Bị lừa, công chứng viên kiện khách hàng ra tòa

Mới đây, TAND huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã xử sơ thẩm vụ công chứng viên LDV, Văn phòng công chứng (VPCC) H., yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

Khai tử cha chồng,  “quên” cháu nội

Theo đơn khởi kiện, ông V. trình bày: Ngày 21-4-2017, VPCC H. tiếp nhận hồ sơ phân chia di sản thừa kế của bà LTB đối với người để lại di sản là chồng bà B. Trong hồ sơ đề nghị phân chia di sản mà bà B. cung cấp cho VPCC có bản khai quan hệ nhân thân của bà B. đã được trưởng thôn và chủ tịch UBND xã ký xác nhận. Theo bản khai này, chồng bà B. chết để lại di sản thừa kế cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất chỉ có bà B. và một người con gái, còn cha mẹ ruột của chồng bà B. đều đã chết.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ về phân chia di sản của bà B., VPCC đã làm đúng, đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật. Ngày 11-5-2017, VPCC đã chứng nhận văn bản phân chia di sản đối với bà B.

Tuy nhiên, đến ngày 25-12-2017, UBND xã đã có công văn gửi VPCC với nội dung: Bản khai quan hệ nhân thân của bà B. là không đúng sự thật bởi theo nội dung của bản khai thì cha ruột của chồng bà B. đã chết nhưng thực tế cụ vẫn còn sống. Mặt khác, vợ chồng bà B. có một người con trai đã chết. Anh này đã có vợ và một người con sinh năm 2012.

Như vậy, bản khai trên đã không khai hai người được thừa kế di sản của chồng bà B. là cha ruột và người thừa kế thế vị của con trai vợ chồng bà B. Điều này cũng có nghĩa văn bản phân chia di sản thừa kế mà VPCC lập ngày 11-5-2017 đã bỏ sót hai người này.

Phát hiện ra sai sót, VPCC H. đã cùng UBND xã chủ động gặp gỡ, trao đổi, giải thích, yêu cầu bà B. cùng những người liên quan đến làm thủ tục hủy bỏ văn bản phân chia di sản thừa kế nói trên. Tuy nhiên, họ không hợp tác nên việc hủy bỏ không được thực hiện. Vì vậy, công chứng viên phải khởi kiện yêu cầu tòa tuyên văn bản phân chia di sản thừa kế do VPCC H. đã công chứng vô hiệu.

Tòa: Văn bản công chứng vô hiệu

Làm việc với tòa, bà B. trình bày vợ chồng bà sinh được hai trai, một gái. Hai người con trai đã chết, chỉ còn lại người con gái. Trước đây, tất cả giấy tờ về phân chia di sản đều do cán bộ địa chính xã làm, người này bảo bà và con gái đến VPCC H. ký tên, điểm chỉ. Bà cho rằng ai làm hợp đồng thì người đó hủy và đề nghị làm sáng tỏ mọi việc, ai sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo HĐXX, lỗi chính trong sai sót để lọt hai người thừa kế thuộc về UBND xã đã không kiểm tra trước khi ký xác nhận vào bản khai quan hệ nhân thân - căn cứ quan trọng nhất để xác định những người nằm trong diện thừa kế được hưởng di sản thừa kế.

Bên cạnh đó, VPCC H. cũng có lỗi trong việc kiểm tra tính pháp lý của các tài liệu có trong hồ sơ mà bà B. cung cấp. Do tin tưởng vào các tài liệu có trong hồ sơ vì thấy đã có đầy đủ chữ ký và con dấu của trưởng thôn và chủ tịch UBND xã nên đã tiếp nhận hồ sơ và làm các thủ tục còn lại để lập văn bản phân chia di sản thừa kế cho bà B.

Sau khi phát hiện sai sót, UBND xã đã có công văn gửi VPCC H. đề nghị hủy văn bản phân chia di sản của bà B. VPCC H. đã cùng với UBND xã chủ động gặp gỡ, trao đổi, giải thích và yêu cầu bà B cùng những người có liên quan đến làm thủ tục hủy bỏ văn bản phân chia di sản thừa kế. Bà B. và những người liên quan không hợp tác nên việc công chứng viên khởi kiện yêu cầu tòa tuyên văn bản phân chia di sản thừa kế vô hiệu do bà B. khai sót hai người thừa kế là phù hợp với quy định của pháp luật.

Về việc bà B. cho rằng bị cán bộ địa chính xã lừa, theo trình bày của cán bộ địa chính xã thì người này hoàn toàn không biết việc mẹ con bà B. đến VPCC H. để thực hiện văn bản phân chia di sản thừa kế. Hơn nữa, các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đều thể hiện việc mẹ con bà B. đến VPCC H. công chứng văn bản phân chia di sản thừa kế không liên quan gì đến cán bộ địa chính xã.

Từ những phân tích trên, HĐXX kết luận có đầy đủ căn cứ để chấp nhận đơn khởi kiện của công chứng viên và tuyên bố văn bản phân chia di sản thừa kế vô hiệu.

Quyền yêu cầu tòa tuyên bố vô hiệu

Theo Điều 52 Luật Công chứng 2014, công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật.

Theo khoản 6 Điều 27 BLTTDS 2015, tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm