Cần bảo vệ cả bị cáo lẫn bị hại là người chưa thành niên

Tại hội thảo quốc tế “Tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên” của Trường ĐH Luật TP.HCM vào ngày 13-10, các diễn giả dành nhiều quan tâm về nguyên nhân cốt lõi dẫn đến việc hệ thống tư pháp Việt Nam hoạt động chưa hiệu quả để bảo vệ tối ưu người chưa thành niên phạm tội hay bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên trong vụ án hình sự.

Người hỏi cung phải vì quyền lợi bị can

Trong phiên thảo luận, TS Lê Nguyên Thanh, Trưởng bộ môn Tội phạm học, Khoa luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, khẳng định việc hỏi cung sẽ gặp rủi ro nếu người hỏi cung không nắm bắt tâm sinh lý, cũng như quy định pháp luật về vấn đề bảo vệ bị can là người dưới 18 tuổi.

“Người hỏi cung cần ứng xử trên tinh thần nhân đạo và phải vì quyền lợi tốt nhất của bị can theo pháp luật Việt Nam và các khuyến nghị quốc tế” - TS Thanh bày tỏ.

PGS-TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng Khoa luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Theo TS Lê Nguyên Thanh, Bộ luật Hình sự (BLHS) và Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) Việt Nam đã gần hoàn chỉnh các quy định bảo vệ quyền của người dưới 18 tuổi trong quá trình tố tụng. Tuy nhiên, nội dung hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi thì vẫn còn quy định chưa cụ thể.

Điển hình, các nguyên tắc trong tố tụng hình sự yêu cầu người hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi phải có chuyên môn, nghiệp vụ hoặc có kinh nghiệm trong giải quyết các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi, có hiểu biết về tâm lý học, khoa học giáo dục người chưa thành niên. Tuy nhiên, theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Bộ Tư pháp vào năm 2019 thì không phải người tiến hành tố tụng nào cũng có kinh nghiệm hoặc có kiến thức chuyên sâu về kỹ năng tố tụng thân thiện cho người dưới 18 tuổi.

Cũng theo TS Thanh, BLTTHS quy định khi hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi bắt buộc phải có mặt người bào chữa, người đại diện cho người chưa thành niên. Tuy nhiên, quy định lại không hướng dẫn rõ là phải có mặt cả người bào chữa và người đại diện hay chỉ cần có một trong hai. Thực tế, nhiều biên bản hỏi cung chỉ có mặt của một trong hai cá nhân trên, dù sự có mặt của cả người bào chữa và người đại diện mới thật sự bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.

Quy định đặc biệt cho người dưới 18 tuổi

BLHS 2015, BLTTHS 2015 đều dành một chương riêng quy định về việc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo đó, việc xử lý người phạm tội thuộc lứa tuổi này chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

Thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành; bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý; bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan… 

Xây dựng đạo luật tư pháp riêng cho người chưa thành niên

Nhìn nhận các điểm chưa hoàn thiện, PGS-TS Đỗ Thị Phượng, giảng viên chuyên ngành luật hình sự và tố tụng hình sự Trường ĐH Luật Hà Nội, cho biết Việt Nam là một trong các quốc gia chưa xây dựng đạo luật về tư pháp người chưa thành niên. Thời gian qua, Ủy ban Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em đã khuyến nghị các quốc gia thành viên (Việt Nam là thành viên Liên Hợp Quốc) xây dựng đạo luật này.

Qua nghiên cứu đạo luật tư pháp người chưa thành niên của Indonesia, Philippines, Campuchia, PGS-TS Đỗ Thị Phượng cho rằng việc xây dựng đạo luật riêng cho người chưa thành niên tại Việt Nam có thuận lợi về cả văn hóa, xã hội và chính sách pháp luật đều xây dựng tinh thần nhân đạo cho người chưa thành niên phạm tội. Đồng thời, BLHS, BLTTHS hiện nay cũng đã có quy định riêng về hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên.

“Những quy định trong BLHS, BLTTHS đã tuân thủ và tiệm cận các quy tắc về quyền trẻ em trên thế giới. Bên cạnh đó, Tòa án Gia đình và Người chưa thành niên đã hình thành tại nhiều tỉnh, thành. Đây là nền tảng thuận lợi để xây dựng đạo luật tư pháp riêng cho người chưa thành niên. Tuy nhiên, xây dựng đạo luật riêng sẽ dẫn đến sửa đổi, bổ sung các bộ luật, luật khác trong khi các quy định được ban hành và thực thi chưa lâu” - diễn giả nhận định.

Một khó khăn khác là Việt Nam chưa đủ bộ máy và người tiến hành tố tụng riêng biệt cho hệ thống tư pháp riêng cho người chưa thành niên phạm tội. Đồng thời, còn thiếu các báo cáo, đánh giá liên ngành về những hạn chế, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định hiện tại về bảo vệ người chưa thành niên phạm tội để đúc kết kinh nghiệm cho đạo luật riêng nhằm tránh việc luật mới đi vào lối mòn luật cũ.

PGS-TS Đỗ Thị Phượng đề nghị quá trình xây dựng đạo luật tư pháp riêng cho người chưa thành niên cần nghiên cứu kinh nghiệm, pháp luật quốc tế và hoàn thiện cơ quan, tổ chức chuyên biệt để bảo vệ người chưa thành niên.

Mở rộng các hình phạt nhân đạo

Về vấn đề hình phạt, GS Sébastien Lafrance, công tố viên của Cơ quan công tố Canada, GS luật tại ĐH Ottawa, Canada, dẫn chứng việc các thẩm phán tại Canada dành một phạm vi rộng các loại hình phạt và biện pháp mà thẩm phán có thể lựa chọn để áp dụng cho người chưa thành niên. Đó là các biện pháp như khiển trách, tha miễn tuyệt đối, một khoản phạt tiền, thực hiện một dịch vụ cộng đồng hoặc một lệnh giam giữ… 

GS nêu ý kiến đồng thuận với các đề xuất của các chuyên gia tại Việt Nam, đề nghị ban hành một phạm vi rộng hơn các lựa chọn về hình phạt cho người chưa thành niên phạm tội để tòa có nhiều sự lựa chọn hơn khi xác định một biện pháp cụ thể, hoặc một sự trừng phạt phù hợp nhất để áp dụng trong từng vụ án.

TS Lê Huỳnh Tấn Duy, Trưởng bộ môn Tố tụng hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng pháp luật một mặt bảo vệ người chưa thành niên phạm tội thì cũng cần có quy định bảo vệ bị hại, người làm chứng hay cá nhân khác là người chưa thành niên liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, trong tố tụng hình sự Việt Nam, quyền lợi của những người này chưa được pháp luật nhắc đến nhiều.

Điển hình, trong quy định hỗ trợ tư pháp, nếu bị can, bị cáo là người chưa thành niên sẽ được chỉ định luật sư, người bào chữa miễn phí từ các trung tâm trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, bị hại hoặc người có quyền và lợi ích liên quan là người chưa thành niên lại không có quyền lợi này.

Tương tự, khi lấy lời khai, bị hại hay các cá nhân khác là người chưa thành niên liên quan đến vụ án đều dễ bị tổn thương về tinh thần, tâm lý khi hoạt động lấy lời khai kéo dài. Đặc biệt, trong các vụ án xâm hại tình dục, xâm hại sức khỏe, tính mạng thì việc để bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên phải xem lại các hình ảnh, chứng cứ vụ án sẽ khiến các em hoảng sợ, tổn thương nghiêm trọng về tâm lý. 

 

Phân biệt “người chưa thành niên” và “người dưới 18 tuổi”

Thuật ngữ “tư pháp người chưa thành niên” (Juvenile Criminal Justice) hay thuật ngữ “người chưa thành niên” (Juvenile) là các thuật ngữ khoa học pháp lý quốc tế.

Theo Công ước về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc, trẻ em được xác định là người dưới 18 tuổi. Trong công ước quốc tế và pháp luật các quốc gia khác, cụm từ “người chưa thành niên”, “trẻ em” nhằm chỉ tình trạng của một nhóm người chưa phát triển toàn diện về thể chất, trí lực và vì điều này họ cần được pháp luật bảo vệ tốt nhất, trong cả trường hợp họ vi phạm.

Ở Việt Nam, BLDS định nghĩa người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Còn BLHS phân định thành người dưới 18 tuổi; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là nhằm xác định rõ ràng các nhóm tuổi tương ứng với trách nhiệm hình sự mà người trong nhóm tuổi này phải chịu nếu phạm tội.

TS LÊ NGUYÊN THANH, Trưởng bộ môn Tội phạm học, Khoa luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm