Cà Mau: Đỏ mắt tìm tài sản thi hành án

Một công ty chuyên về chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản ở tỉnh Cà Mau có nghĩa vụ thi hành án (THA) khoản nợ tiền mua tôm và tiền mua phụ gia chế biến tôm của người dân.

Tuy nhiên, hơn một năm qua, cơ quan THA dân sự tìm chưa được một tài sản nào là của công ty, cả tài khoản ngân hàng cũng không có dù công ty vẫn còn hoạt động.

Hơn một năm chưa tìm ra tài sản để thi hành án

Theo bản án có hiệu lực pháp luật, Công ty cổ phần Chế biến, Xuất nhập khẩu thủy sản MEKONG Việt Nam (gọi tắt là Công ty MEKONG) phải trả nợ cho ông Nguyễn Văn Như (TP.HCM) và ông Huỳnh Văn Thông (Cà Mau) tổng cộng hơn 260 triệu đồng.

Công ty cổ phần Chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản MEKONG Việt Nam. Ảnh: TRẦN VŨ

Tháng 3-2020, Chi cục THA dân sự huyện Thới Bình (Cà Mau) ra quyết định THA, buộc Công ty MEKONG thực hiện nghĩa vụ trả nợ 160 triệu đồng cho ông Thông.

Tương tự, tháng 10-2020, Chi cục THA dân sự huyện Thới Bình ra quyết định THA, buộc Công ty MEKONG trả ông Như số nợ hơn 101 triệu đồng.

Tuy nhiên, đến tháng 5-2021, chấp hành viên trả lời hai ông là chưa thể THA được vì lý do Công ty MEKONG không hợp tác và chưa tìm ra được tài sản của công ty này.

Ngày 4-8-2021, trả lời Pháp Luật TP.HCM bằng văn bản, ông Huỳnh Minh Hiệu, Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Cà Mau, cho rằng chấp hành viên đã làm đúng, đủ nhưng chưa tìm ra tài sản của Công ty MEKONG. Từ sau khi nhận được đơn đề nghị THA của ông Thông và ông Như, chấp hành viên đã ra các quyết định đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

Tuy nhiên, Công ty MEKONG không phối hợp mặc dù chấp hành viên đã triệu tập nhiều lần. Việc tìm tài sản của Công ty MEKONG để THA, chấp hành viên cũng đã liên hệ các ngành chức năng ở huyện Thới Bình và nhiều ngân hàng ở tỉnh Cà Mau.

Đến nay, chấp hành viên tìm chưa được một tài sản nào là của công ty, cả tài khoản ngân hàng cũng không có. Chấp hành viên đã liên hệ Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Cà Mau để xác định bất động sản của công ty nhưng do dịch bệnh nên việc này vẫn chưa có kết quả…

Sẽ quyết liệt chỉ đạo tìm tài sản thi hành án

Đó là khẳng định của ông Huỳnh Minh Hiệu, Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Cà Mau, khi trao đổi thêm qua điện thoại với PV chiều 4-8. Ông Hiệu nhìn nhận không thể có chuyện một công ty cổ phần còn hoạt động mà lại không có tài sản, tài khoản gì cả.

“Chờ qua giãn cách xã hội, chúng tôi sẽ quyết liệt chỉ đạo chấp hành viên phải tìm tài sản THA từ Công ty MEKONG. Cả tài sản đang thế chấp, cầm cố vẫn phải đưa ra phát mại để THA cho ông Như và ông Thông đúng quy định pháp luật” - ông Hiệu khẳng định.

“Trường hợp không phối hợp như Công ty MEKONG, bước tiếp theo của chúng tôi là họp ban chỉ đạo THA, nhờ trợ giúp của cơ quan liên ngành, đến công ty kiểm tra tài sản THA. Qua dịch bệnh, chúng tôi sẽ chỉ đạo chi cục làm việc này” - ông Hiệu nói thêm.

PV đặt vấn đề: Theo Nghị định 82/2020, lý ra, các hành vi không đến địa điểm theo giấy triệu tập của chấp hành viên lần thứ hai, không cung cấp thông tin về tài sản THA phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trước câu hỏi này của PV, ông Hiệu cho rằng lĩnh vực THA không áp dụng Nghị định 82/2020.

Nhận định về vấn đề này, luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Nghị định 82/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực THA dân sự.

Theo đó, Điều 64 Nghị định 82/2020 quy định cụ thể từng hành vi vi phạm và mức phạt tiền trong lĩnh vực THA dân sự như: Đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai của người có thẩm quyền THA nhưng không đến địa điểm ghi trong giấy báo, giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng; không thông báo cho cơ quan THA dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú; không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, không chính xác tài sản, thu nhập, điều kiện THA khi người có thẩm quyền THA yêu cầu...

“Trong trường hợp người phải THA cố tình không chấp hành các quyết định của cơ quan THA thì cơ quan THA cần áp dụng các chế tài đối với người phải THA mới đúng quy định của pháp luật” - luật sư Hoan nói.

 

Công khai thông tin người chưa có điều kiện thi hành án

Theo Điều 44 và 44a Luật THA dân sự 2014, nếu cơ quan THA đã xác minh điều kiện THA mà người phải THA không có tài sản để THA hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế THA hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để THA thì thủ trưởng cơ quan THA dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện THA.

Khi đó ít nhất sáu tháng một lần, chấp hành viên phải xác minh điều kiện THA; sau hai lần xác minh mà người phải THA vẫn chưa có điều kiện THA thì cơ quan THA dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được THA về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện THA của người phải THA.

Cơ quan THA dân sự có thể ủy quyền cho cơ quan THA dân sự nơi người phải THA có tài sản, cư trú, làm việc hoặc có trụ sở để xác minh điều kiện THA.

Và người được THA có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện THA, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện THA của người phải THA cho cơ quan THA dân sự.

Theo khoản 2 Điều 44a Luật THA dân sự 2014, Điều 11 Nghị định 62/2015, chương II Thông tư 01/2016 của Bộ Tư pháp thì trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện THA, cơ quan THA dân sự đăng tải công khai thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ THA của người phải THA trên trang thông tin điện tử của Cục THA dân sự và tích hợp trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục THA dân sự thuộc Bộ Tư pháp; gửi quyết định về việc chưa có điều kiện THA cho UBND cấp xã nơi xác minh để niêm yết công khai. Thời gian niêm yết công khai quyết định về việc chưa có điều kiện THA là ba tháng kể từ ngày niêm yết. Khi người phải THA có điều kiện thi hành thì cơ quan THA phải tổ chức thi hành.

Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm