‘Bút sa...’ nên phải trả vàng cho người tình

Mới đây, TAND TP.HCM đã bác kháng cáo của ông VVĐ (ngụ quận 6) về việc không đồng ý trả 11 lượng vàng cho cô HTCL (quê Bến Tre, thuê nhà ở Bình Chánh, TP.HCM). Trước đó, tháng 10-2014, cô L. nộp đơn khởi kiện tại TAND quận 6 kèm theo giấy mượn vàng làm chứng yêu cầu tòa buộc ông Đ. trả nợ.

Có giấy mượn vàng

Cô L. trình bày, cô làm tiếp viên quán nhậu, cà phê ở quận 6. Ông Đ. (hơn bà 27 tuổi) thường đến đây nhậu nên quen biết nhau từ năm 2010. Sau đó, đôi bên có nảy sinh tình cảm. Cô nghe ông Đ. nói là người buôn bán đất nên ngày 20-2-2012 cô cho ông mượn 11 lượng vàng để làm ăn. Hai bên lập giấy mượn và thỏa thuận thời gian thanh toán là 18 tháng sau, không có lãi suất.

Hết hạn trả nợ, từ ngày 30-8-2013 đến nay, cô nhiều lần đòi nhưng ông Đ. luôn lánh mặt. Vì vậy, cô đành phải nộp đơn ra tòa nhờ phân xử.

Tại tòa, ông Đ. phủ nhận món nợ nói trên. Ông Đ. kể ông có chung sống với cô L. một thời gian. Trong thời gian chung sống, ông nợ cô L. 100 triệu đồng là tiền nhờ cô L. đánh đề giùm và 50 triệu đồng tiền chi phí ăn ở, sinh hoạt hằng ngày. Đến ngày 20-2-2012, cô L. đưa một tờ giấy ghi tên ông mượn 11 lượng vàng SJC và hăm dọa sẽ tự sát. Do sợ cô L. tự sát thật nên buộc lòng ông phải ký tên vào giấy mượn. Vì vậy, ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của người tình cũ.

Ông Đ. kể thêm khi ký giấy mượn vàng trong phòng chỉ có hai người, không có ai khác chứng kiến và do còn tình cảm với cô L. nên không báo với ai để hai bên tự giải quyết với nhau. Sau đó, khi không còn chung sống với nhau, cô L. có yêu cầu ông trả vàng và đã đến nhà ông quậy nhiều lần.

Không giám định được chữ ký

Quá trình giải quyết vụ án, ông Đ. thừa nhận chữ viết trên giấy mượn là của mình, riêng chữ ký bên mượn vàng không phải của ông. Trước đó, ông nhiều lần cho tiền cô L. nhưng không có giấy tờ chứng minh.

Phản bác lại, L. cho rằng cô và ông Đ. có quan hệ tình cảm nhưng không chung sống như ông Đ. trình bày. Cô cũng yêu cầu tòa cho giám định chữ ký và chữ viết trên giấy mượn vàng.

Tham gia với tư cách người liên quan, vợ ông Đ. khai bà biết chồng bà và L. quen nhau. L. nói với bà rằng L. là vợ nhỏ của ông Đ. Hàng xóm nhà bà ai cũng biết việc này. Bà không biết ông Đ. mượn vàng của  L. và nếu có cũng là việc riêng của ông Đ., bà không liên can.

Tiến hành trưng cầu giám định, Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP.HCM thu thập thêm chữ ký của ông Đ. trong khoảng thời gian cận trước và sau khi có giấy mượn vàng để giám định. Tuy nhiên, ông Đ. không cung cấp với lý do khoảng từ năm 2010 đến nay ông không có giao dịch mua bán với ai. Cũng vì lý do này, cơ quan giám định không đủ cơ sở kết luận chữ ký cần giám định.

Trưng cầu tại một cơ quan giám định khác cũng chỉ giám định được chữ viết, chữ ký thì không đủ cơ sở để kết luận.

Nhưng chứng cứ khác phù hợp

Xử sơ thẩm, TAND quận 6 nhận định qua các lời khai ông Đ. không đưa ra được chứng cứ nào chứng minh bị hăm dọa hay đã trình báo cơ quan chính quyền địa phương về sự việc bị hăm dọa trong việc phải viết giấy mượn vàng. Từ đó, tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông Đ. phải trả 11 lượng vàng cho cô L.

Về số tiền 150 triệu đồng mà ông Đ. thừa nhận nợ cô L., do nguyên đơn không đề cập nên HĐXX không xét.

Không đồng tình, phía bị đơn kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm, HĐXX và VKS tập trung hỏi rõ sự thật vụ án. cô L. có mặt và trả lời được rành rọt vì sao có số vàng để cho ông Đ. mượn. Cụ thể, L.lên Sài Gòn từ năm 18 tuổi làm tiếp viên, tích góp từng chỉ sau thành lượng, lại không nặng gánh gia đình...

Trong khi đó, ông Đ. tiếp tục vắng mặt, chỉ có đại diện theo pháp luật của ông đến dự tòa như tại phiên sơ thẩm. Đại diện của ông Đ. vẫn viện lý do sợ cô L. tự sát nên mới viết giấy mượn nợ chứ thật sự không có mượn. Đại diện VKS hỏi, vậy sau giấy mượn còn có câu “đã nhận đủ 11 lượng”, có cần thêm câu này để làm vừa lòng L. không. Phía bị đơn không trả lời được.

Cuối cùng HĐXX phúc thẩm nhận định án sơ thẩm tuyên vậy là phù hợp vì phía bị đơn không chứng minh được việc không có mượn. Tuy nhiên, án sơ thẩm tuyên buộc ông Đ. trả số nợ gốc 11 lượng vàng nhưng không quy đổi vàng ra tiền tại thời điểm xét xử là chưa phù hợp quy định tại Điều 19 Nghị định số 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Từ đó, TAND TP.HCM sửa án phần này, buộc ông Đ. trả cho cô L. hơn 372 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm