Cần gom đầu mối giám định về Viện Pháp y quốc gia

Việc thực thi pháp luật về giám định tư pháp thời gian qua bộc lộ những bất cập cả trong nội dung quy phạm pháp luật cũng như trong ý thức tuân thủ pháp luật. Vì vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung nhằm chấm dứt tình trạng có nhiều cơ quan giám định tư pháp nhưng không ai chịu trách nhiệm về kết quả giám định. Những bất cập về giám định tư pháp là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ án oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

Là luật sư, trước đây có nhiều năm công tác trong ngành tòa án, tôi xin được đóng góp một số ý kiến về dự thảo Luật Giám định tư pháp như sau:

Về tổ chức, hệ thống pháp y hiện nay được tổ chức theo Pháp lệnh Giám định tư pháp, gồm lực lượng pháp y của Bộ Y tế, Quốc phòng và Công an. Thực tiễn thời gian qua cho thấy mô hình này là chưa phù hợp. Có nhiều trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định nhiều lần với nhiều cơ quan giám định khác nhau nhưng không có một cơ quan cao nhất để đưa ra kết luận cuối cùng.

Vì vậy, tôi hoàn toàn nhất trí với dự thảo Luật Giám định tư pháp lần thứ năm, theo phương án 1, tức có Viện Pháp y quốc gia, trung tâm pháp y tại các tỉnh, thành và Viện Pháp y quân đội. Các trung tâm pháp y tại các tỉnh, thành và Viện Pháp y quân đội phải là cấp dưới của Viện Pháp y quốc gia.

Cho dù có xóa một số cơ quan pháp y cũng nên làm. Bởi lẽ đã là cơ quan nhà nước thì nhất thiết phải có trên, có dưới và được tổ chức thành một hệ thống từ trung ương đến địa phương. Không nên tổ chức hệ thống pháp y trong cả ba ngành y tế, quân đội và công an như hiện nay, lại càng không nên lấy một vài trường hợp do trình độ, trách nhiệm đã giám định sai, thậm chí có hiện tượng tiêu cực trong việc giám định tư pháp, rồi từ đó cho rằng cơ quan giám định pháp y này hơn/kém cơ quan giám định pháp y khác.

Về nội dung, theo Điều 21 BLHS thì “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Do đó, Luật Giám định tư pháp cần quy định rõ bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình là những bệnh gì.

Trường hợp một người bị thương vào đầu, bình thường vẫn nhận thức, điều khiển được hành vi của mình nhưng lúc trái gió trở trời hoặc bị kích động thì mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình thì có phải chịu trách nhiệm hình sự không.

Theo Điều 13 BLHS thì “người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Vậy người say rượu bệnh lý có chịu trách nhiệm hình sự không? Nếu không thì Luật Giám định tư pháp cần quy định rõ thế nào là say rượu bệnh lý. Tham khảo tài liệu của nước ngoài (Tâm thần học của Liên Xô cũ, nay là Cộng hòa Liên bang Nga), người say rượu bệnh lý cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự, vì đó là bệnh.

Luật sư ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm