Bất ngờ: Không chỉ Hà Nội buộc ‘xin phép quay phim’

Ngày 3-1 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân TP. Theo đó, có một nội dung đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều là “công dân không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa được sự đồng ý của người tiếp công dân”.

Nhiều địa phương khác đã hạn chế từ rất lâu

Không như nhiều người nghĩ, TP Hà Nội không phải là nơi duy nhất có quy định hạn chế quyền quay phim, chụp ảnh, ghi âm ở nơi tiếp công dân. Cách đây nhiều năm, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã ban hành nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, trong đó có đưa ra yêu cầu tựa như TP Hà Nội về việc quay phim, chụp ảnh, ghi âm.

Đơn cử, nội quy tiếp công dân tại các cơ quan trên địa bàn do UBND tỉnh Bình Thuận ban hành vào tháng 5-2015 yêu cầu: “Việc quay phim, chụp ảnh, ghi âm phải được sự đồng ý của người chủ trì tiếp công dân”.

Ở Đồng Nai, nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân tỉnh do UBND tỉnh này ban hành vào tháng 10-2015 lưu ý: “Không được tự ý quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của lãnh đạo ban tiếp công dân tỉnh, cán bộ tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân tỉnh”. Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có lưu ý tương tự trong nội quy ban hành vào cùng thời điểm.

Ở TP.HCM, nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân TP do UBND TP ban hành vào tháng 9-2016 cũng quy định: “Không được tự ý sử dụng phương tiện quay phim, ghi âm, chụp ảnh khi chưa được sự cho phép của người có thẩm quyền”.

Hay như tỉnh Hà Nam, nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân tỉnh được ban hành vào cuối 2016 cũng quy định rõ: “Không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm trừ những người đang thực hiện nhiệm vụ”. Đáng lưu ý là từ năm 2013 thì tỉnh này đã nghiêm cấm “tự ý quay phim, chụp ảnh, ghi âm trong phòng tiếp dân hoặc khu vực trụ sở tiếp công dân”...

Đặc biệt, ở cấp trung ương, nội quy trụ sở tiếp công dân trung ương do Thanh tra Chính phủ ban hành vào tháng 8-2015 cũng quy định “không được tự ý quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của lãnh đạo…”.

Công dân đến trụ sở Ban Tiếp công dân Thành phố, số 15 Nguyễn Gia Thiều (quận 3, TP.HCM) để nộp hồ sơ khiếu nại, tố cáo. Ảnh: HTD

UBND cấp tỉnh được quyền ban hành nội quy

Tất cả các nội quy nêu trên đều được UBND các tỉnh, thành ban hành căn cứ vào Luật Tiếp công dân và Nghị định hướng dẫn số 64/2014 của Chính phủ.

Cho rằng hai văn bản luật này không có sự hạn chế về quyền quay phim, chụp ảnh…, nhiều người đặt vấn đề UBND TP Hà Nội đã làm sai.

Đầu tiên, về thẩm quyền ban hành nội quy thì phải khẳng định UBND TP Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác đã làm đúng quyền hạn. Bởi lẽ bên cạnh việc nghiêm cấm các hành vi cụ thể (như xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân...), khoản 8 Điều 6 Luật Tiếp công dân còn nghiêm cấm “vi phạm các quy định khác trong nội quy, quy chế tiếp công dân”. Cùng với đó, luật này cho phép người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân.

Đây là cơ sở pháp lý để nhiều địa phương lần lượt ban hành các nội quy đưa ra nhiều yêu cầu khác trong việc tiếp công dân trên địa bàn mà TP Hà Nội là nơi ban hành khá trễ.

Còn có nhiều ý kiến khác nhau

Liên quan đến nội dung hạn chế quay phim, chụp ảnh, theo ghi nhận của chúng tôi thì đang có hai luồng quan điểm phản đối và đồng thuận khác nhau.

TS Cao Vũ Minh (ĐH Luật TP.HCM) lập luận: Hạn chế trên đã vi phạm hiến pháp ở chỗ không bảo đảm được quyền giám sát hoạt động công quyền của các cơ quan nhà nước. Nếu “quay phim, chụp ảnh, ghi âm” phải được “sự đồng ý của người tiếp công dân” thì có thể sẽ rất hiếm trường hợp công dân được phép “quay phim, chụp ảnh, ghi âm”. “Việc quay phim, chụp ảnh, ghi âm đối với người tiếp công dân là đang quay phim, chụp ảnh, ghi âm đối với người thi hành công vụ chứ không phải tư cách cá nhân. Nếu “quay phim, chụp ảnh, ghi âm” có sự biến tướng với mục đích “lợi dụng, xuyên tạc, vu khống” thì các cơ quan có thể chế tài nên “cây ngay không sợ chết đứng”” - TS Minh nêu ý kiến.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giải thích TP Hà Nội không cấm công dân ghi âm, chụp ảnh khi làm việc tại trụ sở tiếp dân. Tuy nhiên, khi đến mỗi cơ quan làm việc, công dân phải tuân thủ nội quy của cơ quan đó. “Điều này giống như bạn đến nhà người khác làm khách thì cũng phải xin phép chủ nhà. Ở đây, trong trường hợp người dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình thì trao đổi với cán bộ tiếp công dân. Sau khi ghi âm, ghi hình xong thì hai bên cùng kiểm tra lại nội dung và xác nhận bằng biên bản với nhau để làm tài liệu sử dụng trên cơ sở công khai, minh bạch” - ông Chung nhận định.

Cũng theo ông Chung, việc TP Hà Nội đưa quy định trên nhằm tránh tình trạng một số người đi theo người nhà đến trụ sở tiếp dân nhưng lại dùng các thiết bị bí mật ghi âm, ghi hình rồi về cắt xén nội dung buổi tiếp, sau đó đưa lên mạng phục vụ những mục đích khác.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Sáu cũng có ý kiến cho rằng việc hạn chế là cần thiết. “Việc tự ý quay phim, chụp ảnh, ghi âm có thể làm ảnh hưởng đến quyền nhân thân của các cán bộ tiếp dân, trong đó có quyền của cá nhân đối với hình ảnh” - ông Sáu nói.

Báo Pháp Luật TP.HCM sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền về hạn chế này và sẽ có ý kiến cụ thể của mình trên các số báo sau.

Cục Kiểm tra văn bản đang đối chiếu, so sánh

Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp, cho hay cơ quan này đã tiếp nhận những thông tin ban đầu do báo chí phản ánh về nội quy tiếp công dân của UBND TP Hà Nội.

“Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu để đối chiếu, so sánh quy định này với hiến pháp, các luật, nghị định có liên quan. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan hành chính có thẩm quyền ban hành nội quy làm việc của cơ quan, đơn vị trong địa bàn phụ trách. Tuy nhiên, phạm vi, mức độ điều chỉnh của nội quy thế nào, yêu cầu về tính phù hợp với hiến pháp, luật… ra sao thì cần có đánh giá, phân tích cụ thể, cả tính hợp pháp, hợp lý” - ông Ba nói.

Cũng theo ông Ba, trụ sở tiếp công dân có đặc điểm khác với công sở thông thường, khác với nơi công cộng. Đặc thù công việc ở đó cũng đòi hỏi các yêu cầu về văn hóa, chuẩn mực ứng xử của cả người dân và cán bộ tiếp dân, bao gồm cả hành vi quay phim, chụp ảnh, ghi âm. 

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm