Bỏ lọt tội phạm trong vụ xông vào UBND phường chém người

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, xung quanh việc TAND TP Biên Hòa (Đồng Nai) đình chỉ vụ án, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với nhóm thanh niên xông vào trụ sở UBND phường Trung Dũng chém người ngày 19-5 đã gây nhiều tranh cãi. Nhiều chuyên gia pháp luật có uy tín cho rằng các cơ quan tố tụng TP Biên Hòa hoàn toàn có thể xử lý hình sự nhóm thanh niên này về tội gây rối trật tự công cộng, mặt khác nếu không xử lý hình sự thì vẫn có thể xử lý hành chính đối với họ...

“Chưa đủ yếu tố để xử tội gây rối…”

Ngày 25-9, trao đổi với chúng tôi, Thẩm phán Nguyễn Trung Hưng (người được phân công trực tiếp giải quyết vụ án) vẫn giữ quan điểm rằng tòa đã giải quyết có căn cứ, đúng pháp luật.

Theo Thẩm phán Hưng, sau khi xem xét các tình tiết vụ án, hành vi của các bị can, thương tích mà các bị can đã gây ra cho người bị hại (16 tuổi), đơn đề nghị khởi tố vụ án của phía người bị hại thì các cơ quan tố tụng của TP Biên Hòa nhận thấy đủ yếu tố để khởi tố các bị can về tội cố ý gây thương tích. Từ đó, CQĐT đã ra quyết định khởi tố các bị can về tội danh này để điều tra, truy tố, xét xử.

Về việc đình chỉ vụ án, theo Thẩm phán Hưng, sau khi nhận được đơn đề nghị rút yêu cầu khởi tố của phía người bị hại, tòa đã tìm hiểu kỹ nguyên nhân. Qua tìm hiểu, người bị hại và đại diện hợp pháp của người bị hại cho biết sau khi bình tâm lại thì nhận thấy các bị can đều còn nhỏ tuổi, một số còn đi học, không am hiểu pháp luật, nhân thân của các bị can tốt. Ngoài ra, sau khi vụ việc xảy ra, cha mẹ các bị can đã đến nhà người bị hại xin lỗi, bồi thường tiền thuốc men. Do vậy, phía người bị hại đã rút đơn đề nghị khởi tố. “Tòa nhận thấy nguyên nhân rút đề nghị khởi tố của phía người bị hại là hợp lý, không phải chịu sự ép buộc nào nên đã ra quyết định đình chỉ vụ án” - Thẩm phán Hưng nói.

Về việc dư luận và các chuyên gia đặt ra câu hỏi tại sao các cơ quan tố tụng của TP Biên Hòa không xử các bị can tội gây rối trật tự công cộng, Thẩm phán Hưng cho rằng trong trường hợp này, các cơ quan tố tụng đã xem xét kỹ mục đích và hậu quả do hành vi của bị can gây ra, từ đó thấy rằng chưa đủ yếu tố để xử lý về tội gây rối trật tự công cộng. Trong quá trình xem xét, giải quyết vụ án, các cơ quan tố tụng đã nghiên cứu kỹ các tình tiết của vụ án và nhận thấy khởi tố các bị can về tội cố ý gây thương tích là phù hợp với quy định của pháp luật.

Cũng theo Thẩm phán Hưng, cũng không thể xử phạt hành chính đối với các bị can bởi vì hành vi của các bị can đã đến mức vi phạm hình sự, đã đủ yếu tố để xử lý về tội cố ý gây thương tích chứ không còn dừng lại ở mức vi phạm hành chính. Sau đó các bị can không bị xử về tội cố ý gây thương tích là do người bị hại rút đơn và theo luật, tòa phải đình chỉ vụ án.

Hiểu, áp dụng pháp luật chưa đúng

Trước các lý giải nói trên của Thẩm phán Hưng, luật sư Lưu Văn Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã không đồng tình.

Cũng như nhiều chuyên gia pháp luật khác, luật sư Tám nhận xét trong vụ việc này đã có hai hành vi vi phạm pháp luật hình sự độc lập xảy ra: Hành vi thứ nhất xảy ra trước là hành vi xông vào trụ sở UBND phường gây náo loạn, gây cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước xảy ra trước. Hành vi thứ hai xảy ra sau là hành vi chém người bị hại gây thương tích. Như vậy, nếu làm đúng thì cơ quan tố tụng phải xem xét xử lý hình sự cả hai hành vi này.

Ở đây, việc tòa đình chỉ vụ án cố ý gây thương tích vì phía người bị hại rút đơn là đúng. Tuy nhiên, tòa nói riêng và các cơ quan tố tụng TP Biên Hòa nói chung đã bỏ lọt tội phạm với hành vi gây rối trật tự công cộng của các bị can. Bởi lẽ căn cứ theo quy định tại Điều 245 BLHS và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì hành vi xông vào trụ sở UBND phường gây náo loạn, gây cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước của các bị can đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành của tội gây rối trật tự công cộng.

Bên cạnh đó, trước lập luận của Thẩm phán Hưng về việc tòa không chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính, luật sư Tám khẳng định hiểu và vận dụng pháp luật như vậy là không đúng. Theo luật sư Tám, hành vi của các bị cáo chưa bị coi là tội phạm vì tòa chưa đưa vụ án ra xét xử và tuyên án bằng một bản án có hiệu lực pháp luật. Do vậy, tòa phải chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng có thẩm quyền để xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định tại Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đồng tình, luật gia Đào Danh Sửu (Vũng Tàu) bổ sung: Khoản 1 Điều 106 BLTTHS 2003 quy định: “Khi có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội đã xảy ra hoặc còn có tội phạm khác thì CQĐT, VKS ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự”. Trong vụ việc này, rõ ràng thuộc trường hợp “còn có tội phạm khác” (tội gây rối trật tự công cộng) nên cơ quan tố tụng vẫn có quyền thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố chứ không bị ràng buộc như quan điểm của Thẩm phán Hưng.

“Vụ việc này không thể bó tay, để huề cả làng vì hành vi của các bị can quá côn đồ, ngang ngược, xem thường pháp luật. Họ không chỉ xâm phạm đến sức khỏe của người bị hại mà còn xâm phạm đến hoạt động bình thường của UBND phường, xâm phạm đến an ninh trật tự chung và gây bất an cho xã hội nên ít nhất cũng phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013 của Chính phủ” - luật gia Sửu nói.

Như vậy, trong vụ án này đã có những cách hiểu khác nhau về pháp luật hình sự. Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với VKSND TP Biên Hòa, VKSND tỉnh Đồng Nai và TAND tỉnh Đồng Nai để tìm hiểu về quan điểm pháp lý, có kiến nghị, kháng nghị giám đốc thẩm quyết định đình chỉ vụ án của TAND TP Biên Hòa hay không… nhưng chưa được tiếp xúc. Chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ để làm việc và thông tin tới bạn đọc.

Nội dung vụ việc

Ngày 19-5, do xảy ra mâu thuẫn trên Facebook, Phạm Văn Dũng (20 tuổi, ngụ phường Tân Phong, TP Biên Hòa) đã bị một nhóm thanh niên hành hung. Nghi ngờ Nguyễn Hiền Quang là người trong nhóm thanh niên hành hung mình, Dũng chuẩn bị mã tấu, gọi thêm bạn đi tìm Quang để đánh.

Đến 15 giờ cùng ngày, nhóm Dũng gặp Quang phía trước trụ sở UBND phường Trung Dũng nên lao vào đánh. Quang bỏ chạy vào trụ sở tạm của UBND Trung Dũng nhưng vẫn bị nhóm thanh niên trên đuổi theo chém bị thương (tỉ lệ thương tật 3%). Sau đó Công an TP Biên Hòa đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Dũng và Lương Hoàng Tiến để điều tra, cho sáu bị can khác tại ngoại.

Mới đây, TAND TP Biên Hòa đã ra quyết định đình chỉ vụ án, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn đối với nhóm Dũng vì phía người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố. Tòa cũng không chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng để xem xét xử phạt vi phạm hành chính đối với nhóm Dũng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm