Bị xử oan 7 năm tù vì hình sự hóa

Đó là trường hợp của Nguyễn Thị Tú Anh ở huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Tú Anh vừa nhận được quyết định đình chỉ điều tra bị can của CQĐT Công an huyện Đức Phổ cách nay một tháng, sau gần bốn năm bị khởi tố.

Tranh chấp nợ nần, bia bọt

Theo hồ sơ, Tú Anh có quan hệ mua bán bia với Nguyễn Thị Loan và Lê Thị Kim Trang. Hai người này chuyển tiền để Tú Anh mua bia rồi giao lại cho họ. Từ ngày 2-3-2011 đến ngày 8-4-2011, Loan chuyển tiền vào tài khoản của Tú Anh ở ngân hàng 11 lần với tổng số tiền hơn 1,8 tỉ đồng. Nếu chiếu theo thỏa thuận thì Tú Anh phải chuyển cho Loan 10.580 thùng bia 333 và 250 két bia Sài Gòn. Phía Loan cho rằng Tú Anh chỉ mới chuyển cho mình 9.980 thùng bia 333 và 219 két bia Sài Gòn, quy đổi ra tiền thì Tú Anh còn nợ Loan hơn 104 triệu đồng. Loan đã nhiều lần yêu cầu Tú Anh giao đủ số bia còn lại nhưng không được.

Cơ quan tố tụng cho rằng Tú Anh nói dối là đã chuyển giao đủ bia cho Loan trong bốn chuyến (từ ngày 3 đến 10-3-2011) tổng cộng 10.500 thùng. Sau ngày 10-3-2011, Tú Anh có chuyển cho Loan 2.400 thùng bia 333 và 219 két bia Sài Gòn nhưng nói dối là không chuyển vì trước đó đã chuyển đủ. Tú Anh tự đưa ra giá bia bán cho Loan cao hơn so với giá thỏa thuận, mục đích để tính số lượng bia đã giao cho Loan tương ứng với số tiền Loan đã chuyển là hơn 1,8 tỉ đồng…

Đối với Trang, quá trình giao dịch buôn bán đến ngày 26-4-2011, Tú Anh có ký vào bản thỏa thuận là đang nợ 2.350 két vỏ bia Sài Gòn và 18,3 triệu đồng. Sau đó, Tú Anh trả 1.167 két vỏ bia và còn nợ Trang 1.183 két vỏ bia và 18,3 triệu đồng. Cơ quan tố tụng cho rằng Trang đã nhiều lần yêu cầu Tú Anh trả nợ nhưng Tú Anh không trả mà dùng thủ đoạn gian dối như không thừa nhận việc nợ két vỏ bia và cho rằng Trang còn nợ Tú Anh. Ngoài ra, Tú Anh không thừa nhận việc vay nợ số tiền 18,3 triệu đồng.

Theo cáo trạng của VKSND huyện Đức Phổ thì Tú Anh đã chiếm đoạt của Loan 104 triệu đồng, của Trang 118,8 triệu đồng.

Chị Tú Anh và quyết định đình chỉ điều tra bị can của Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Ảnh: TT

Bị khởi tố và bị xử bảy năm tù

Ngày 15-4-2012, CQĐT Công an huyện Đức Phổ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Tú Anh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Năm ngày sau, Tú Anh bị bắt tạm giam, đến ngày 16-10-2012 thì được cho tại ngoại. Một ngày sau đó, CQĐT thay đổi tội danh, chuyển sang khởi tố tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ngày 6-12-2013, Tú Anh lại bị bắt tạm giam. Đến ngày 24 và 25-12-2013, TAND huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) xử sơ thẩm lần một đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Năm ngày sau đó, Tú Anh lại được cho tại ngoại.

Xử sơ thẩm lần hai vào tháng 5-2014, TAND huyện Đức Phổ đã tuyên phạt Tú Anh bảy năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tú Anh kháng cáo kêu oan và cho rằng mình không còn nợ bia Loan và cũng không có hành vi gian dối đối với Trang. Hai bên vẫn còn quan hệ mua bán và hiện Trang vẫn còn nợ Tú Anh 1.900 két vỏ bia. Đây là quan hệ dân sự bình thường giữa hai người.

Chỉ là quan hệ thương mại

Tại phiên tòa phúc thẩm vào tháng 9-2014, đại diện VKSND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng việc mua bán bia giữa bị cáo và các bị hại chỉ là quan hệ thương mại. Thực tế các bên có mua bán bia với nhau nhưng xảy ra tranh chấp vì không thống nhất về số lượng bia giao nhận và giá bia. Đồng thời, hồ sơ vụ án thể hiện căn cứ xác định số lượng bia giao nhận và giá bia là chưa rõ ràng. Từ đó, viện đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo.

Cuối cùng, TAND tỉnh Quảng Ngãi nhận định giữa Loan và Tú Anh có giao dịch mua bán bia thông qua điện thoại và khi xuất nhập bia thì hai bên đều không ký nhận gì. Nhưng CQĐT chưa cho hai người này đối chiếu sổ sách, chứng từ đã kê khai, chỉ dựa vào lời khai của Loan rồi kết luận Tú Anh gian dối trong việc chuyển bia cho Loan để chiếm đoạt tiền của người này là thiếu căn cứ.

Về giá bia, tòa cho rằng giữa Tú Anh và Loan khai về giá bia đã thỏa thuận là không trùng khớp nhau. Hai bên giao dịch, thỏa thuận mua bán bia thông qua điện thoại, không có một căn cứ cụ thể nào về giá bia. Cấp sơ thẩm chỉ dựa vào lời khai của Loan để kết luận Tú Anh gian dối trong việc tính giá bia cao lên so với giá thỏa thuận để chiếm đoạt số tiền chênh lệch là thiếu căn cứ. Cả Trang và Tú Anh đều thừa nhận sau khi ký thỏa thuận nợ thì Tú Anh vẫn đang thực hiện việc trả nợ và hai bên vẫn còn quan hệ mua bán bia bình thường.

Tòa phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm điều tra không đầy đủ, chưa thu thập chứng cứ chứng minh, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Từ đó, tòa tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Cơ quan tố tụng thừa nhận đã làm oan

Sau nhiều lần gia hạn điều tra, ngày 20-11-2015, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Phổ ra bản kết luận điều tra tiếp tục đề nghị truy tố Tú Anh về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, VKSND huyện Đức Phổ cho rằng qua nghiên cứu hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra xét thấy hồ sơ chưa đảm bảo về chứng cứ nên ngày 4-1-2016 viện đã trả hồ sơ cho CQĐT.

Đến ngày 7-3, CQĐT Công an huyện Đức Phổ ra quyết định đình chỉ điều tra bị can với lý do “không đủ căn cứ xử lý tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Quyết định đình chỉ viện dẫn căn cứ điểm b khoản 2 Điều 164 BLTTHS, tức đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm. Điều này đồng nghĩa với việc CQĐT thừa nhận Tú Anh bị khởi tố, truy tố và xét xử oan.

Cùng với việc đình chỉ, CQĐT còn hủy bỏ biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Tú Anh.

“Tổng cộng tôi đã bị bắt giam sáu tháng 24 ngày và bị cấm đi khỏi nơi cư trú 1.214 ngày. Điều này đã khiến công việc làm ăn của tôi bị ngưng trệ, kinh tế gia đình kiệt quệ” - Tú Anh nói. Chị cho biết sẽ làm đơn yêu cầu TAND huyện Đức Phổ xin lỗi công khai và bồi thường oan.

Từng hành động nông nổi vì phẫn uất

Chia sẻ về những ngày tù tội, Nguyễn Thị Tú Anh nói: “Khi bị bắt tạm giam, tôi và gia đình đã gửi đơn kêu oan khắp nơi nhưng không được giải quyết. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến cái chết mới giải hết nỗi oan này”.

Tháng 12-2013, khi bị bắt tạm giam lần hai, Tú Anh đã dùng vật sắc nhọn cứa vào hai cổ tay để tự tử trong trại tạm giam Công an huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. May mà cán bộ trại tạm giam kịp thời phát hiện, đưa chị đi bệnh viện cấp cứu.

“Khi được tại ngoại, họ (CQĐT) vẫn chưa chịu buông tha cho tôi. Họ vẫn tiếp tục cấm tôi đi khỏi nơi cư trú. Mọi công việc làm ăn gần như đổ vỡ từ ngày tôi bị bắt giam. Gần bốn năm mang thân phận bị can, xóm giềng sẽ nhìn tôi ra sao?” - chị nói.

Ngay từ đầu, Tú Anh đã khẳng định mình không hề gian dối để chiếm đoạt tiền của khách hàng nhưng bản kết luận điều tra bổ sung lần cuối (vào tháng 11-2015) vẫn kiên quyết đề nghị truy tố chị. “Tôi đã thực sự mong chờ vào lương tâm, trách nhiệm của các cơ quan tố tụng huyện Đức Phổ để họ nhận ra những sai sót trong điều tra, truy tố và xét xử oan cho tôi. Nhưng họ vẫn kéo dài vụ việc cho đến tận hôm nay”.

Tú Anh kể vào ngày 10-3, CQĐT đến lập biên bản bàn giao quyết định đình chỉ. “Tôi đã nêu rõ ý kiến của mình trong biên bản rằng yêu cầu cơ quan chức năng phải làm rõ và xử lý trách nhiệm các cá nhân đã gây ra oan sai cho tôi theo quy định pháp luật. Đồng thời, cơ quan làm oan phải công khai xin lỗi tôi tại nơi cư trú và bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần cho tôi” - Tú Anh kể.

__________________________________

Tôi đang đi công tác và hiện tôi vẫn chưa nhận được đơn thư yêu cầu bồi thường oan sai nào cả. Phải xem họ có yêu cầu như thế nào thì mới giải quyết được. Khi họ có yêu cầu thì lúc đó mới xem xét.

Ông HUỲNH NGỌC KHÁNG, Chánh án TAND huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm