Các cựu lãnh đạo sở nhận tiền rồi cho nhập khẩu phế liệu

Ngày 9-6, TAND TP.HCM mở lại phiên sơ thẩm vụ các cựu lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Bến Tre nhận tiền cho doanh nghiệp buôn lậu phế liệu.

Dự kiến phiên xử kéo dài ngày. Phiên xử có thẩm phán Huỳnh Văn Trực, Phó Chánh toà Hình sự làm chủ toạ. Đại diện VKSND tại phiên toà là bà Nguyễn Thị Hồng Vân và Trần Thị Liên.

Cuối tháng 5, ngay phần thủ tục, do một bị cáo vắng luật sư nên HĐXX quyết định hoãn xử. Bào chữa cho các bị cáo có bảy luật sư.

Cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố bảy bị cáo: Đoàn Văn Phúc (cựu phó giám đốc sở), Trương Văn Em (cựu chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) tỉnh), Trần Thị Thùy Trang (cựu trưởng phòng kiểm soát ô nhiễm), Trần Thanh Phong (chuyên viên phòng kiểm soát ô nhiễm - Chi cục BVMT tỉnh) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Các bị cáo bị truy tố về tội buôn lậu. Ảnh: H.Y

Các bị cáo Dương Tuấn Anh, Hà Chí Đào và Trần Thị Hợp (cựu nhân viên Công ty TNHH sản xuất kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt bị truy tố về tội buôn lậu.

Trước khi vụ án được phát hiện khởi tố, ông Lê Hữu Thiêm (Giám đốc Công ty Hồng Việt) đã chết do tai nạn giao thông nên không truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Theo cáo trạng, công ty Hồng Việt nghề kinh doanh là nhập khẩu, tái chế phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và một số ngành nghề đăng ký khác thành lập vào tháng 11-2014. 

Khi đi vào hoạt động, ông Thiêm giao cho Tuấn Anh quản lý điều hành mọi hoạt động công ty. Mặc dù chưa có dây chuyền tái chế phế liệu nhưng Phong vẫn tiếp nhận hồ sơ đủ điều kiện để Em duyệt, trình Phúc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu cho công ty Hồng Việt trái qui định.

Các bị cáo - cựu lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Bến Tre. Ảnh: H.Y

Ngoài ra, đại diện Sở TN&MT tỉnh Bến Tre và Chi cục BVMT tỉnh đã xuống kiểm tra cơ sở sản xuất của Công ty Hồng Việt. Dù biết rõ công ty không đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu để sản xuất nhưng các bị cáo không thu hồi giấy phép, mà còn soạn thảo 76 thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan cho công ty. 

Cơ quan điều tra xác định ông Thiêm "bôi trơn" cho bị cáo Phúc 505 triệu đồng, Em sáu triệu đồng, Trang năm triệu đồng và Phong ba triệu đồng.

Sau khi có giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, Tuấn Anh thay mặt ông Thiêm chỉ đạo nhân viên và các đối tượng liên quan làm giả tài liệu bộ hồ sơ hải quan để thông quan lô hàng phế liệu.

Tài liệu làm giả gồm 485 thông báo của Sở TN&MT, các hợp đồng ngoại, hóa đơn thương mại, hóa đơn vận tải, giấy xác nhận ký quỹ để đưa vào 2.268 bộ hồ sơ hoàn tất thủ tục nhập khẩu gần 46 tấn nhựa phế liệu và 11 tấn sắt phế liệu.

Ngoài ra, bị cáo còn sử dụng hơn 134 tỉ đồng để mua ngoại tệ của ngân hàng thanh toán cho 79 công ty mở tại 22 quốc gia, hưởng số tiền chênh lệch gần gần 59 tỉ đồng. Riêng Tuấn Anh hưởng lợi 600 triệu đồng.

Liên quan trọng vụ án, vợ bị cáo Tuấn Anh có hành vi sử dụng tài khoản để nhận tiền từ các đối tượng mua phế liệu nhập khẩu của công ty Hồng Việt chuyển vào sau đó rút ra và chuyển theo yêu cầu của Giám đốc công ty này.

Tuy nhiên tại cơ quan điều tra, người này khai không biết hoạt động của công ty Hồng Việt và ông Thiêm, giám đốc đã mất nên không đủ cơ sở xử lý về hành vi rửa tiền. 

Đối với khách hàng mua phế liệu chỉ biết công ty có giấy chứng nhận, thông quan được các lô phế liệu nhập khẩu không biết sử dụng các tài liệu giả để làm thủ tục thông quan nên không bị xử lý hình sự.

Hiện đại diện VKSND đang công bố cáo trạng. PLO sẽ cập nhật diễn biến vụ án trong các bản tin sau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm