đưa ra ngồi ghế sau rồi người khác cầm lái chở cha con ông chạy về hướng TP.HCM…

Sự việc diễn ra khiến ban đầu Công an thị xã La Gi, Công an tỉnh Bình Thuận tưởng đây là một vụ bắt cóc nên đã huy động lực lượng vào cuộc để truy bắt, bảo vệ “con tin”. Cuối cùng, công luận được thông tin lại rằng ấy là Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đang thực hiện chuyên án đúng quy trình.

2. Đã có người lên tiếng cho rằng đây chỉ là mời ông Phong đi làm việc. Trời ạ, mời cái kiểu gì mà xung quanh ai cũng nghĩ đây là một vụ bắt cóc!

Mặc dù từ triệu tập theo từ điển tiếng Việt có nghĩa là gọi, mời nhưng khi nhận giấy triệu tập của cơ quan tố tụng, người dân (không phải là bị can/bị cáo) đã thấy khó chịu rồi. Vì từ triệu tập nghe cứ như là ra lệnh vậy. Bởi theo phép lịch sự trong giao tiếp, khi muốn mời ai đó thì người mời phải gửi giấy mời trước hoặc có lời nói, cử chỉ khi mời phải lịch sự, tử tế. Khi đó, người được mời cảm thấy mình thực hiện lời mời một cách tự nguyện, trong danh dự.

Đằng này, người ta đang đưa con đi học thì bị khống chế đưa đi mà bảo là mời! Cái kiểu mời “đúng quy trình” gì mà lạ lùng, quái đản vậy?! Nói mời như thế thì liệu có ai tin nổi không, hay đây chỉ là lời biện minh vụng về!

Còn nếu nói đây là vụ bắt người (để thực hiện công vụ) thì phải xét xem nó có đúng trình tự, thủ tục quy định của BLTTHS hay không. Điều 6 BLTTHS 2003 quy định: “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của VKS, trừ trường hợp phạm tội quả tang”. Ông Phong không phạm tội quả tang, không đang bị truy nã, không thuộc trường hợp bắt người khẩn cấp. Vì vậy nếu không có lệnh bắt giữ thì hành vi của các công an quận Hai Bà Trưng là sai luật.

Còn nếu có lệnh bắt tạm giữ, tạm giam thì việc bắt giữ đó cũng phải tuân thủ trình tự nghiêm ngặt theo khoản 2 Điều 80 BLTTHS. Đó là: “Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú thì phải có đại diện chính quyền xã, phường... và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến”.

Rõ ràng đối chiếu với quy định của luật, việc bắt người như thế là sai.

3. Trẻ em như búp trên cành. Đứa trẻ bốn tuổi không đủ sức chịu đựng khi phải chứng kiến cảnh cha cháu bị công an khống chế, bắt giữ. Nếu các công an quận Hai Bà Trưng chỉ phạm một sai lầm là khống chế, bắt giữ ông Phong trước mặt con ông đã là nghiêm trọng lắm rồi. Vậy mà ở đây họ lại bắt theo cả đứa trẻ bốn tuổi, để cháu nó phải chứng kiến những điều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cháu.

Cứ giả dụ việc bắt hoặc mời ông Phong là cần thiết cho công vụ (dù việc làm ấy sai luật như đã nói) thì việc để cháu bé phải đi cùng cha là điều quá bất thường. Điều này ngoài việc tổn hại đến cháu, nó còn có thể gây áp lực buộc ông Phong phải khai báo sai sự thật. Bất cứ lời biện minh nào trong trường hợp này - chẳng hạn vì làm theo yêu cầu của ông Phong - cũng không thể chấp nhận được.

Hành vi bắt giữ cháu bé và cả ông Phong - cha cháu đã có dấu hiệu của tội bắt, giữ người trái pháp luật theo khoản 1 Điều 123 BLHS.

Nếu ông Phong vi phạm pháp luật hình sự thì ông phải bị xử nghiêm nhưng phải đúng quy trình của BLTTHS. Tương tự, nếu các công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có hành vi sai luật thì cũng phải bị xem xét, xử lý đúng quy trình. Muốn vậy, thiết nghĩ Cục Điều tra VKSND Tối cao cần sớm vào cuộc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm