Báo chí với án oan

Thông qua việc phản ánh, phân tích những vụ án oan ấy, báo chí còn giúp cơ quan tố tụng và cơ quan giám sát kịp thời phát hiện lỗ hổng pháp luật để bổ sung, sửa đổi nhằm hoàn thiện nền tố tụng tiệm cận với công lý… Dưới đây là những đánh giá, ghi nhận của các chuyên gia tư pháp về cuộc đồng hành này.

Kênh phản biện để thúc đẩy cải cách tư pháp

Từ phản ánh của báo chí, nhà làm luật sẽ tiếp thu, chỉnh sửa để hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng, giảm thiểu oan sai.

Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương:

Cải cách tư pháp không thể thiếu báo chí

Thực sự thời gian qua báo chí đóng góp phần quan trọng đối với quá trình cải cách tư pháp (CCTP) nước nhà. Một bài báo hay, bình luận, phân tích sắc sảo tác động mạnh tới người làm chính sách. Những bài báo như thế tác động cả tới các vị đại biểu Quốc hội vốn mỗi người mỗi nghề, không ai biết hết được mọi lĩnh vực. Chẳng hạn báo chí vừa qua làm bộc lộ nhiều vụ tiêu cực, vi phạm trong hoạt động tố tụng. Nhà nước có hệ thống giám sát, kiểm sát hoạt động tư pháp nhưng thường thì những việc báo chí điều tra kỹ lưỡng, phân tích sâu sắc, phản biện mạnh mẽ sẽ được quan tâm chỉ đạo làm rõ hơn. Báo chí tạo áp lực, thúc ép các cơ quan chức năng vào cuộc.

Ông Nguyễn Thanh Chấn trở về cuộc sống đời thường sau 10 năm ngồi tù oan. Ảnh: CTV

Tôi mong muốn các bạn ưu tiên hơn cho chủ đề tư pháp. Không chỉ viết bài về quá trình xây dựng, thảo luận các luật, mà khi ban hành rồi, tiếp tục mổ xẻ, phân tích các quy định mới. Báo chí cũng nên chủ động lấy ý kiến phản hồi từ cơ sở để xem vướng mắc trong thực tiễn ra sao, qua đó các cơ quan trung ương nắm bắt tình hình, kịp thời có hướng dẫn.

Về phía chúng tôi, từ kiến nghị của Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương, Bộ Chính trị đã giải mật Nghị quyết 49 về chiến lược CCTP. Các thảo luận cải cách đã đi đến nhận thức mới về vai trò của báo chí và tháng 8-2014, Ban Chỉ đạo đã ban hành Kế hoạch 38 đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ CCTP và hoạt động tư pháp. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo CCTP, cũng sốt ruột lắm. Chủ tịch nước luôn nhắc phải khẩn trương triển khai kế hoạch tuyên truyền bởi CCTP mà thiếu báo chí đồng hành là không được.

Các cuộc họp của Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương trước đây thường đóng kín, giờ thì đã mời một số báo chuyên ngành pháp luật tham dự, đưa tin. Văn phòng Ban Chỉ đạo đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương mở hội thảo, trang bị kiến thức về CCTP cho các tuyên truyền viên trong hệ thống Đảng. Lần đầu tiên đã có những tọa đàm chuyên đề về CCTP trên truyền hình, phát thanh. Sắp tới chúng tôi sẽ hội thảo chuyên đề với các cơ quan báo chí để phóng viên có thêm kiến thức sâu hơn về lĩnh vực này.

Qua báo chí, chúng tôi mong muốn lan tỏa tư tưởng cải cách xuống địa phương, xuống cơ sở. Bởi đó mới là nơi đụng chạm trực tiếp tới quyền, lợi ích của dân, tới quyền con người, quyền.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP.HCM:

Kênh phản hồi tốt từ dư luận xã hội

Báo chí có thế mạnh là tạo được sức lan tỏa trong xã hội về đấu tranh xử lý các hành vi phạm tội. Việc chuyển tải các thông tin hoạt động tố tụng của Pháp Luật TP.HCM được trong ngành tố tụng đánh giá cao.

Từ thông tin báo chí đăng tải giúp cho viện cũng như các cơ quan khác nắm bắt nhìn nhận lại kết quả xử lý. Vì báo chí là kênh thông tin phản hồi từ phía dư luận đối với những sự việc pháp lý cũng như vụ án. Một vụ án ngoài việc xử lý theo đường lối pháp luật đúng đắn còn phải được xã hội đồng tình.

Muốn phát huy ngày càng cao vai trò của mình, báo chí cần đưa tin một cách đầy đủ, chính xác từ đó sẽ có những phản hồi tốt và tích cực. Tôi từng ở vị trí giải quyết một vụ oan tội giết người và lúc đó có báo chí vào cuộc. Ban đầu có một nhà báo nghi ngờ về tính công khai của các cơ quan đang giải quyết. Với trách nhiệm là người đi giải quyết sự việc tôi đã chân tình, cởi mở giúp cho họ chuyển tải được đúng và khách quan sự việc. Và qua đó báo chí cũng giúp chúng tôi chuyển tải những thông tin đầy đủ và bản thân người bị oan cũng chia sẻ với cơ quan tố tụng.

Cùng với đó, bản thân cơ quan tố tụng chúng tôi cũng chủ động trả lời thông tin một cách chính thống thông qua người có thẩm quyền, tránh những thông tin không đúng hay cùng một thông tin mà có cách viết khác nhau. Sự phối hợp và chia sẻ tốt giữa cơ quan báo chí và cơ quan tố tụng sẽ tránh được những cách hiểu không chuẩn mực...

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội:

Tờ báo làm tròn trách nhiệm công dân

Năm 2015 là năm thứ 25 kể từ khi thành lập, Pháp Luật TP.HCM đã thực sự trở thành một tờ báo đầy sức sống, “tinh thông võ nghệ”, nhân nghĩa, hào hiệp, “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha”… Báo đã và luôn nỗ lực hằng ngày, hằng giờ đem lại một lượng thông tin lớn để giúp người dân hiểu biết pháp luật, tiếp cận công lý. Pháp Luật TP.HCM cũng là một trong không nhiều tờ báo phấn đấu không mệt mỏi và có hiệu quả để làm tròn trách nhiệm công dân của báo chí cách mạng. Đó là: Tham gia chống tham nhũng, chống tội phạm, chống tố tụng oan sai, bảo vệ chủ quyền, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền theo tinh thần CCTP của Đảng và Hiến pháp, pháp luật. Báo là một nguồn thông tin tin cậy và trợ thủ đắc lực của những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước trọng dân, gần dân, cần biết sự thật, cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để làm tốt hơn, làm tròn trách nhiệm của những “công bộc” của dân theo di huấn của Bác Hồ.

Nguyên Thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM:

Giúp cán bộ tố tụng soi lại mình

Báo chí nói chung và Pháp Luật TP.HCM nói riêng đã làm tốt vai trò chuyển tải thông tin tạo những hiệu ứng xã hội rất tốt. Tôi có thể dẫn ra nhiều ví dụ tiêu biểu. Chẳng hạn những việc khuất tất diễn ra trong thời gian dài nhưng khi được báo chí lên tiếng thì chỉ trong thời gian ngắn cơ quan thẩm quyền lập tức có quyết định thỏa đáng, tháo dỡ nhà của vị tướng xây trái phép. Hay như trong vụ cậu bé bị bắt giam ngay tại trường học để thi hành án, chính tiếng nói của báo chí đã tác động kịp thời để chánh án TAND Tối cao kịp thời kháng nghị, hủy lệnh giam cho em kịp trở lại với kỳ thi quan trọng, được dư luận đồng tình. Hay như vụ trả lại 5 triệu yen cho chị Hồng bán ve chai, báo đã phản ánh vấn đề rất nhân văn để các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận kịp thời ý tưởng được xã hội đồng tình. Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh được các sự kiện một cách nhân văn, đúng luật và đưa được ý kiến của số đông...

Tôi đánh giá cao những bài báo nêu quan điểm tranh luận các vụ án oan, sai, khuất tất của Pháp Luật TP.HCM để những người tiến hành tố tụng soi lại và đưa ra hướng giải quyết hợp tình, hợp lý. Pháp Luật TP.HCM là một trong những tờ báo lên tiếng đúng ý nghĩa và vô tư trong việc truyền tải thông tin đến mọi người. Cạnh đó, thế mạnh của báo có thể tổng hợp ý kiến từ các chuyên gia đầu ngành đánh giá, nhận định các vụ việc và phát huy được tối đa vai trò của họ. Những bình luận chuyên môn sâu sắc về pháp lý trên Pháp Luật TP.HCM là đặc thù không lẫn với báo khác.

Việc đưa lượng thông tin chân thật, khách quan, chuẩn mực và nhiều phía từ các chuyên gia đã giúp các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và điều chỉnh hợp lý. Tôi còn đánh giá cao cách đưa tin của báo tạo ra cách nhìn và xu thế nhân văn đạo lý. Pháp luật không thể lạnh lùng, máy móc mà còn chứa chan tình người... Cạnh đó, báo còn là diễn đàn tranh luận giúp các nhà làm luật có cái nhìn đa chiều và sâu sắc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm