Bao án treo không thành, luật sư phải trả lại 68 triệu

Chiều 17-4, TAND tỉnh An Giang đưa ra xét xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp hợp đồng dịch vụ giữa nguyên đơn là ông Trần Thanh Toàn (ngụ Trà Vinh) và bị đơn là bà NTBX (ngụ An Giang).

Ông Toàn (bìa phải) và em trai Trần Minh Vẹn sau phiên tòa phúc thẩm ngày 17-4. Ảnh: N.NAM

Theo đó, tòa tuyên bác kháng cáo của bà X., giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên bố hợp đồng dịch vụ pháp lý được ký kết giữa ông Toàn và bà X. - đại diện Văn phòng LS TB (Đoàn LS tỉnh An Giang) vô hiệu vì vi phạm điều cấm của Luật LS; buộc bà X. phải hoàn trả cho ông Toàn 68 triệu đồng, trong đó đã trừ 12 triệu đồng là khoản chi phí ông Toàn tự nguyện trả cho bà X.

HĐXX cho rằng căn cứ theo Điểm 14.11 Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS Việt Nam và khoản 2 Điều 5 Luật LS thì những việc LS không được làm trong quan hệ với khách hàng là cam kết bảo đảm kết quả vụ việc nhằm mục đích lôi kéo khách hàng hoặc để tính thù lao theo kết quả cam kết.

Tuy nhiên, Điều 5 của hợp đồng dịch vụ pháp lý ký giữa ông Toàn và bà X. lại ghi “hợp đồng chấm dứt khi thực hiện xong vụ việc theo Điều 1 được giải quyết bằng văn bản pháp lý là bản án sơ thẩm án treo" là trái quy định của pháp luật. Do đó, bản án sơ thẩm tuyên hợp đồng dịch vụ pháp lý vô hiệu và buộc bà X. phải trả cho ông Toàn 68 triệu đồng là có căn cứ.

Điều 5 của hợp đồng dịch vụ pháp lý, LS X. đã ghi thêm chữ "án treo" là vi phạm điều cấm của Luật LS. Ảnh: N.NAM

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, ông Toàn có em ruột là Trần Minh Vẹn bị các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Tịnh Biên (An Giang) tiến hành khởi tố và truy tố về hành vi buôn bán hàng cấm. Do đó, vào ngày 6-8-2014, ông gặp bà X. để yêu cầu bào chữa cho em ông.

Cùng ngày, ông và bà X. ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với nội dung bà X. bào chữa cho em ông được hưởng án treo với số tiền 120 triệu đồng.

Lúc đầu, do hợp đồng đánh máy không thể hiện kết quả án treo nên ông không đồng ý ký. Sau đó, bà X. viết tay thêm chữ án treo vào hợp đồng thì ông mới đồng ý ký tên. Số tiền ông đã giao cho bà X. làm hai đợt tổng cộng 80 triệu đồng, số tiền 40 triệu đồng còn lại hẹn khi có bản án sẽ giao nốt.

Tuy nhiên, ngày 28-11-2014, TAND huyện Tịnh Biên đã tuyên phạt Trần Minh Vẹn một năm sáu tháng tù. Do bà X. không thực hiện đúng nội dung hợp đồng thỏa thuận đã ký kết nên ông khởi kiện yêu cầu bà X. phải hoàn trả số tiền 68 triệu đồng, trong đó đã bao gồm việc khấu trừ cho bà X. 12 triệu đồng chi phí đi lại.

Bà X. thừa nhận chữ viết án treo trong hợp đồng do bà viết nhưng không phải thỏa thuận án treo. Bà cho rằng sở dĩ trong hợp đồng có ghi thêm chữ án treo là do phía ông Toàn yêu cầu bà ghi vào để trấn an tinh thần cho mẹ ông. Và hợp đồng đã vô hiệu từ đầu vì hai bên không thực hiện theo hợp đồng mà thực hiện theo thỏa thuận miệng khác. Tuy nhiên, ông Toàn nói không có thỏa thuận miệng nào còn bà X. thì không đưa ra được bằng chứng về việc có thỏa thuận miệng...

Xử sơ thẩm vào ngày 28-12-2016, TAND TP Long Xuyên (An Giang) đã tuyên hợp đồng dịch vụ pháp lý vô hiệu và buộc bà X. trả cho ông Toàn 68 triệu đồng. Sau đó bà X. kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm bác yêu cầu khởi kiện của ông Toàn và hôm nay tòa phúc thẩm đã tuyên như trên.

Một số quy định liên quan:

- Những việc LS không được làm trong quan hệ với khách hàng: Cam kết bảo đảm kết quả vụ việc nhằm mục đích lôi kéo khách hàng hoặc để tính thù lao theo kết quả cam kết (điểm 14.11 Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS Việt Nam).

- Nguyên tắc hành nghề LS: Tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS Việt Nam (khoản 2 Điều 5 Luật LS).

- Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội (khoản 1 Điều 122 BLDS).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm