Bị cáo đòi thay kiểm sát viên vì cho rằng nói giọng khó nghe

Sáng 13-6, TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về cho vay, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Tây Đô (VCB Tây Đô), gây thiệt hại cho VCB Tây Đô hơn 1.800 tỉ.

Các bị cáo tại toà ngày 13-6.

Chủ tọa phiên toà thông báo, do VKS giữ nguyên cáo trạng, mà cáo trạng đã tống đạt cho các bị cáo, luật sư, bị hại. Phiên toà lần trước (tháng 2-2019) đã công bố cáo trạng rồi nên hôm nay không công bố cáo trạng lại nữa, chỉ công bố một số nội dung về kết quả điều tra bổ sung.

Đặc biệt có ba KSV tham gia phiên toà thì bị cáo Võ Vũ Bình yêu cầu thay đổi KSV Đặng Quốc Việt vì lý do ông Việt có giọng nói và âm giọng rất khó nghe. Ngoài ra KSV này không trực tiếp giải quyết đơn khiếu nại của bị cáo; tham gia điều tra không đầy đủ... Luật sư của Vũ Bình không có ý kiến. Trong khi ông Việt cho rằng đề nghị của bị cáo Bình không có căn cứ. 

Sau khi hội ý, toà cho rằng KSV nói tiếng Việt, giọng địa phương nhưng không ảnh hưởng đến quá trình điều tra, xét xử. Đến nay chưa có văn bản ràng buộc KSV tham gia điều tra bao nhiêu lần. Kết quả tham gia điều tra được thể hiện trong cáo trạng... Bị cáo Bình không nêu ra được căn cứ là KSV không vô tư khách quan nên không chấp nhận yêu cầu của bị cáo. 

Trước đó, đưa vụ án này ra xét xử vào tháng 2-2019, TAND TP Cần Thơ đã trả hồ sơ điều tra bổ sung. Lý do tại phiên tòa, nhóm doanh nghiệp của bị cáo Trịnh Minh Tú đã xuất trình hồ sơ thể hiện các tài sản thế chấp có giá trị cao hơn khoản nợ vay ngân hàng. Đây là tình tiết mới phát sinh tại tòa cần được làm rõ. Bên cạnh đó, đối với nhóm người chủ trương thành lập các nhóm doanh nghiệp để giấu nợ và đáo nợ, tòa cho rằng cần phải xác định vai trò cụ thể từng người, ai chủ mưu, cán bộ ngân hàng có can thiệp vào việc này hay không…

Sau đó, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra kết luận điều tra bổ sung về các vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, nội dung kết luận bổ sung không làm thay đổi nội dung cáo trạng đã truy tố các bị can nên VKS vẫn giữ nguyên bản cáo trạng ngày 29-11-2018.

HĐXX TAND TP Cần Thơ xét xử vụ án xảy ra tại VCB Tây Đô ngày 13-6.

Theo cáo trạng, VCB Tây Đô có Giám đốc là Nguyễn Minh Chuyển. Chuyển đồng thời là Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tín dụng cơ sở (HĐTDCS) của VCB Tây Đô. Trần Anh Huy là Trưởng phòng Khách hàng, thành viên HĐTDCS của VCB Tây Đô. Nguyễn Hữu Nghĩa là cán bộ VCB Tây Đô

Cáo trạng cáo buộc, từ năm 2010 đến tháng 12-2014, Chuyển, Huy, Nghĩa và một số cán bộ VCB Tây Đô đã có hành vi vi phạm trong việc lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt, giải ngân, kiểm tra giám sát vốn vay, điều kiện đảm bảo tín dụng, vi phạm về Quy chế cho vay đối với khách hàng, không tuân thủ đúng Quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước.

Qua đó, các bị cáo đã ký và thực hiện 56 hợp đồng tín dụng cho 41 doanh nghiệp thuộc sáu nhóm khách hàng (Nam Sông Hậu, Du lịch, Đại Dương, Cơ khí Tây Đô, An Đô, Thép Đông Dương, Trường Nguyên) với tổng số tiền giải ngân gần 2.500 tỉ. Đến nay không có khả năng thu hồi, gây thiệt hại cho VCB Tây Đô hơn 1.800 tỉ. Ba bị cáo này bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo khoản 3, Điều 179 BLHS năm 1999.

Đồng thời, thông qua những hành vi trên, các bị cáo đã để cho các bị can Nguyễn Hùng Cường (em ruột Chuyển), Nguyễn Công Trừng (em ruột Chuyển), Cao Hoàng Thám, Vưu Minh Tuấn, Trần Văn Anh Duy, Võ Vũ Bình, Võ Hoàng Thám, Trang Hồng Sơn, Trịnh Minh Tú, Nguyễn Thanh Hùng là chủ các nhóm doanh nghiệp trên lừa đảo chiếm đoạt của VCB Tây Đô hơn 1.000 tỉ.

Cáo trạng quy kết, Nguyễn Minh Chuyển là người tổ chức, chỉ đạo và thực hiện hành vi vi phạm quy định về hoạt động cho vay, gây thiệt hại hơn 1.800 tỉ cho VCB Tây Đô, phải chịu trách nhiệm chính. Cùng gây thiệt hại số tiền này có Trần Anh Huy. Nguyễn Hữu Nghĩa gây thiệt hại hơn 405 tỉ.

Các bị cáo Nguyễn Hùng Cường chiếm đoạt hơn 243 tỉ, Nguyễn Công Trừng chiếm đoạt hơn 43 tỉ, Nguyễn Thanh Hùng chiếm đoạt hơn 395 tỉ, Võ Vũ Bình chiếm đoạt hơn 100 tỉ, Cao Hoàng Thám giúp sức để Vưu Minh Tuấn chiếm đoạt hơn 291 tỉ. Võ Hoàng Thám chiếm đoạt hơn 14,7 tỉ. Trịnh Minh Tú chiếm đoạt hơn 20 tỉ. Trang Hồng Sơn giúp sức Võ Vũ Bình chiếm đoạt hơn 56,6 tỉ.

Vưu Minh Tuấn hiện đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, khi nào bắt được sẽ xử lý sau. Trần Văn Anh Duy giúp sức cho Vưu Minh Tuấn nên cũng được tạm đình chỉ bị can. Khi nào bắt được Vưu Minh Tuấn thì sẽ xử lý chung Tuấn và Duy trong cùng vụ án.

Tám bị cáo Cường, Trừng, Bình, Tú, Sơn, Hùng, Võ Hoàng Thám, Cao Hoàng Thám cùng bị truy tố theo điểm a, khoản 4, Điều 139 BLHS năm 1999.

Phiên tòa đang diễn ra, PLO sẽ cập nhật thông tin trong các bản tin tiếp theo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm