Bỏ hòa giải tại xã, phường với tranh chấp đất đai?

Tháng 6-2013, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định thu hồi đất giao cho ĐH Quốc gia TP.HCM. Cho rằng ĐH Quốc gia đã chiếm đất của mình (đã có sổ đỏ và giáp ranh khu ĐH Quốc gia TP.HCM) nên bà Phạm Thị Quỳnh Hoa (ngụ phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An) đã khởi kiện cơ quan này ra tòa. Nhưng TAND thị xã Dĩ An trả lại đơn kiện của bà Hoa vì trong hồ sơ chưa có biên bản hòa giải của UBND phường.

Phát sinh thêm vụ kiện hành chính

Nhận lại hồ sơ, bà Hoa đến UBND phường Đông Hòa yêu cầu được hòa giải thì nơi đây từ chối vì lý do… không có chức năng giải quyết. Vì thế bà Hoa phải khởi kiện hành chính đối với hành vi không hòa giải của chủ tịch UBND phường Đông Hòa. Bà yêu cầu vị chủ tịch này phải tổ chức hòa giải theo luật định. Sau khi tòa thụ lý vụ án hành chính thì hai ngày sau, chủ tịch UBND phường đã mời bà Hoa lên tổ chức hòa giải.

PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Nhung (Phó Trưởng khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) cho rằng từ vụ việc của bà Hoa cho thấy việc hòa giải tại cơ sở chưa chắc rút ngắn thời gian giải quyết vụ án mà ngược lại còn kéo theo hệ lụy phát sinh. Vì nếu UBND cấp xã không tổ chức hòa giải hoặc hòa giải không đúng quy định trình tự… thì người dân lại phải kiện thêm vụ án hành chính.

Chưa kể giả sử người dân thắng kiện, tòa tuyên buộc chủ tịch UBND cấp xã phải có nghĩa vụ hòa giải. Người dân yêu cầu thi hành án nhưng chủ tịch UBND xã không tự nguyện thi hành thì sao, ai có quyền cưỡng chế? Điều đó cho thấy người dân đã vất vả với tranh chấp đất đai còn phải khởi kiện hành chính. Vì vậy, việc hòa giải bắt buộc trước khi khởi kiện ra tòa án là không cần thiết, làm kéo dài thời gian giải quyết.

Một buổi hòa giải ở Trung tâm hòa giải - đối thoại tại TAND quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Ảnh: TÂM AN

Chất lượng hòa giải ra sao?

Luật sư (LS) Lê Doãn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho biết qua nhiều lần tham dự buổi hòa giải, tuy thành phần đầy đủ nhưng thực chất chỉ có cán bộ địa chính ngồi ghi biên bản hoặc có thêm phó chủ tịch phụ trách mảng nhà, đất tham dự. Cán bộ giải thích sơ sài và đưa ra hướng giải quyết theo kiểu “tình làng nghĩa xóm” rồi ghi nhận ý kiến của các bên, cuối biên bản ghi thêm ý kiến các thành viên hòa giải (nếu có). “Với tính chất và cách thức như vậy, tôi nhận thấy việc hòa giải tranh chấp đất đai tại cơ sở chỉ là hình thức, không mang lại hiệu quả cao” - LS Tuấn nói.

Theo ThS Hoàng Thị Biên Thùy (Trường ĐH Luật TP.HCM), hòa giải không phải là giải quyết tranh chấp đất đai. Bản chất của thủ tục hòa giải là làm trung gian để các bên tranh chấp gặp nhau, cùng thương lượng trên cơ sở các phân tích của hội đồng hòa giải. Tuy nhiên, những mâu thuẫn về đất đai thường phức tạp và mang tính kinh tế nên không dễ để các bên nhượng bộ. Mặt khác, kết quả hòa giải không phải là quyết định giải quyết tranh chấp mà hội đồng hòa giải sẽ lập biên bản ghi nhận diễn biến và kết quả của quá trình thương lượng.

Luật gia Nguyễn Văn Thành (Ủy viên thường trực Hội Luật gia quận 10) phân tích thêm: Biên bản hòa giải không có giá trị ràng buộc thi hành đối với các bên tranh chấp. Điều 88 Nghị định 43/2014 quy định ngay cả khi đã lập biên bản hòa giải thành thì trong thời hạn 10 ngày, nếu các bên có ý kiến bằng văn bản về nội dung khác với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thành thì chủ tịch UBND cấp xã tổ chức lại cuộc họp. Lúc này, hội đồng hòa giải phải họp lại để xem xét, giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành. Tức là dù ban đầu hòa giải thành nhưng sau đó đương sự thay đổi ý kiến thì phải hòa giải lại và kết quả vẫn có thể là không thành. Lúc này việc hòa giải lặp đi lặp lại, tốn công sức và mất nhiều thời gian.

Nên bỏ quy định buộc phải hòa giải ở xã

ThS Thùy và LS Tuấn đều cho rằng cần sửa đổi quy định về hòa giải đất đai theo hai hướng.

Thứ nhất, không nên quy định đây là thủ tục bắt buộc vì không những không đạt mục đích hàn gắn, giảm tải cho tòa án mà nó còn làm phức tạp hóa quá trình giải quyết tranh chấp. Mặt khác, Điều 203 Luật đất đai, Điều 89, 90 Nghị định 43/2014 đều quy định các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai luôn phải thực hiện thủ tục hòa giải. Vì vậy, luật chỉ nên quy định khuyến khích các bên tự hòa giải hoặc có thể yêu cầu UBND cấp xã hòa giải, nếu các bên không có nhu cầu thì cứ khởi kiện thẳng ra tòa.

Thứ hai, nên giao việc hòa giải trong tranh chấp đất đai cho trung tâm hòa giải - đối thoại tại tòa. Mặc dù hiện nay các trung tâm đối thoại, hòa giải mới chỉ thí điểm nhưng qua sơ kết đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, các hòa giải viên, đối thoại viên được ưu tiên lựa chọn từ các thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chuyên viên pháp lý... đã về hưu. Ngoài ra, các ls, luật gia, hội thẩm nhân dân hoặc những người có kiến thức pháp luật, có kinh nghiệm trong hòa giải, đối thoại, có uy tín trong cộng đồng… nên việc hòa giải mang lại hiệu quả cao.

Cạnh đó, việc này còn khắc phục nhược điểm của hòa giải tại cơ sở, tức là sau khi hòa giải thành tại trung tâm, nếu các đương sự đề nghị công nhận thì tòa sẽ cử thẩm phán ký vào biên bản hòa giải thành và ra quyết định công nhận. Quyết định công nhận hòa giải thành này sẽ không bị kháng cáo, kháng nghị, khả năng thực thi có giá trị như bản án có hiệu lực của tòa. Điều này tránh trường hợp một trong các bên sau đó thay đổi nội dung hòa giải, buộc bên còn lại phải khởi kiện từ đầu.

Loại tranh chấp đất đai nào bắt buộc phải hòa giải ở xã

Tranh chấp về đất đai, hay còn gọi là tranh chấp quyền sử dụng đất, rất đa dạng như tranh chấp đòi lại đất, tranh chấp ranh giới đất giữa các bất động sản liền kề, tranh chấp tài sản gắn liền với đất, tranh chấp hợp đồng giao dịch về quyền sử dụng đất, tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất, tranh chấp quyền sử dụng đất khi ly hôn…

Hiện nay, theo Điều 202 Luật Đất đai và Điều 3 Nghị quyết 04/2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn khoản 1 và khoản 3 Điều 192 BLTTDS 2015) thì chỉ những tranh chấp về quyền sử dụng đất mới bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất.

ThS HOÀNG THỊ BIÊN THÙY

Giao cho trung tâm hòa giải, đối thoại

Việc hòa giải ở trung tâm hòa giải, đối thoại thuộc TAND nên được xem là sự lựa chọn tự nguyện của đương sự, với những lợi ích ưu việt hơn việc đưa ra xét xử tại tòa án: thời gian, thủ tục, chi phí đơn giản hơn và ít tốn kém hơn. Việc công nhận kết quả hòa giải thành tại trung tâm này cũng mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

PGS-TS NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm