Bình Phước: Án oan kéo dài 12 năm?

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, vụ án của Hoàng Trọng Nghĩa (ngụ huyện Đồng Phú, Bình Phước) là một vụ án mà theo Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước là một điển hình có dấu hiệu bị oan kéo dài. Vụ án này đã kéo dài suốt 12 năm qua chưa kết thúc.

Ba lần tuyên vô tội, ba lần bị kháng nghị

Theo hồ sơ, khoảng 18 giờ 30 ngày 23-9-2002, Nghĩa chạy xe máy đụng phải anh Nghiệp đang đi bộ sát lề đường phải cùng chiều. Anh Nghiệp ngã xuống đường, bị xe máy của Nghĩa kéo đi khoảng 10 m. Xe của Nghĩa còn đụng tiếp anh Lại đang dắt xe đi bộ phía trước làm anh Lại cùng xe của anh ngã (anh Lại không bị thương). Sau tai nạn, anh Nghiệp tử vong, Nghĩa bị chấn thương sọ não.

Nghĩa bị khởi tố, truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tháng 4-2006, TAND tỉnh Bình Phước đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm nhưng hoãn phiên tòa. Sau đó tòa liên tục mở phiên xử rồi hoãn, trả hồ sơ điều tra bổ sung với những lý do: Kết quả khám nghiệm và lời khai các nhân chứng còn nhiều mâu thuẫn. Chưa làm rõ anh Nghiệp bị thương tại vùng chẩm là do tác động vào vật gì. Biên bản khám nghiệm hiện trường không có xe máy của anh Lại là vi phạm nghiêm trọng tố tụng… Sau khi tòa án huyện được tăng thẩm quyền, vụ án được đưa về TAND huyện Đồng Phú giải quyết.

Hoàng Trọng Nghĩa, người 12 năm nay vẫn đang lửng lơ trong vòng tố tụng. Ảnh: PL

Tháng 3-2008, TAND huyện Đồng Phú tiếp tục mở phiên xử tuyên bố bị cáo không phạm tội vì sau nhiều lần trả hồ sơ, VKS huyện không làm rõ được các yêu cầu của tòa. VKS huyện kháng nghị theo hướng bị cáo có tội. Tháng 7-2008, TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm vì vi phạm tố tụng nghiêm trọng (phiên tòa sơ thẩm diễn ra lúc 8 giờ ngày 27-3-2008, kết thúc lúc 14 giờ 30 ngày 28-3-2008 nhưng biên bản nghị án lại ghi lúc 13 giờ ngày 27-3-2008).

Tháng 11-2008, TAND huyện Đồng Phú mở phiên xử thì VKS huyện đề nghị HĐXX tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ các vấn đề mâu thuẫn tại phần tranh luận trước đó. Tháng 8-2010, TAND huyện Đồng Phú xử sơ thẩm lại, tuyên bố Nghĩa không phạm tội. VKS huyện Đồng Phú lại kháng nghị theo hướng bị cáo có tội. Tháng 6-2012, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Tháng 12-2013, TAND huyện Đồng Phú xử sơ thẩm lần ba, tuyên bố Nghĩa không phạm tội. VKS huyện Đồng Phú lại kháng nghị theo hướng bị cáo có tội. Ngày 22-9-2014, TAND tỉnh Bình Phước lại tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Điều đáng nói trong vụ án kéo dài này là hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã rất nhiều lần trả hồ sơ vụ án điều tra lại nhưng những vấn đề quan trọng vẫn chưa được làm rõ như ai đụng vào ai, nguyên nhân dẫn đến tai nạn, điểm đụng... VKS huyện luôn kháng nghị cho rằng tòa sơ thẩm “đánh giá chứng cứ phiến diện, không tôn trọng sự thật khách quan”… nhưng không chứng minh được hành vi phạm tội của Nghĩa.

Sau tai nạn giao thông, Nghĩa đã phải chữa trị chấn thương sọ não và điều trị bắt buộc tại BV Tâm thần Trung ương II (TP Biên Hòa, Đồng Nai). 12 năm Nghĩa vướng vào vòng tố tụng, gia đình Nghĩa cũng tan vỡ (vợ của Nghĩa đã nộp đơn xin ly hôn rồi đưa con về nhà ngoại ở).

Đình chỉ rồi bác khiếu nại đòi bồi thường

Ngoài ra Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước còn nêu lên một số vụ án khác có dấu hiệu oan. Chẳng hạn như một vụ mà Pháp Luật TP.HCM cũng từng phản ánh là vụ các ông Đặng Công Văn, Bùi Văn Quỳnh và bà Phạm Thị Hồng Vân thuộc Ban quản lý chợ Đồng Xoài.

Theo hồ sơ, trong quá trình điều hành, ông Văn, ông Quỳnh, bà Vân bị quy kết đã chi nhiều khoản không liên quan đến hoạt động của Ban quản lý chợ, gây thất thoát tiền phí và lệ phí nên không đủ tiền nộp ngân sách. Sau đó cả ba bàn bạc bỏ tiền của mình ra cho ban quản lý chợ vay để bù vào khoản phí và lệ phí bị thâm hụt trước đó...

Qua thanh tra, tháng 6-2006, UBND thị xã Đồng Xoài đã ra quyết định hành chính kỷ luật buộc thôi việc đối với ba người. Ba năm sau, cơ quan điều tra Công an thị xã Đồng Xoài mới khởi tố ông Văn, ông Quỳnh về hai tội là cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; khởi tố bà Vân về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tháng 7-2011, TAND thị xã Đồng Xoài đã phạt ông Văn bảy năm sáu tháng tù, ông Quỳnh bảy năm ba tháng tù, bà Vân ba năm tù treo về các tội trên. Hai ông kháng cáo kêu oan. Tháng 5-2012, TAND tỉnh Bình Phước đã hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra lại. Chứng cứ kết tội không chắc, tháng 9-2013, cơ quan điều tra Công an thị xã Đồng Xoài đã phải ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Văn và ông Quỳnh về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Hai tháng sau, VKS thị xã Đồng Xoài tiếp tục miễn trách nhiệm hình sự cho họ với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo khoản 2 Điều 25 BLHS (trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự).

Ông Văn và ông Quỳnh không đồng ý với việc miễn trách nhiệm hình sự và khiếu nại đòi bồi thường oan nhưng VKS tỉnh Bình Phước đã bác đơn khiếu nại của họ.

Nhiều vụ tòa và VKS bất đồng quan điểm

Báo cáo với đoàn giám sát của Quốc hội, lãnh đạo TAND tỉnh Bình Phước đã trình bày một số vụ án mà tòa và VKS không thống nhất quan điểm khiến việc giải quyết án bị kéo dài, đến nay vẫn chưa có kết quả:

Vụ Đồng Khắc Luật (ngụ huyện Bù Gia Mập): Tòa sơ thẩm tuyên không phạm tội vì không đủ căn cứ kết tội. VKS kháng nghị hủy án. Cấp phúc thẩm đã thụ lý và chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử.

Vụ Trần Văn Lý (ngụ thị xã Đồng Xoài): Lý bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án xảy ra từ năm 2004, đã qua hai lần xét xử sơ thẩm, hai lần xét xử phúc thẩm. Tòa sơ thẩm xử bị cáo không phạm tội. VKS kháng nghị theo hướng có tội. Tòa phúc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại. Hiện tòa sơ thẩm đang thụ lý, chuẩn bị xét xử lần ba.

“Ngâm” án vì khó kết tội

Bên cạnh đó, vụ án của bà Tiêu Thị Sự (ngụ huyện Bù Đăng) cũng là một điển hình của việc án kéo dài vì khó kết tội.

Bà Sự bị Công an huyện Bù Đăng khởi tố, điều tra về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Bà kêu oan ngay từ lúc bị bắt giam. Dù vậy, ngày 30-5-2007, TAND huyện Bù Đăng vẫn tuyên phạt bà Sự 10 tháng tù. Bà Sự kháng cáo kêu oan. Ngày 12-12-2007, TAND tỉnh Bình Phước nhận định bản án sơ thẩm có vi phạm tố tụng nghiêm trọng nên tuyên hủy phần án liên quan đến bà Sự, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại.

Xử sơ thẩm lần hai, TAND huyện Bù Đăng tiếp tục phạt bà Sự 10 tháng tù. Bà Sự lại kháng cáo kêu oan. Xử phúc thẩm lần hai ngày 9-9-2010, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Đến nay đã qua hơn bốn năm, cơ quan điều tra vẫn chưa có động thái tố tụng nào tiếp theo như ra kết luận điều tra mới hay đình chỉ giải quyết vụ án. Hiện bà Sự vẫn đang phải mang thân phận bị can.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm