Bị kiện, chủ tịch UBND chỉ được ủy quyền cho cấp phó

Theo Luật Tố tụng hành chính (TTHC) 2010 thì người bị kiện có thể ủy quyền cho người đại diện tham gia giải quyết vụ án hành chính; người đại diện không được ủy quyền lại cho người thứ ba...

Quy định này trên thực tế đã nảy sinh bất cập: Người bị kiện ủy quyền cho cán bộ, công chức không nắm vụ việc hoặc không có thẩm quyền xem xét, giải quyết những việc liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện, thậm chí còn ủy quyền cho luật sư tham gia tố tụng. Từ đó, việc tổ chức đối thoại giữa các đương sự, việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tranh luận tại phiên tòa gặp khó khăn, không hiệu quả. Cấp dưới tham gia tố tụng theo ủy quyền chỉ biết đến tòa ghi nhận rồi về... báo cáo xin ý kiến chứ không dám tự quyết, dẫn đến việc giải quyết vụ án của tòa bị kéo dài.

Để khắc phục, Luật TTHC 2015 (có hiệu lực từ 1-7-2016) đã quy định cụ thể hơn: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện...” (khoản 3 Điều 60).

Tuy nhiên, sau khi Luật TTHC 2015 có hiệu lực, nhiều trường hợp ủy quyền tham gia tố tụng của chủ tịch UBND các cấp vẫn chưa thực hiện đúng quy định mới nói trên. Có vụ chủ tịch UBND vẫn ủy quyền cho cán bộ tham mưu không có thẩm quyền đại diện. Có vụ chủ tịch UBND không ủy quyền cho ai tham gia tố tụng mà gửi công văn đề nghị tòa xử vắng mặt. Có vụ chủ tịch UBND ủy quyền cho phó chủ tịch UBND nhưng cấp phó cũng có đơn đề nghị tòa xử vắng mặt...

Với nhiều lý do khác nhau, một số UBND đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) hướng dẫn thực hiện quy định của Điều 60 Luật TTHC 2015 theo hướng cho phép chủ tịch UBND cấp tỉnh được ủy quyền cho thành viên UBND cùng cấp hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND tham gia TTHC.

Các đề nghị nói trên đã không được UBTVQH chấp nhận. Theo Công văn số 18/2016 do Phó Chủ tịch UBTVQH Uông Chu Lưu ký, kể từ ngày Luật TTHC 2015 có hiệu lực thì việc cử người đại diện trong TTHC trước tòa án phải được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 60 của luật này.

UBTVQH cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành nghiên cứu và tổ chức thực hiện thống nhất. Theo đó, khi tham gia TTHC, UBND thực hiện quyền, nghĩa vụ của đương sự quy định tại Điều 55 và Điều 56 Luật TTHC 2015. UBND có quyền tự bảo vệ, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình (khoản 13 Điều 55). Khi nhờ luật sư thì luật sư là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của UBND theo quy định tại Điều 61 Luật TTHC 2015 chứ không phải là người đại diện theo ủy quyền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm