Cầm cố sổ tiết kiệm Quỹ Vì người nghèo, tội gì?

Mới đây, TAND TP.HCM đã mở phiên xử sơ thẩm vụ Phạm Văn Thành (42 tuổi, nguyên chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Tân Phong, quận 7) bị truy tố về tội tham ô tài sản. Sau phần xét hỏi, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm xác định rõ thêm về khoản bồi thường thiệt hại mà Thành khai đã nộp cho CQĐT cùng một số vấn đề khác.

Đáng chú ý, HĐXX nhận định bị cáo có dấu hiệu phạm một tội danh khác chứ không phải tội tham ô tài sản như cáo trạng truy tố.

Mang sổ tiết kiệm của quỹ đi cầm cố

Theo hồ sơ, quá trình công tác, Thành được giao làm trưởng Ban vận động và quản lý Quỹ Vì người nghèo phường Tân Phong. Ngày 15-5-2015, Thành đại diện Quỹ Vì người nghèo của phường mở sổ tiết kiệm 120 triệu đồng rồi giao cho thủ quỹ cất giữ.

Ngày 30-10-2015, Thành chỉ đạo thủ quỹ giao sổ tiết kiệm để thực hiện một số nhiệm vụ chính trị của phường. Nhận được sổ, Thành mang đi photocopy màu để làm giả một sổ tiết kiệm nhằm đối phó khi cơ quan hỏi đến. Trong ngày, Thành mang sổ tiết kiệm thật đến Ban quản lý Quỹ tín dụng nhân dân Tân Quy Đông cầm cố để vay 100 triệu đồng trong thời hạn 15 ngày. Sau đó, Thành lấy số tiền này chi xài cá nhân, trả nợ.

Thấy Thành không trả lại sổ tiết kiệm, thủ quỹ nhiều lần đòi thì được Thành giao cho cuốn sổ tiết kiệm giả. Đến ngày 23-2-2016, do Thành không trả nợ đúng hạn, Quỹ tín dụng nhân dân Tân Quy Đông mời Thành đến tất toán hợp đồng tín dụng bằng cách cấn trừ tiền trong sổ tiết kiệm. Ngay sau đó, Thành nghỉ việc, bỏ đi khỏi địa phương.

Thành bị khởi tố, truy tố về tội tham ô tài sản theo điểm d khoản 2 Điều 353 BLHS 2015 (có mức án cao nhất đến 15 năm tù). Trong giai đoạn điều tra, truy tố và tại phiên tòa mới đây, Thành đều thừa nhận hành vi phạm tội như trên.

Bị cáo Thành (được tại ngoại) tại phiên xử mới đây. Ảnh: H.YẾN

Tội gì?

Tình tiết của vụ án tuy đơn giản nhưng vấn đề gây chú ý là liệu tội danh tham ô tài sản mà VKSND TP.HCM truy tố đối với Thành đã chính xác chưa. Bởi phía tòa án có quan điểm cho rằng hành vi của Thành có dấu hiệu phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều 355 BLHS 2015.

Nhận xét về mặt pháp lý, hai luật sư Lê Thành Kính và Bùi Quang Nghiêm (Đoàn Luật sư TP.HCM) đồng tình với quan điểm hành vi của Thành có dấu hiệu phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Hai luật sư phân tích: Theo BLHS hiện hành, tội tham ô tài sản được hiểu là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý với giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã gây hậu quả nghiêm trọng. Còn tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác. Như vậy, với tội tham ô tài sản thì tài sản bị chiếm đoạt đang do người phạm tội quản lý một cách hợp pháp. Còn với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thì tài sản bị chiếm đoạt là của người khác, không phải do chính người phạm tội đang quản lý.

Đối chiếu với vụ án trên, bị cáo không trực tiếp chiếm đoạt tài sản do chính mình quản lý. Bị cáo đem cầm cố sổ tiết kiệm của Quỹ Vì người nghèo để có thể vay tiền quỹ tín dụng. Ở đây hành vi của bị cáo chính xác là lạm dụng chức vụ, quyền hạn như một phương tiện để làm một việc vượt ra ngoài trách nhiệm được giao nhằm chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, hành vi của bị cáo có dấu hiệu phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo khoản 2 Điều 355 BLHS 2015 (mức án cao nhất đến 13 năm tù).

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án này có diễn tiến mới.

Sổ tiết kiệm chỉ là chứng thư pháp lý

Một thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM cũng đồng tình với quan điểm của các luật sư Lê Thành Kính và Bùi Quang Nghiêm. Vị thẩm phán này còn nhấn mạnh sổ tiết kiệm trong vụ án trên không phải là một tài sản để có thể xác định bị cáo Thành phạm tội tham ô tài sản. Sổ tiết kiệm cũng như giấy đỏ không phải là vật, cũng không phải là tiền hay giấy tờ có giá. Đó chỉ là một chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản. Ví dụ, người dân đem giấy đỏ vào ngân hàng chưa chắc đã được thế chấp bởi theo đúng quy định, ngân hàng phải đi kiểm tra thẩm định nhà đất cụ thể, nếu đủ điều kiện mới quyết định việc cho vay tiền...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm