Bỏ giấy chứng nhận bào chữa để không gây khó luật sư

(PL)- Luật sư (LS) là một nghề tri thức của tri thức. Việc hành nghề của LS nói chung vẫn còn nhiều bất cập bởi những rào cản không chỉ do quy định của pháp luật. Có lẽ một trong những vấn đề vướng mắc và nổi cộm nhất trong thời gian qua đối với hoạt động hành nghề LS là việc cấp giấy chứng nhận (GCN) bào chữa. Ngay cả khi các cơ quan tố tụng ở trung ương có hướng dẫn thì ở địa phương, bằng cách này hay cách khác cũng vẫn làm khó hoạt động hành nghề của LS. Hầu hết LS đều có tâm tư rằng muốn hành nghề thuận lợi thì phải quan hệ tốt trong nháy nháy với cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng. Nếu không thì kiểu gì cũng sẽ bị gây khó!

Trở lại vụ “LS viết Facebook nói xấu tòa?” sau khi TAND quận 1 (TP.HCM) từ chối cấp GCN bào chữa cho LS. Đây có lẽ là một việc đáng tiếc nếu cả LS và tòa án đều hành xử có tình, có lý thì chuyện này đã không xảy ra.

Về phía tòa án đã áp dụng một cách máy móc Nghị quyết 03/2004/NQ-HĐTP và Điều 57 BLTTHS khi cho rằng bị cáo đã trên 18 tuổi, chỉ có họ mới có quyền lựa chọn người bào chữa, nếu chưa có ý kiến của bị cáo thì tòa án không thể cấp GCN bào chữa cho LS. Đúng là Nghị quyết 03/2004/NQ-HĐTP có quy định như vậy nhưng vì thực tế hầu hết vụ án hình sự mà bị cáo bị tạm giam thì người thân của bị cáo (cha, mẹ, anh, chị, em… của bị cáo) là người nhờ LS bào chữa cho bị cáo. Cũng từ thực tế này mà Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mới phải ban hành Nghị quyết 03/2004/NQ-HĐTP để hướng dẫn các tòa án. Theo đó, trường hợp người thân của bị cáo bị tạm giam nhờ LS bào chữa thì tòa án tạo điều kiện cho LS tham gia bằng cách thông báo cho bị cáo biết gia đình bị cáo đã mời LS, nếu bị cáo đồng ý (thực tế thì hầu hết bị cáo đều đồng ý) thì tòa án cấp GCN bào chữa cho LS. Ngay cả trường hợp bị cáo đã đồng ý mà ra tòa họ lại từ chối không đồng ý thì hội đồng xét xử (HĐXX) cũng phải tôn trọng quyền tự quyết của bị cáo.

Thực tế đã có trường hợp tại phiên tòa, bị cáo thấy một LS bào chữa cho bị cáo khác hay quá nên bị cáo nhờ LS này bào chữa luôn cho bị cáo. Trong trường hợp này nếu LS cũng đồng ý, quyền và lợi ích của bị cáo không mâu thuẫn với bị cáo mà LS nhận bào chữa thì HĐXX cũng vẫn có thể chấp nhận để LS bào chữa luôn cho bị cáo, có gì sai luật đâu! Trường hợp nếu tòa án đã cấp GCN cho LS bào chữa cho bị cáo mà ra tòa bị cáo từ chối thì HĐXX sẽ phải tôn trọng ý kiến của bị cáo, đồng thời giải thích cho gia đình và LS biết và tất nhiên vị LS được gia đình mời sẽ phải rút lui, có gì mà sợ. Còn việc có hoãn phiên tòa hay không lại là chuyện khác vì trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa án đã thông báo cho bị cáo biết quyền được nhờ LS bào chữa rồi. Trường hợp vì thời gian quá gấp mà LS không có điều kiện đọc hồ sơ vụ án thì đó là việc của LS, không phải vụ án nào cũng cứ phải đọc hồ sơ thì mới bào chữa được, có vụ chỉ cần đọc bản cáo trạng và theo dõi diễn biến tại phiên tòa, LS cũng có thể trình bày một bài bào chữa rất hay, chỉ cần LS không yêu cầu phải đọc hồ sơ là được.

Mặc dù Bộ Công an đã có thông tư hướng dẫn nhưng thực tế việc LS vào trại giam để gặp bị cáo vẫn còn bị cản trở với nhiều lý do “khách quan” mà ban giám thị trại giam đưa ra nếu không muốn hợp tác. Còn gia đình thì lại càng khó hơn vì theo quy định một tháng gia đình mới được vào trại giam thăm nuôi một lần. Nhưng nếu có sự hỗ trợ của VKS hoặc tòa án thì việc vào trại giam của LS sẽ rất dễ dàng. Sáng hôm qua, đọc báo tôi được biết TAND quận 1 đã nhận đơn của gia đình bị cáo. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho LS và bị cáo khi mà tòa án thể hiện thiện chí “tất cả vì công lý, vì cái chung, vì quyền và lợi ích của bị cáo và cả của LS nữa”!

Về phía LS, có lẽ do quá bức xúc trước việc từ chối của tòa án nên đã dùng những lời lẽ có tính chất miệt thị tòa án trên Facebook của mình cũng cần rút kinh nghiệm. Có gì thì cũng nên trao đổi với nhau, thậm chí có thể làm đơn lên tòa án cấp trên để trình bày chứ động tí lại viết trên Facebook những lời lẽ thiếu đi chất tri thức của nghề LS thì không nên chút nào.

Nhưng dù thế nào đi nữa thì sắp tới trong chương “bào chữa” của dự thảo BLTTHS cũng cần ghi nhận hai việc: Bỏ GCN bào chữa và cho phép gia đình bị cáo bị tạm giam được mời LS cho con em mình mà không cần phải hỏi ý kiến của bị cáo. Nếu ra tòa bị cáo từ chối thì HĐXX sẽ tôn trọng ý kiến của bị cáo.

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm