KỶ NIỆM 35 NĂM NGÀY THÀNH LẬP SỞ TƯ PHÁP TP.HCM (27/3/1982 - 27/3/2017)

Bị làm khó về thủ tục hành chính, cứ báo Sở Tư pháp

Ông LGP (ngụ TP.HCM) gửi email đến phòng Kiểm soát thủ tục hành chính của Sở Tư pháp TP.HCM phản ánh việc công an một quận chậm cấp thẻ căn cước cho ông trong khi ông đã nộp hồ sơ đầy đủ.

Giúp dân nhanh chóng được làm thủ tục

Nhận được phản ánh của ông P., Sở Tư pháp TP lập tức gửi công văn đến trưởng công an quận này đề nghị giải quyết theo thẩm quyền. Ngay sau đó, ông P. đã được cán bộ tiếp nhận hồ sơ gọi điện thoại thông báo ông đến nhận thẻ căn cước.

Tương tự, ông THP (ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM, phản ánh việc ông nộp hồ sơ đề nghị cấp số nhà. UBND xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) cấp biên nhận hẹn trả kết quả cho ông sau một tháng nhưng đến ngày hẹn ông vẫn chưa được nhận kết quả.

Để làm rõ phản ánh của ông P., Sở Tư pháp TP đã yêu cầu UBND xã Vĩnh Lộc B cho biết lý do chưa có kết quả hồ sơ (lỗi do phía cơ quan nhà nước hay người dân), hướng xử lý (tiến độ giải quyết), biện pháp khắc phục (nếu có), thực hiện thư xin lỗi và xử lý cán bộ sai phạm.

Sau đó, UBND xã Vĩnh Lộc B trả lời rằng việc cấp số nhà thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện. Tuy nhiên, UBND xã có chậm trễ trong việc tham mưu chuyển hồ sơ đến Phòng Quản lý đô thị huyện để giải quyết cho người dân. Nguyên nhân chậm trễ do số lượng hồ sơ nhiều, cơ quan di dời trụ sở và hồ sơ này rơi vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ủy ban xã sẽ liên hệ huyện kiến nghị giải quyết hồ sơ này sớm nhất. Đồng thời, ủy ban xã cũng nhận thiếu sót trong việc chậm trễ giải quyết hồ sơ, thực hiện thư xin lỗi người dân, nhắc nhở, kiểm điểm xử lý cán bộ theo quy định…

Hiện nay, người dân phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính (TTHC) có thể liên hệ phòng Kiểm soát TTHC Sở Tư pháp TP.HCM, 141-143 Pasteur, phường 6, quận 3. Điện thoại: (08) 38.230.436. Fax: (08) 38.243.155. Email: thutuchanhchinh.stp@tphcm.gov.vn. Người dân có thể phản ánh qua bốn kênh: Trực tiếp, đơn thư, điện thoại, email. Theo báo cáo của Sở Tư pháp TP, quý I-2017, Sở đã tiếp nhận 23 phản ánh, kiến nghị. Cụ thể, có bốn trường hợp qua điện thoại (17,3%), 10 trường hợp qua email (tỉ lệ 43,4%), chín trường hợp tiếp nhận qua văn bản (39,3%)…

Người dân đang làm thủ tục hành chính tại Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: KP

Cải cách TTHC, lợi đôi đường

Một trong những thành tựu nổi bật của ngành tư pháp TP.HCM trong năm 2016 là Sở Tư pháp TP đã phối hợp với các sở, ban ngành thống kê, rà soát gần 1.500 TTHC về các lĩnh vực liên quan khai sinh, khai tử, kết hôn, hộ khẩu, giấy tờ nhà đất, CMND… để xây dựng dự thảo trình UBND TP.HCM công bố các TTHC này. Tính đến nay số TTHC được chuẩn hóa là 1.167 thủ tục.

Thông thường, để làm được hồ sơ TTHC, người dân phải tìm đọc rất nhiều văn bản liên quan. Ví dụ làm thủ tục về hộ khẩu thì phải tìm hiểu Luật Cư trú, nghị định, thông tư hướng dẫn luật này… Ngoài ra, người dân phải tìm hiểu thêm Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng…, mất nhiều thời gian và công sức, chi phí đi lại. Tuy nhiên, với bộ cẩm nang TTHC đã công bố, người dân chỉ cần đọc cẩm nang là làm được ngay hồ sơ cho mình mà không cần mất công sức, thời gian tìm hiểu nhiều văn bản pháp luật như trước.

Bộ TTHC được chuẩn hóa và công bố có thể được xem là bản gộp của tất cả văn bản quy định pháp luật liên quan về cùng một lĩnh vực. Việc chuẩn hóa TTHC vừa có lợi cho người dân vừa giúp cán bộ hành chính yên tâm hơn. Bởi lẽ chỉ cần căn cứ vào bộ chuẩn hóa này thì cả người dân và cán bộ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính đều dễ dàng thực hiện một cách thống nhất về các quy định liên quan đến thủ tục như hồ sơ gồm giấy tờ gì, điều kiện, đối tượng, thời gian giải quyết bao lâu, nộp hồ sơ ở đâu, phí, lệ phí ra sao…

Từ đo người dân có thể giám sát được việc thực hiện quá trình giải quyết hồ sơ TTHC của cán bộ, công chức có đúng quy định hay không. Ngược lại, cán bộ, công chức cũng căn cứ vào bộ TTHC này để làm cơ sở tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính đúng pháp luật, hạn định.

Phải kéo giảm hồ sơ trễ hạn

Mục tiêu của cải cách TTHC liên quan đến cá nhân, tổ chức là ngày càng phải đơn giản, gọn nhẹ, hiệu quả, tránh việc đi lại, bổ sung hồ sơ nhiều lần nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước. Để thực hiện việc này thì cơ quan thực hiện TTHC phải chú trọng công tác tổ chức tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả cho người dân.

Mỗi cơ quan, đơn vị giải quyết TTHC phải có cơ chế kiểm soát việc thực hiện TTHC, phải có những giải pháp hiệu quả nhằm kéo giảm tỉ lệ hồ sơ trễ hạn, đồng thời phải xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức để xảy ra tình trạng hồ sơ TTHC trễ hạn kéo dài mà không có lý do chính đáng.

Ông HUỲNH VĂN HẠNH, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM

Tạo thuận lợi cho dân

Nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách hành chính năm 2017 của Sở Tư pháp TP.HCM là hiện đại hóa trong hoạt động hành chính, tiếp tục giảm tỉ lệ hồ sơ hành chính trễ hạn thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở, tăng tỉ lệ hài lòng của cá nhân, tổ chức khi đến thực hiện TTHC tại Sở Tư pháp.

Trong năm 2016, Sở Tư pháp TP đã tiếp nhận, giải quyết 562.846 hồ sơ vụ việc gồm lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi, đấu giá, công chứng... Sở đã thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bằng các giải pháp như đăng ký thực hiện TTHC qua tổng đài 1080 (hẹn giờ, ngày làm hồ sơ), dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 (người dân có thể làm hồ sơ trực tuyến trên mạng điện tử) đối với thủ tục lý lịch…, kéo giảm tỉ lệ hồ sơ trễ hạn chỉ còn 1%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm