Biện pháp xử lý người Trung Quốc nhập cảnh trái phép

Gần đây, nhiều địa phương đã phát hiện có rất nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép qua đường tiểu ngạch và đường biển ở các tỉnh biên giới phía Bắc và phía Nam để vào Việt Nam (VN). Cùng với những diễn biến rất phức tạp của dịch COVID-19 lần này, thông tin về việc nhập cảnh trái phép nêu trên gây thêm nhiều mối lo ngại trong cộng đồng.

Đồng thời với mong muốn các cơ quan công an sẽ nỗ lực ngăn chặn việc người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào VN, người dân còn mong người nhập cảnh trái phép hay người trong nước tiếp sức cho sự trái phép đó phải bị xử lý kịch khung.

Vậy các hành vi sai phạm này sẽ bị nghiêm trị như thế nào?

Nhập cảnh trái phép: Phạt tiền, trục xuất hoặc xử tù

Khoản 5 Điều 17 Nghị định 167/2013 quy định: Người nước ngoài nhập cảnh vào VN mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của VN có thể bị phạt tiền 15-25 triệu đồng. Tùy theo mức độ vi phạm, người nhập cảnh trái phép còn bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi lảnh thổ VN.

Trong trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi nhập cảnh trái phép mà còn tái phạm, cá nhân nước ngoài có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh theo Điều 347 BLHS hiện hành. Hình phạt được áp dụng là phạt tiền 5-50 triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 

Đáng lưu ý là nếu còn có hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác, người nhập cảnh trái phép còn có thể bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 BLHS. Mức hình phạt tối đa cho tội này là 12 năm tù.

Theo đó, từ kết quả xác minh, điều tra, cơ quan chức năng sẽ xác định đúng, sai về lời khai ban đầu của một số người Trung Quốc nhập cảnh trái phép (rằng mục đích nhập cảnh là để tránh dịch COVID-19 và kiếm việc làm tại VN).

Tiếp nữa, mức phạt cụ thể trong trường hợp xử lý hành chính hay xử lý hình sự sẽ tùy thuộc vào việc người vi phạm không có hay có các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ (trách nhiệm hình sự) chứ không phải trường hợp vi phạm nào cũng đều phải lãnh mức cao nhất.

Cũng cần thông tin thêm, tại thời điểm này, cùng với việc xem xét, xử lý hành vi nhập cảnh trái phép, các địa phương đều kịp thời đưa những người nhập cảnh trái phép vào các khu vực cách ly để kiểm soát chặt mọi nguồn lây bệnh, tăng hiệu quả của việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bị lực lượng chức năng phát hiện sáng 27-7. Ảnh: MH

Tổ chức, giúp sức: Phạt nặng hơn nhập cảnh trái phép

So với hành vi nhập cảnh trái phép vào VN, hành vi tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép vào VN bị xử phạt nặng hơn gấp nhiều lần.

Cụ thể, trong việc xử phạt hành chính, theo khoản 6 Điều 17 Nghị định 167/2013, người tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép vào VN có thể bị phạt tiền 30-40 triệu đồng.

Riêng hành vi giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác vào VN, ở lại VN hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép có thể bị phạt tiền 15-25 triệu đồng (điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị định 167/2013). Về trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ vi phạm mà người tổ chức, môi giới đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại VN trái phép theo Điều 348 BLHS.

Chi tiết hơn, nếu phạm tội đối với 5-10 người hay thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù 5-10 năm. Trong trường hợp phạm tội đối với 11 người trở lên hay thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù 7-15 năm.

Căn cứ vào đó, trong hàng chục vụ tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh VN trái phép mà vừa qua công an ở nhiều địa phương (như Nghệ An, Lạng Sơn, Quảng Ninh…) đã khởi tố, hàng chục bị can sẽ bị xem xét, xử lý theo điều luật nêu trên.

Ngoài ra, tương tự như người nhập cảnh trái phép, nếu có hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người thì người tổ chức, đưa dẫn, môi giới nhập cảnh trái phép… còn có thể bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 BLHS.

Dẫn độ người Trung Quốc có hành vi phạm tội

Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội (hoặc người bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật) đang có mặt trên lãnh thổ của nước mình, để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự (hoặc thi hành hình phạt đối với người đó).

Từ việc cơ quan công an VN đã thực hiện việc giao cho Trung Quốc 380 người của nước này có liên quan đến đường dây tổ chức đánh bạc quy mô lớn tại Hải Phòng, nhiều người thắc mắc việc dẫn độ có được thực hiện đối với những người nhập cảnh trái phép trong đợt dịch này hay không.

Theo nguyên tắc pháp lý, việc dẫn độ người có hành vi phạm tội (hoặc đã bị kết tội) cho quốc gia khác được tiến hành dựa theo Luật Tương trợ tư pháp, BLTTHS, các điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp, các điều ước đa phương về chống các loại tội phạm quốc tế…

Như vậy, trong việc chuyển giao cho Trung Quốc những người Trung Quốc có hành vi phạm tội tại VN ở đợt dịch COVID-19 (nếu có), các cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền được quy định tại các hiệp định, hiệp ước có liên quan mà hai nước đã ký kết và đã có hiệu lực pháp luật. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm