Cầm dao chém bạn trai vì bị hành hung, xử tội gì?

Tối 17-10, tại Ký túc xá Trường ĐH Giao thông vận tải (Đống Đa, Hà Nội), một nữ sinh trong trường đã xảy ra xô xát với một nam sinh thuộc trường ĐH khác.

Thông tin ban đầu, do mâu thuẫn tình cảm, nam sinh dùng mũ cối đập nhiều lần vào đối phương; quá bức xúc, cô gái chạy vào phòng, lấy dao chém vào đầu và tay nam sinh. Vụ xô xát khiến nam thanh niên phải đến bệnh viện khâu vết thương.

Ngay sau khi diễn ra, vụ việc trên đã gây xôn xao dư luận. Đa số ý kiến đều bày tỏ sự không đồng tình trước cách ứng xử của cả hai phía. Nhiều độc giả cũng đặt câu hỏi về việc hành vi của cô gái trong vụ này sẽ bị xử lý như thế nào, liệu có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không,...

Trao đổi về vấn đề trên, luật sư (LS) Nguyễn Anh Thơm (Đoàn LS Hà Nội) cho rằng hành vi của nữ sinh viên có thể bị xử lý theo nhiều trường hợp khác nhau, tùy thuộc vào kết luận điều tra của cơ quan chức năng.

Cụ thể, trường hợp thứ nhất, nếu có căn cứ xác định nam thanh niên cầm mũ truy đuổi, đánh cô gái này đến mức đường cùng, phải chạy vào phòng vì không có lối thoát thì hành vi bột phát lấy dao chống trả lại đối phương để bảo vệ tính mạng bản thân được coi là phòng vệ chính đáng.

Điều 15 BLHS quy định phòng vệ chính đáng “là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”.

Hiện trường vụ việc cô gái chém bạn trai vì bị hành hung

Hiện trường vụ việc cô gái chém bạn trai vì bị hành hung.

Trường hợp thứ hai, nếu xác định cô gái này do yếu thế, không đánh trả được nên đã chạy vào phòng, cầm dao quay lại chém đối phương thì có dấu hiệu của tội giết người hoặc cố ý gây thương tích, tùy thuộc vào tỉ lệ gây thương tích.

"Pháp luật buộc công dân phải nhận thức dùng hung khí nguy hiểm tác động vào vùng trọng yếu trên cơ thể người khác sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng" - LS Thơm nói.

Cũng theo LS Thơm, trong vụ việc này, để xử lý nữ sinh thì cần phải xác định mức độ thương tích vùng đầu nạn nhân có lớn hay không và thực tế có nguy hiểm đến tính mạng không.

Theo thông tin ban đầu, thương tích vùng đầu của nam sinh bị khâu một số mũi nên nhiều khả năng mức độ thương tích chưa gây nguy hiểm đến tính mạng, do đó hành vi trên có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.

"Để có căn cứ xử lý hình sự nữ sinh, nam sinh phải có đơn yêu cầu khởi tố và đề nghị cho đi trưng cầu giám định tỉ lệ thương tật. Nếu nam sinh không yêu cầu khởi tố thì không có căn cứ xử lý hình sự nữ sinh, bởi tội cố ý gây thương tích chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại” - LS Thơm nhận định.

Trường hợp thứ ba, nếu nam thanh niên không có đơn yêu cầu khởi tố hoặc không đủ điều kiện để khởi tố hình sự, cô gái này có thể bị xử phạt hành chính.

Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình, hành vi "đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau" sẽ bị phạt tiền 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Ở chiều hướng ngược lại, nếu cô gái bị nam thanh niên đánh gây thương tích mà có yêu cầu khởi tố và cho đi trưng cầu giám định tỉ lệ thương tật thì nam thanh niên sẽ phải chịu trách nhiệm về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác. Nếu thương tích của cô gái dưới 11% thì vẫn có thể xử lý trách nhiệm hình sự nam thanh niên với tình tiết “có tính chất côn đồ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm