Các luật sư vụ NaviBank yêu cầu tòa hoãn xử

Ngày 28-2, TAND TP.HCM mở phiên xử vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (Navibank).

Dự kiến phiên xử diễn ra đến ngày 16-3.

Các luật sư tại tòa

10 bị cáo nguyên là cán bộ Navibank gồm: Nguyên tổng giám đốc Lê Quang Trí; các nguyên phó tổng giám đốc Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hùng Sơn và sáu người nguyên là trưởng các phòng, ban. Các bị cáo bị truy tố theo khoản 3 Điều 165, BLHS có mức hình phạt từ 10 đến 20 năm tù.

Tất cả các bị cáo trong vụ án đều tự mời luật sư. Cá biệt bị cáo Phạm Thị Thu Hiền (nguyên Trưởng phòng Pháp chế, thành viên Hội đồng tín dụng Navibank) có 13 luật sư bào chữa. Ngược lại cũng có nhiều trường hợp một luật sư bào chữa cho nhiều bị cáo.

Vụ án này là một phần của “đại án siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên phó phòng Quản lý rủi ro, Ngân hàng VietinBank Chi nhánh TP.HCM.

'Siêu lừa' Huyền Như cũng tham gia phiên tòa này

Hai bị án Huyền Như và Võ Anh Tuấn cũng bị trích xuất tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và nhân chứng. Ngoài ra, 11 cá nhân liên quan khác cũng bị triệu tập. Trong đó đáng chú ý là ông Nguyễn Văn Sẽ (nguyên giám đốc VietinBank Chi nhánh TP.HCM), bà Nguyễn Thị Minh Hương, ông Trương Minh Hoàng (cùng nguyên phó giám đốc).

Tại phiên toà xử Huyền Như trước Tết, ông Sẽ, bà Hương cũng bị triệu tập nhưng đều vắng mặt vì ông Sẽ đã qua Mỹ chữa bệnh, còn bà Hương đang cấp cứu tại bệnh viện.

Trong phiên xử này họ tiếp tục vắng. Vì vậy phần thủ tục nhiều luật sư không đồng tình vì không có họ sẽ không làm rõ được các vấn đề. Thậm chí có luật sư cho rằng cần hoãn phiên toà trả hồ sơ làm rõ các mâu thuẫn của hồ sơ vì chưa có lời khai họ.

Cạnh đó, có nhiều luật sư cho rằng cần triệu tập điều tra viên, kiểm sát viên trực tiếp giám sát quá trình điều tra đến phiên xử vì cáo trạng và kết luận điều tra có mâu thuẫn.

Thêm vào đó, nhiều luật sư chưa đồng tình tư cách tham gia tố tụng của một số người và đơn vị...

Sau khi hội ý, HĐXX đã công bố lời khai của đại diện Ngân hàng Quốc Dân trong giai đoạn điều tra và xác định đơn vị này có thêm tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Các bị cáo trong vụ án

Tuy nhiên, chủ tọa phiên xử thẩm phán Vũ Thanh Lâm thông báo HĐXX không đồng ý với việc yêu cầu hoãn xử của các luật sư. Theo toà, các yêu cầu của các luật sư đưa ra cần được xem xét quyết định thông qua tranh tụng tại phiên xử để làm rõ từ đó đưa ra quyết định phù hợp.

Toà tạm nghỉ, chiều tiếp tục lúc 13 giờ 30.

Nội dung vụ án

Theo cáo trạng, do thua lỗ từ kinh doanh bất động sản dẫn đến nợ nần, từ tháng 3 đến tháng 9-2011, Huyền Như lấy danh nghĩa huy động tiền gửi cho VietinBank Chi nhánh Nhà Bè - TP.HCM để thỏa thuận với người môi giới, người đại diện của các đơn vị, cá nhân về việc nhận tiền gửi với lãi suất ưu đãi, hứa hẹn trả cho người môi giới, đại diện các công ty tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, phí môi giới. Khi các đơn vị, cá nhân chuyển tiền vào tài khoản thanh toán mở tại VietinBank, Như lập các chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản để chuyển tiền của khách hàng đi trả nợ vay cá nhân. Huyền Như đã chiếm đoạt 3.986 tỉ đồng, trong đó của Navibank 200 tỉ đồng.

Cụ thể, Như thông qua Anh Tuấn để thỏa thuận với đại diện của Navibank là Đoàn Đăng Luật về việc Navibank gửi tiền vào VietinBank Nhà Bè với lãi suất 16,5%-22,5%/năm nhưng ghi trên hợp đồng tiền gửi là 14%/năm, phần lãi chênh lệch được trả cho Navibank ngay sau khi ngân hàng này chuyển tiền vào gửi tại VietinBank mà không đợi đến hạn tất toán hợp đồng tiền gửi.

Sau đó, Luật báo cáo kết quả thỏa thuận và lãnh đạo Navibank thống nhất chọn một số nhân viên đứng tên gửi tiền vào VietinBank để lấy lãi suất cao dưới hình thức: Nhân viên Navibank đứng tên vay tiền của Navibank, HĐTD Hội sở Navibank phê duyệt cấp tín dụng, thực hiện giải ngân để các nhân viên Navibank đem số tiền vay được gửi vào VietinBank Nhà Bè.

14 nhân viên của Navibank đã đứng tên ký 47 hợp đồng tiền gửi vào VietinBank Nhà Bè tổng số hơn 1.543 tỉ đồng; tiền lãi gần 76 tỉ đồng, trong đó phần lãi 14%/năm theo hợp đồng hơn 51,3 tỉ đồng, phần lãi ngoài gần 15 tỉ đồng được Như chuyển trả Navibank ngay khi tiền của Navibank chuyển vào tài khoản cá nhân của 14 nhân viên mở tại VietinBank Nhà Bè. Sau đó, Như lập các chứng từ, giả chữ ký của chủ tài khoản rút tiền Navibank gửi ra sử dụng cá nhân. Với những hợp đồng đến hạn thanh toán, Như dùng chính nguồn tiền gửi của nhân viên Navibank chưa đến hạn tất toán và tiền khác chiếm đoạt được chuyển lại các tài khoản tất toán nhằm tránh bị phát hiện…

Tính đến ngày 7-9-2011, Navibank còn bị Như chiếm đoạt 200 tỉ đồng. Khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án Huyền Như và đồng phạm, để che giấu số tiền bị Như chiếm đoạt, Lê Quang Trí cùng đồng phạm thống nhất phương án ký khống hợp đồng mua bán ngoại tệ, hợp đồng nhận chuyển nhượng 6 hợp đồng tiền gửi của 4 nhân viên Navibank tại VietinBank Chi nhánh TP.HCM; ký biên bản giao nhận tiền giữa Công ty Bắc Hà và 4 nhân viên Navibank với nội dung tạm ứng cho Công ty Bắc Hà 200 tỉ đồng để mua ngoại tệ; nhờ Công ty Bắc Hà ký giấy giao tiền cho 4 nhân viên Navibank, nhờ 4 nhân viên này ký giấy nộp tiền vào Navibank nhằm hợp thức hóa chứng từ, hạch toán khống, tất toán khống khoản vay 200 tỉ đồng của 4 nhân viên tại Navibank...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm