Cấm học vì photo sách: Pháp lý và nội quy vênh nhau

Sinh viên giải thích sách này mình đã dùng, nay không dùng nữa nên mang đi tặng người khác cùng quê, không có mục đích kinh doanh. Nhà trường cho rằng sinh viên vi phạm nội quy.

Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu tóm lược các quy định hiện hành và nội quy của Trường ĐH Luật TP.HCM liên quan đến sao chép sách, giáo trình, để bạn đọc tiện đối chiếu, đánh giá.

Phạt 3 triệu đồng...

Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) quy định: "Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố KHÔNG phải xin phép, KHÔNG phải trả tiền nhuận bút, thù lao: Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;...

Tuy nhiên, việc sử dụng trên KHÔNG ĐƯỢC làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả..."

Việc sinh viên phôtô giáo trình không nằm trong điều cho phép sử dụng kể trên, vì việc phôtô giáo trình sẽ “ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm”, hiểu nôm na là ảnh hưởng đến việc phát hành, bán giáo trình của trường học.

Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định các hành vi xâm phạm quyền tác giả, bao gồm “sao chép tác phẩm mà không được phép”, “phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép”...

Xâm phạm quyền tác giả sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 35 triệu đồng đối với hành vi sao chép. Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, tàng trữ... theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP.

Thật khó để so sánh mức phạt tiền nói trên với mức kỷ luật cấm học một năm với sinh viên phôtô tám cuốn giáo trình. Tuy nhiên, có thể thấy quy định của pháp luật rõ ràng và chi tiết hơn nội quy chung chung của ĐH Luật TP.HCM.

Có "nghiêm trọng"?

Theo quy chế công tác sinh viên ban hành kèm Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, nhiệm vụ của sinh viên là "phải chấp hành pháp luật của Nhà nước, Điều lệ trường ĐH và các quy chế, nội quy của cơ sở giáo dục ĐH”.

Năm 2012, Trường ĐH Luật TP.HCM đã ban hành nội quy của trường. Điều 8 nội quy này quy định 10 hành vi không được thực hiện, trong đó có “sao in và phát hành các loại giáo trình, tài liệu học tập trái với các quy định của nhà trường và của pháp luật”; “uống rượu, bia, hút thuốc lá trong khuôn viên trường”. Tuy nhiên, nội quy của trường lại không quy định rõ quy trình xét và mức kỷ luật đối với những hành vi vi phạm.

Quy chế của Bộ lại có quy định cụ thể và rõ ràng hơn.

Theo quy chế của Bộ, Điều 9 nêu: Đình chỉ học tập có thời hạn áp dụng với ba trường hợp:  Đang bị cảnh cáo mà vẫn vi phạm; vi phạm nghiêm trọng các hành vi sinh viên không được làm; vi phạm pháp luật bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

Trường hợp cô sinh viên NTNA là vi phạm lần đầu. Trước đó, sinh viên này chưa từng bị nhắc nhở, chưa từng bị kỷ luật khiển trách, cũng chưa từng bị cảnh cáo (mức độ kỷ luật 1), tuy nhiên cô đã bị nhận ngay mức kỷ luật đình chỉ học.

Liệu việc phôtô tám cuốn giáo trình khác nhau để học và mang tặng người khác có bị xem là trường hợp thứ 2, “vi phạm nghiêm trọng các hành vi sinh viên không được làm” theo nội quy của Trường ĐH Luật TP.HCM? Dựa trên tiêu chí nào mà trường đánh giá việc phôtô tám cuốn giáo trình bản quyền của trường là vi phạm “nghiêm trọng”?

Cấm học vì photo sách: Pháp lý và nội quy vênh nhau ảnh 1
Liệu việc phôtô tám cuốn giáo trình khác nhau để học có phải “vi phạm nghiêm trọng các hành vi sinh viên không được làm? Ảnh: Quỳnh Như

Mặt khác, trước đó, một sinh viên đã từng bị đình chỉ học một năm vì đưa gần 300 cuốn giáo trình phôtô vào trường để bán. Nếu so sánh với trường hợp phôtô tám cuốn giáo trình để học và mang đi tặng thì có khoảng cách rất lớn.

Nội quy trường chưa rõ ràng

Vấn đề đáng bàn, ĐH Luật TP.HCM cho rằng đã tuyên truyền nhiều lần, thường xuyên về việc cấm phôtô giáo trình. Tuy nhiên, trong tuyên truyền này có nói rõ nếu sinh viên phôtô giáo trình bao nhiêu cuốn, vi phạm bao nhiêu lần thì mức kỷ luật cụ thể sẽ ra sao hay không? Trong trường hợp này, việc đánh giá, áp dụng hình thức kỷ luật cấm học một năm với sinh viên phôtô tám cuốn giáo trình là không có căn cứ rõ ràng, cụ thể.

Hơn nữa, nội quy của ĐH Luật TP.HCM đã “lạc hậu” vì ban hành năm 2012, trong khi quy chế của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2016. Quy chế của Bộ lại không đề cập đến vi phạm phôtô giáo trình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm