Cải cách tư pháp: Thành tựu và những việc cần làm tiếp

LTS: Từ năm 2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đến nay, chiến lược ấy đã được thực hiện đến đâu? Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XIII (phần về tư pháp) kế thừa tinh thần của nghị quyết này ra sao? BáoPháp Luật TP.HCMđã phỏng vấn PGS-TS Trần Văn Độ, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, Phó Chánh án TAND Tối cao, xung quanh vấn đề này.

"Theo tôi, Trung ương khóa XIII nên có một nghị quyết riêng về cải cách tư pháp (CCTP), trong đó tiếp tục thực hiện những tư tưởng tiến bộ, đúng đắn của Nghị quyết 49-NQ/TW” - PGS-TS Trần Văn Độ, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, Phó Chánh án TAND Tối cao, nói.

Tư tưởng CCTP từ Nghị quyết 49

. Phóng viên: Thưa ông, dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XIII có dành một phần cho lĩnh vực tư pháp, mà so sánh với nội dung này ở Đại hội XII thì lần này rất ngắn. Cảm nhận của ông về nội dung này như thế nào?

 + PGS-TS Trần Văn Độ: Có lẽ ở Đại hội XII, chiến lược CCTP đến năm 2020 theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị vẫn đang tiếp tục triển khai. Vì vậy, văn kiện chọn một số quan điểm, yêu cầu lớn của CCTP để đưa vào như là định hướng cho công tác tư pháp trong nhiệm kỳ 2016-2020.

Còn đến giờ, tổng kết việc thực hiện chiến lược rồi, dự thảo báo cáo chính trị không nhắc lại các quan điểm của Nghị quyết 49 nữa. Thay vào đó là lời văn sẽ “xây dựng và thực hiện chiến lược CCTP giai đoạn mới”.

Cách diễn đạt như vậy tôi thấy chưa đủ với Báo cáo chính trị - trung tâm của các văn kiện mà Trung ương khóa XII trình Đại hội XIII.

Theo tôi, cần nói rõ có tiếp tục chiến lược CCTP theo Nghị quyết 49-NQ/TW hay không. Tổng kết vừa rồi chỉ ra những mặt hạn chế nào của công tác CCTP, những gì chưa đạt được phải phấn đấu tiếp… thì nên chọn câu chữ mấu chốt nhất mà đưa vào.

PGS-TS Trần Văn Độ, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, Phó Chánh án TAND Tối cao. Ảnh: NVCC

. Từng tham gia chấp bút Nghị quyết 49 hơn 15 năm trước, giờ cá nhân ông thấy công tác CCTP làm được gì và chưa làm được gì?

+ Tôi có tham gia mấy hội thảo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 49 thì thấy các ý kiến trao đổi, thảo luận đánh giá khá tích cực công tác hoàn thiện thể chế.

Rõ nhất là tư tưởng CCTP được thể hiện khá toàn diện trong Hiến pháp năm 2013, khẳng định tòa án là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, nhiệm vụ đầu tiên là bảo vệ công lý, đề cao quyền con người và yêu cầu bảo vệ quyền con người, bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của tổ chức, hoạt động tư pháp, trong đó quan trọng nhất là nguyên tắc độc lập.

Sau hiến pháp, các BLHS, BLTTHS, BLDS, BLTTDS, Luật tố tụng hành chính cũng được sửa đổi toàn diện, chứa đựng chính sách tiến bộ về hình sự, dân sự. Tòa án cũng được tăng thẩm quyền xét xử nhiều hơn các loại việc hành chính…

Tuy nhiên, về mặt thiết chế để tổ chức thực hiện thì tôi còn nhiều băn khoăn. Tăng thẩm quyền, tăng đầu việc, loại việc xét xử nhưng thiết chế tổ chức không theo kịp thì tòa án khó hoàn thành tốt các chức năng thuộc quyền tư pháp đó.

Những giải pháp trong Nghị quyết 49 chưa thực hiện

. Không theo kịp theo nghĩa như thế nào, thưa ông?

+ Ví dụ, nguyên tắc hiến định là thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nhưng cho đến giờ, ta vẫn coi thẩm phán là công chức, quản lý như với công chức. Mà chế độ công chức là hành chính mệnh lệnh, là quan hệ cấp trên với cấp dưới, là chế độ thủ trưởng. Tòa án vẫn tổ chức theo đơn vị hành chính lãnh thổ, không theo cấp xét xử.

Về nhân lực, toàn ngành hiện có khoảng 15.000 biên chế, trong đó hơn 6.000 thẩm phán. Con số này được xây dựng trên cơ sở khối lượng công việc của năm 2009 - với 300.000 vụ án các loại thụ lý xét xử mỗi năm, còn giờ là 600.000 vụ, gấp đôi. Bảng lương của thẩm phán vẫn không được xây dựng riêng với chế độ đãi ngộ tương xứng với trọng trách của người nhân danh nhà nước cầm cân nảy mực…

Những giải pháp được Nghị quyết 49 chỉ ra như thành lập tòa án theo cấp xét xử, chuyển VKS sang mô hình cơ quan công tố, đổi mới cơ quan điều tra, đưa thi hành án về một đầu mối thống nhất… thì lại chưa được thực hiện.

Ngay cả những vấn đề đã đồng thuận ở tầm cao thì quá trình triển khai cũng chưa “thấm” xuống dưới. Chẳng hạn, tôn trọng vị thế độc lập của tư pháp, trong sinh hoạt nghị trường, gần như không còn chất vấn vụ án cụ thể nữa. Nếu có thì chủ yếu trong khuôn khổ hoạt động của Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Với tinh thần ấy, hiến pháp, Luật Tổ chức TAND mới quy định chánh án TAND địa phương chỉ thực hiện báo cáo công tác chứ không “chịu trách nhiệm”, tức không chịu chất vấn trách nhiệm trước HĐND. Nhưng thực tế HĐND nhiều tỉnh vẫn chất vấn trách nhiệm như trước và có khi chất vấn cả vụ án cụ thể.

Đây đều là những vấn đề lớn, quyết sách lớn đã được chỉ ra từ 15 năm trước. Không tái khẳng định trong văn kiện thì phải chăng sẽ không làm nữa?!

Chỗ ngồi của luật sư ngang hàng với kiểm sát viên tại tòa góp phần nâng cao vị thế của luật sư, tạo sự bình đẳng trong tranh tụng. Trong ảnh: Quang cảnh một phiên tòa tại TAND cấp cao TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Quản lý hành chính hệ thống tòa án và độc lập xét xử

. Cũng trong tinh thần CCTP, Đại hội XII yêu cầu phân định rành mạch thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp… Đến nay, sau một nhiệm kỳ, ông đánh giá kết quả như thế nào?

+ Hệ thống tòa án mà quản lý hành chính theo kiểu cấp trên với cấp dưới như hiện nay là không ổn. Tòa án cấp dưới khó có thể hoạt động độc lập theo thẩm quyền xét xử.

Vấn đề này, Luật Tổ chức TAND mới đưa ra mô hình hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia do chánh án TAND Tối cao làm chủ tịch và một phó chánh án TAND Tối cao là phó chủ tịch thường trực. Nhưng nhiều thành viên khác lại là đại diện từ MTTQ, các bộ Nội vụ, Tư pháp, Quốc phòng... Thành phần ấy có tính hành chính hơn là chuyên môn. Đấy là hạn chế rất lớn.

Tôi cho rằng thành phần hội đồng nên bao gồm giới chuyên môn như thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư hơn là đại diện các cơ quan hành chính và thành viên là thẩm phán cần chiếm đa số. Ngoài ra, cũng nên tiến tới để thẩm phán có hiệp hội nghề nghiệp của chính mình để giám sát, quản lý, bảo vệ lợi ích và duy trì chuẩn mực nghề nghiệp.

. Đại hội Đảng là một dịp để tổng kết, đánh giá và đề ra phương hướng cho những năm tiếp theo. Vậy liên quan đến phần về tư pháp trong dự thảo báo cáo chính trị, ông có đề xuất, kiến nghị gì?

+ Rất tiếc là trong dự thảo báo cáo chính trị về phương hướng tư pháp không hề nhắc đến nguyên tắc xét xử độc lập; chưa khẳng định rõ ràng tòa án là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp…

Với cụm từ “tăng cường kiểm soát quyền lực” thì tôi cho là đúng. Nhưng nếu coi đấy là trọng tâm thì quay lại phải phân định rạch ròi hơn chức năng của các cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp.

Chẳng hạn, có nên tiếp tục để xử phạt vi phạm hành chính cho chính cơ quan quản lý nhà nước “vừa đá bóng vừa thổi còi”, tạo nguy cơ tiềm ẩn tham nhũng? Theo tôi là không.

Chế tài, xử phạt về nguyên tắc nên thực hiện thông qua trình tự, thủ tục tố tụng. Như vậy mới thực sự đề cao quyền con người như tinh thần của Hiến pháp 2013.

Theo tôi, Trung ương khóa XIII nên có một nghị quyết riêng về CCTP, trong đó tiếp tục thực hiện những tư tưởng tiến bộ, đúng đắn của Nghị quyết 49. Phát triển tư duy, bổ sung quan điểm mới và đặc biệt cần nêu rõ giải pháp quyết liệt để triển khai các quan điểm cải cách ấy trong thực tiễn.

. Xin cám ơn ông.

Quy trình xử lý về đảng và xử lý hình sự

Cải cách tư pháp: Thành tựu và những việc cần làm tiếp ảnh 3
PGS-TS Trần Văn Độ, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, Phó Chánh án TAND Tối cao, trong một hội nghị. Ảnh: CẢNH DINH

. Phóng viên: Nhiệm kỳ vừa qua, nhiều đảng viên cao cấp bị kỷ luật và không ít bị xử lý hình sự. Từ góc độ tư pháp, ông thấy có những gì cần rút kinh nghiệm cho khóa tới, thưa ông?

+ PGS-TS Trần Văn Độ: Ở ta có hai quy trình: Kiểm tra, xử lý kỷ luật về đảng; và điều tra, truy tố, xét xử nếu có dấu hiệu tội phạm. Về nguyên tắc thì hai quy trình ấy độc lập với nhau nhưng thực tế với phương thức lãnh đạo của Đảng hiện nay thì khi cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý có dấu hiệu vi phạm thì thường kiểm tra đảng làm trước, rồi mới chuyển cơ quan pháp luật làm tiếp.

Cách làm ấy có mặt chưa phù hợp. Bởi nghiệp vụ kiểm tra khó thể phát hiện, kết luận thấu đáo các hành vi vi phạm pháp luật cũng như chứng minh về hậu quả như hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng. Quy trình kiểm tra đảng lại khó có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn mang tính nhà nước để chống phi tang, xóa dấu vết, tẩu tán tài sản. Vậy nên khi tư pháp vào sau thì khó xử lý kịp thời, triệt để về mặt pháp lý, cả về hành vi và hậu quả.

Tôi nhớ trước đây, Tòa án Quân sự Trung ương đã xử lý những vụ án theo quy trình ngược lại. Chẳng hạn như vụ thiếu tướng Nguyễn Trường Xuân - chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự Hải Phòng tham ô, cố ý làm trái… những năm đầu đổi mới. Cơ quan điều tra vào trước, xác minh thấy có dấu hiệu tội phạm thì đề nghị cấp có thẩm quyền tạm đình chỉ sinh hoạt đảng, chức vụ để hầu tra. Tòa xét xử, tuyên án theo thủ tục tố tụng tư pháp chặt chẽ, công bằng, nghiêm minh. Trên cơ sở đó, cơ quan kiểm tra của Đảng xử lý kỷ luật đảng theo Điều lệ. Như thế hợp lý hơn, khoa học hơn, phù hợp với nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo hơn. 

Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính…

Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Xây dựng và thực hiện chiến lược CCTP giai đoạn mới theo hướng tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND, VKSND, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức khác tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các loại tranh chấp, khiếu kiện theo luật định; phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật.

(Trích dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, theo nhandan.com.vn) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm