Bị can tại ngoại có được đi học?

Ông Lê Văn Mỹ (ngụ TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cho biết ông vừa đến Trường THPT Lý Văn Lâm ở TP Cà Mau để xin cho con là Lê Minh Nhựt được quay lại trường, nhập học lớp 10 trong năm học mới 2016 này. Em Nhựt là bị can trong vụ án “Chiếc áo đỏ oan nghiệt” có dấu hiệu oan mà báo Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần đăng tải. Vụ án này hiện đang ở giai đoạn điều tra bổ sung (lần 3), sau khi TAND huyện Cái Nước, Cà Mau trả hồ sơ.

Với hy vọng được trường nhận lại, em Lê Minh Nhựt đang cố gắng ôn bài để lấy lại kiến thức. Ảnh: PL

Chưa nhận vì vướng Thông tư 11/2014

Tuy nhiên, theo ông Mỹ, nhà trường đã từ chối nhận em Nhựt vào học với lý do vướng Thông tư 11/2014 của Bộ GD&ĐT. Nhà trường hướng dẫn ông liên hệ Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau để tìm hướng giải quyết, nếu Sở đồng ý thì trường sẽ nhận. Theo lý giải của nhà trường, Nhựt cần có giấy xác nhận không đang trong thời gian vi phạm pháp luật thì mới nhập học được.

Ông Mỹ đã đến Sở để xin cho con được nhập học cho kịp bạn bè thì được hẹn lại sau vì lãnh đạo bận họp…

Chúng tôi đã tìm hiểu về quy chế tuyển sinh THPT ban hành kèm Thông tư 11/2014 của Bộ GD&ĐT. Theo đó, khoản 5 Điều 6 quy chế này quy định hồ sơ tuyển sinh trung học phải có giấy xác nhận không trong thời gian thi hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ hoặc vi phạm pháp luật (đối với người tốt nghiệp THCS từ những năm học trước).

Một tiền lệ từng được dư luận đồng tình

Còn nhớ trước đây ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) từng có một trường hợp na ná em Nhựt. Đó là trường hợp em Đỗ Quang Thiện, được Trường THPT Buôn Ma Thuột nhận vào học khi em đã có án phạt tù nhưng được tạm đình chỉ thi hành. Nhờ vậy, em Thiện đã kịp thi tốt nghiệp THPT cùng bạn bè mà không bị “lỡ nhịp” hành trình đi học của mình. Thiện hiện là sinh viên đại học ở TP.HCM.

Việc giải quyết của Trường THPT Buôn Ma Thuột đã nhận được sự đồng tình của dư luận và cả Bộ GD&ĐT.

Nói về trường hợp em Nhựt ở Cà Mau, ông Phan Văn Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Buôn Ma Thuột, cho rằng: “Theo tôi, cần tạo điều kiện cho em học sinh này có cơ hội trở về với môi trường học tập, gần gũi với cuộc sống. Các quyền công dân cơ bản như quyền học tập cần được bảo vệ. Nếu trường hợp này xin vào trường tôi, tôi sẽ nhận”.

Luật sư Hoàng Cao Sang, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Điều 31, 39 Hiến pháp 2013 quy định công dân có quyền và nghĩa vụ học tập. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. “Hiện nay, chưa cơ quan có thẩm quyền nào kết luận em Nhựt đã vi phạm pháp luật, cũng như tòa chưa kết án nên em Nhựt không bị mất quyền được học tập. Tôi nghĩ nhà trường nên nhận em vào học lại, kẻo việc học của em bị dang dở” - LS Sang bày tỏ.

HỌ ĐÃ NÓI

Nên tạo điều kiện cho Nhựt học lại

Quyền đi học là quyền của công dân. Nhựt chỉ bị hạn chế quyền đi lại chứ không bị tước quyền đi học. Nhựt cũng chưa bị kết luận là có tội hay có hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, tôi cho rằng nhà trường nên tạo điều kiện cho Nhựt nhập học.

Thẩm phán HÀ THANH KHIẾT, TAND TP Cà Mau, chủ tọa phiên tòa xử vụ án mà Nhựt là bị can

Dấu hiệu oan trong “vụ cướp siêu tốc”

Nhựt là một trong ba bị can trong vụ án “Chiếc áo đỏ oan nghiệt” mà Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh. Các bị cáo liên tục kêu oan từ đầu.

Theo hồ sơ, 22 giờ ngày 2-6-2015, một người đàn ông đi xe máy qua cầu Lương Thế Trân (xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, Cà Mau) thì bị ba thanh niên lạ mặt cúp đầu xe đánh tới tấp. Một thanh niên mặc áo đỏ đã dùng vật nhọn đâm vào vai nạn nhân và cướp chiếc điện thoại trị giá 3,7 triệu đồng rồi tẩu thoát.

Khoảng 23 giờ cùng ngày, nạn nhân chạy ngang một quán nhậu ở xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau, cách hiện trường vụ cướp 3 km) thì thấy một thanh niên mặc áo thun màu đỏ đang ngồi nhậu cùng hai thanh niên khác nên nghi ngờ, báo công an. Ngay sau đó, Nhựt (mặc áo đỏ, khi đó mới hơn 16 tuổi, học lớp 10, đang làm phục vụ cho quán nhậu) cùng hai người nhậu chung là Ca và Khang bị đưa về công an xã.

Cả ba sau đó bị khởi tố, truy tố về tội cướp tài sản. Nhựt bị cáo buộc sau khi uống ba chai bia đã rủ Ca, Khang dừng tiệc nhậu, để bia, mồi đó, đi ra cầu cướp xong về... nhậu tiếp. Tuy nhiên, chủ quán nhậu và rất nhiều nhân chứng xác nhận Nhựt vừa chạy bàn vừa nhậu cùng hai người bạn, suốt buổi Nhựt bưng bê đồ ăn cho khách tại quán nhậu, không có chuyện đang nhậu nửa chừng bỏ đi đâu đó như quy kết của cơ quan tố tụng.

Vụ án từng nhiều lần đưa ra xét xử nhưng tòa không tuyên án được. Sau khi TAND huyện Cái Nước trả hồ sơ điều tra bổ sung lần ba, ngày 1-7, VKSND huyện này đã cho cả ba bị can tại ngoại theo bảo lãnh của gia đình. Được biết ngày 18-7, CQĐT Công an huyện Cái Nước đã ký kết luận điều tra bổ sung lần ba.

Xem thêm: Bị can tại ngoại: Khát khao được cắp sách đến trường

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm