Buộc tội từ lời khai mâu thuẫn

Mới đây, bị can Ngô Minh Chiến (ngụ Đồng Xoài, Bình Phước) đã bị VKSND tỉnh này truy tố, chuyển hồ sơ qua TAND tỉnh để xét xử sơ thẩm (lần hai) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Vay tiền, mỗi bên nói khác nhau

Nội dung vụ án này khá đơn giản nhưng kéo dài từ năm 2014 đến nay vẫn chưa giải quyết xong.

Theo hồ sơ, bị can Chiến ký hợp đồng vay ông T. 9 tỉ đồng với lãi suất 2%/tháng. Tháng 4-2012, hai bên chốt nợ còn 2,9 tỉ đồng (gồm 2,5 tỉ đồng tiền gốc và 400 triệu đồng tiền lãi), có biên bản xác nhận nợ tại công an phường.

Đến tháng 11-2013, ông T. làm đơn tố bị can Chiến chiếm đoạt của ông 2,9 tỉ đồng. Bị can Chiến kêu oan rằng không có hành vi gian dối khi vay tiền, không bỏ trốn, không có ý định chiếm đoạt tiền vay nhưng CQĐT công an tỉnh, VKS tỉnh cho rằng bị can không thừa nhận nợ, ngụy tạo chứng cứ nên khởi tố, truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản từ cuối năm 2014.

Năm 2016, TAND tỉnh Bình Phước đưa vụ án ra xử sơ thẩm (lần đầu). Sau một ngày xét xử, tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì chưa đủ căn cứ buộc tội bị cáo.

Mới đây, VKSND tỉnh ra cáo trạng mới có nội dung: Sau khi vay ông T. gần 8,8 tỉ đồng, tính đến ngày 5-4-2011, bị can Chiến đã trả được 6,5 tỉ đồng, còn nợ 2,3 tỉ đồng. Do có ý định chiếm đoạt số tiền còn nợ, bị can đã viết thêm dòng chữ “Hôm nay ngày 30-12-2010 Chiến trả cho anh T. số tiền 9,4 tỉ đồng gốc” lên phía trên dòng chữ “Hôm nay ngày 30-12-2010 Chiến trả anh T. số tiền 1,5 tỉ”. Bị can còn thêm một chữ “lãi” ở cuối dòng vào giấy trả tiền ngày 30-12-2010 trước đó có chữ ký của ông T. để cho rằng đã trả hết nợ gốc và lãi. Đây là thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt số tiền gốc 2,3 tỉ đồng của ông T.

Bị can Ngô Minh Chiến, người đang kêu oan. Ảnh: HY

Chỉ buộc tội từ lời khai

Trước khi ra cáo trạng mới này, giữa CQĐT, VKS và tòa đã nhiều lần trả hồ sơ qua lại để điều tra bổ sung nhằm làm rõ có việc bị can gian dối chiếm đoạt tiền hay không khi lời khai của bị hại mâu thuẫn, lời khai bị can cũng mâu thuẫn, không thể đối chất làm rõ.

Đáng chú ý, tháng 3-2018, sau nhiều lần trả hồ sơ cho CQĐT điều tra bổ sung, VKS tỉnh có công văn gửi CQĐT nêu rõ: Theo quan điểm của VKSND Cấp cao tại TP.HCM, vụ án chỉ có lời khai nhận tội của bị can Chiến trong bản tự khai ngày 11-12-2014 (tại tòa bị cáo tố bị điều tra viên ép cung, mớm cung khi lấy lời khai lúc bị can đang mang thai nằm bệnh viện - NV) là chứng cứ duy nhất xác định bị can thực hiện thủ đoạn gian dối. Cụ thể là ghi thêm nội dung đã trả 9,4 tỉ đồng sau khi được cho vay tiền nhằm chiếm đoạt số tiền còn nợ của ông T. Tuy nhiên, kết luận giám định không xác định được nội dung (hàng chữ nào) được hình thành trước, nội dung nào được hình thành sau để làm căn cứ xác định chính bị can đã viết chèn thêm dòng chữ vào giấy trả tiền ngày 30-12-2010.

Mặt khác, lời khai của bị hại, bị can mâu thuẫn nhau về số tiền gốc, lãi suất cho vay, số tiền gốc và lãi đã trả cũng như xác định số tiền chiếm đoạt là bao nhiêu. Vì vậy chưa đủ cơ sở kết luận bị can đã dùng thủ đoạn gian dối (ghi thêm dòng chữ với nội dung đã trả số tiền 9,4 tỉ đồng sau khi được cho vay tiền nhằm chiếm đoạt số tiền gốc còn nợ 2,9 tỉ đồng).

Từ đó VKSND tỉnh Bình Phước nhận định đây là vụ án phức tạp kéo dài, đến nay cơ quan tố tụng đã thực hiện nhiều biện pháp như đối chất, lấy lời khai, xác minh… nhưng việc đánh giá chứng cứ, xác định bị can có thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền vay của bị hại hay không còn gặp khó khăn. Để giải quyết dứt điểm, VKS đề nghị CQĐT sớm tiến hành điều tra bổ sung các nội dung yêu cầu…

Tháng 5-2018, CQĐT vẫn giữ quan điểm đề nghị truy tố bị can Chiến về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo CQĐT, sau khi vay tiền của ông T., bị can còn nợ hơn 1,8 tỉ đồng nên đã nảy sinh ý định gian dối chiếm đoạt số tiền gốc này kèm lãi.

Kết luận điều tra mới nói trên có mâu thuẫn với cáo trạng mới về số tiền bị can chiếm đoạt. Trước đó, VKS tỉnh từng trả hồ sơ cho CQĐT yêu cầu làm rõ mâu thuẫn về số tiền gốc, lãi và xác định số tiền còn nợ cũng như làm rõ thủ đoạn gian dối. Đáng chú ý, VKS từng đưa ra quan điểm vụ án có xuất phát điểm là hợp đồng vay mượn, một dạng giao dịch dân sự, vì vậy cần điều tra làm rõ bản chất vụ án là quan hệ dân sự hay hình sự, bị can có thủ đoạn gian dối hay không. Tuy nhiên, cuối cùng cả hai cơ quan đều kết luận bị can có tội, chỉ khác nhau ở số tiền chiếm đoạt.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án có diễn tiến mới.

Bị can không nhận kết luận điều tra, cáo trạng

Sau khi ra kết luận điều tra và cáo trạng mới, CQĐT và VKS đã tống đạt cho bị can Chiến (được tại ngoại) nhưng bị can cương quyết không nhận. Bị can và luật sư của mình cho rằng hai cơ quan này có những vi phạm về thời hạn và số lần trả hồ sơ điều tra bổ sung. Cụ thể, hết thời gian truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định thì VKS không ban hành văn bản tố tụng nào theo đúng luật định là đình chỉ vụ án hay ra cáo trạng và không có bất kỳ thông báo nào. Việc gia hạn điều tra hai lần và trả hồ sơ điều tra hơn 10 lần là cố tình kéo dài vụ án, hình sự hóa quan hệ dân sự…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm