Bút phê quyền lực mang tên Trần Bắc Hà

Chiều 27-10, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ đại án xảy ra tại Ngân hàng BIDV, xung quanh khoản vay của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng.

Theo cơ quan tố tụng, trách nhiệm gây thất thoát hơn 860 tỉ đồng trong việc giải ngân vốn vay cho công ty Trung Dũng thuộc về các cựu lãnh đạo, cán bộ BIDV chi nhánh Hà Thành.

Bị cáo Ngô Duy Chính, cựu giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành. Ảnh: TP

Cấp trên gây sức ép, doanh nghiệp thì gian dối

VKS xác định Ngô Duy Chính (cựu giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành) chịu trách nhiệm cao nhất trong việc đề xuất phê duyệt cấp hạn mức tín dụng 700 tỉ đồng năm 2011 và phát hành L/C (tín dụng thư) cho công ty Trung Dũng khi doanh nghiệp này không đủ điều kiện về tài chính, giải ngân cho vay không đúng mục đích…

Ông Chính bị cáo buộc không chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra, quản lý, giám sát dòng tiền, tài sản bảo đảm của doanh nghiệp để thu nợ, dẫn đến hậu quả mất vốn.

Đứng trước bục khai báo, cựu giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành khai ban đầu công ty Trung Dũng đề nghị cấp L/C nhưng bị cáo từ chối. Tuy nhiên, sau khi được báo cáo thì chủ tịch HĐQT là ông Trần Bắc Hà vẫn chỉ đạo cho mở L/C. “Phía Trung Dũng đề nghị và anh Hà phê duyệt” - ông Chính nói.

Trả lời HĐXX về việc quản lý tài sản đảm bảo của công ty Trung Dũng, bị cáo cho hay khi hàng hóa về đến cảng thì ngân hàng có kiểm tra nhưng doanh nghiệp đã dùng biện pháp gian dối, không giao hàng cho Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) mà lại giao cho các công ty khác.

“Theo quy định, TISCO trả tiền cho Trung Dũng bằng cách chuyển khoản về tài khoản của Trung Dũng ở BIDV để đối trừ nợ nhưng Trung Dũng không thực hiện” – bị cáo khai.

Cựu giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành thừa nhận trách nhiệm liên đới nhưng cho rằng bản thân có các hành vi sai phạm là do thực hiện theo sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà và tin tưởng vào cán bộ cấp dưới.

Cũng theo lời ông này, một yếu tố quan trọng để BIDV cho công ty Trung Dũng vay là phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó dùng nguồn tiền từ bán hàng để trả nợ. Phía ngân hàng nhận thấy phương án này là có cơ sở. Thực tế, nếu dùng nguồn tiền trên trả nợ sớm cho BIDV thì các khoản vay đã thanh toán được, nhưng doanh nghiệp không làm…

“Bị cáo thấy cáo trạng của VKS truy tố đã rõ ràng, bản thân có vi phạm, tuy nhiên mong HĐXX cho phép được giải trình để từ đó cơ sự cân nhắc khi lượng hình” – ông Chính nói.

Các bị cáo trả lời HĐXX ngày 27-10. Ảnh chụp qua màn hình T.V. Ảnh: TP

Được giao việc nhưng áp lực vô cùng nặng nề

Liên quan đến các khoản vay của công ty Trung Dũng, Nguyễn Xuân Giáp (cựu phó giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành) được xác định là người ký các biên bản họp hội đồng tín dụng chi nhánh, đồng ý đề xuất cấp tín dụng, ký duyệt báo cáo thẩm định đề xuất phát hành L/C, ký duyệt giải ngân cho công ty này vay không đúng quy định.

Trước tòa, ông Giáp thừa nhận có sai phạm, bản thân phê duyệt 13 văn bản của phòng quan hệ khách hàng về việc giải ngân cho công ty Trung Dũng, trong đó 9 văn bản vi phạm điều kiện về tài sản đảm bảo.

Theo lời ông Giáp, thời điểm thẩm định, bị cáo thấy doanh nghiệp không đủ điều kiện nên dù đồng ý đề xuất cho vay nhưng kèm thêm các yêu cầu cần phải đáp ứng, trong đó có tài sản đảm bảo, quản lý dòng tiền…

Thấy vậy, HĐXX hỏi tại sao doanh nghiệp chưa đáp ứng điều kiện giải ngân mà vẫn phê duyệt? Ông Giáp nói có sự tác động về mặt tâm lý. Cụ thể, trước đây một PGĐ phụ trách quan hệ khách hàng của chi nhánh từng bị ông Trần Bắc Hà chỉ đạo chuyển vị trí công tác vì có ý định dừng giải ngân và giảm dư nợ đối với công ty Trung Dũng.

Tiếp đó, ông Hà yêu cầu thay đổi người phụ trách ngay ngày hôm sau, ông Giáp là người được chọn. Do không phụ trách mảng này, ông Giáp từ chối. Tuy vậy, dưới sức ép từ lãnh đạo, ông vẫn phải nhận nhiệm vụ, áp lực vô cùng nặng nề.

Tương tự, bị cáo Phạm Hồng Quang, cựu trưởng phòng quản lý khách hàng, khai rằng có biết công ty Trung Dũng khó khăn nên đã báo cáo với lãnh đạo BIDV chi nhánh Hà Tĩnh để không cấp L/C, các lãnh đạo đều đồng ý.

Tuy nhiên, sau đó bị cáo nhận được một văn bản từ hội sở, đó là công văn của công ty Trung Dũng kèm theo bút phê của ông Trần Bắc Hà. Vì sức ép này nên bị cáo phải đề xuất cho vay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm