Bác sĩ Hoàng Công Lương vẫn bị cáo buộc hình sự

Trong bản kết luận điều tra bổ sung của mình, Công an tỉnh Hòa Bình tiếp tục giữ nguyên quan điểm cáo buộc BS Hoàng Công Lương phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

BS Lương tiếp tục bị cáo buộc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Ghi thêm vào sổ sau khi bệnh nhân tử vong

Theo kết luận, điều tra ban đầu xác định bị can Hoàng Công Lương được ông Hoàng Đình Khiếu (PGĐ kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực) giao trách nhiệm phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo và các hoạt động khác, nội dung này được ghi trong biên bản cuộc họp ngày 16-12-2015.

Tuy nhiên, quá trình điều tra bổ sung đến nay xác định nội dung trong biên bản họp nói trên có ghi "BS Lương phụ trách chuyên môn và các hoạt động tại đơn nguyên thận" là không khách quan, bởi kết luận giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an cho thấy các chữ “phân công nhiệm vụ cán bộ phụ trách năm 2016” đều là do Đinh Tiến Công (điều dưỡng trưởng) điền thêm.

Cũng theo tài liệu của công an, bị can Hoàng Công Lương tốt nghiệp Trường ĐH Y - Dược thuộc ĐH Thái nguyên, được tuyển dụng và phân công công việc tại khoa Hồi sức tích cực; là bác sĩ có đủ điều kiện hành nghề về kỹ thuật thận nhân tạo. Cho đến thời điểm xảy ra sự cố, tại đơn nguyên thận nhân tạo, Lương là bác sĩ duy nhất được phân công làm việc cố định tại đơn nguyên, hưởng chế độ lương, phụ cấp thủ thuật và các chế độ khác theo quy định; là bác sĩ đủ điều kiện hành nghề và chữa bệnh độc lập.

Ngoài thực hiện chuyên môn của BS, Lương còn thực hiện một số nhiệm vụ khác như: ký xác nhận y lệnh của các BS Nguyễn Mạnh Linh, Phạm Thị Huyền; chủ trì giao ban tại đơn nguyên thận khi không có lãnh đạo khoa; phân buồng thăm khám, bệnh nhân cho các BS Huyền, Linh; ký đề xuất sửa chữa hệ thống lọc nước R02 ngày 20-4-2017.

Đối với việc Hoàng Công Lương ký bên cạnh chữ ký y lệnh của các BS Nguyễn Mạnh Linh và Phạm Thị Huyền trong tờ điều trị cho bệnh nhân, Công văn số 1084 ngày 18-6-2018 của Sở Y tế có nêu: “Thực tế việc BS Hoàng Công Lương ký bên cạnh chữ ký của BS Phạm Thị Huyền và BS Nguyễn Mạnh Linh là để xác nhận về việc khám và ra y lệnh của hai BS này. Mặt khác theo Công văn số 4861/BHXH-CSYT ngày 6-12-2016 của BHXH Việt Nam về việc giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT có hướng dẫn "Đối với BS đang trong thời gian thực hành chưa được cấp chứng chỉ hành nghề KCB thì không được ký chỉ định điều trị và thực hiện dịch vụ kỹ thuật. Các trường hợp này, nếu BV phân công BS có chứng chỉ kèm cặp, ký chịu trách nhiệm vào hồ sơ bệnh án và các chứng từ liên quan thì được thanh toán chế độ BHYT. Do đó, BS Lương ký như vậy là đúng quy định”.

Theo lời khai của BS Huyền và Linh, Lương có quyền ký xác nhận vào y lệnh của hai người nhưng ngược lại hai người không được ký vào y lệnh của Lương.

CQĐT khẳng định hành vi của BS Lương có đủ yếu tố cấu thành tội

Đủ yếu tố cấu thành tội

Sáng 29-5-2017, Lương chưa được người có trách nhiệm cho biết hệ thống lọc nước RO đã đảm bảo an toàn đưa vào sử dụng mà chỉ nghe điều dưỡng Đỗ Thị Điệp nói với moi người trong đơn nguyên rằng đã sửa chữa xong. Lương không báo cáo, trao đối với ai về việc hệ thống lọc nước sau sửa chữa đã đảm bảo an toàn hay chưa trước khi ra y lệnh chạy thận.

Với các tài liệu đã thu thập được thấy rằng: Hoàng Công Lương ngoài việc thực hiện chuyên môn là BS điều trị, còn thực hiện một số nhiệm vụ khác tại Đơn nguyên thận nhân tạo (ký xác nhận y lệnh của các BS Nguyên Mạnh Linh, Phạm Thị Huyền; chủ trì giao ban tại đơn nguyên thận khi không có lãnh đạo khoa; phân buồng thăm khám bệnh nhân cho các BS Huyền, Linh; ký biên bản kiểm tra tình trạng thiết bị và đề nghị mua sắm, sửa chữa hệ thống lọc nước R02).

Lương là BS chịu trách nhiệm trong việc ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân ngày 29-5; được đào tạo và có chứng chỉ về lọc máu; biết rõ nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng; hiểu quy trình và biết rõ hệ thống lọc nước R02 vừa sửa chữa ngày 28-5. Tuy nhiên, khi chưa có ý kiến chỉ đạo của trưởng khoa - người có thẩm quyền trong đảm bảo chất lượng nước sử dụng trong lọc máu; không có căn cứ xác định an toàn của hệ thống lọc nước sau sửa chữa, không báo cáo lãnh đạo khoa, Lương đã ra y lệnh lọc máu cho bệnh nhân dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Hành vi nêu trên của Hoàng Công Lương có đủ yếu tố cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo quy định tại khoản 2 điều 285 BLHS 1999 (nay là khoản 3 điều 360 BLHS năm 2015, sửa đổi bố sung năm 2017).

Chuyển hồ sơ tới VKSND Tối cao

Về việc ghi khống nội dung trong cuốn sổ họp giao ban, kết luận điều tra bổ sung cho thấy ông Đinh Tiến Công và ông Hoàng Đình Khiếu đều khai nhận sau sự cố xảy ra, lãnh đạo khoa gồm ông Khiếu, ông Công, ông Hoàng Công Tình có ngồi hội ý riêng với nhau, ông Công được yêu cầu hoàn thiện các thủ tục hành chính. Về nội dung này, ông Khiếu không nhớ đã bảo cho Công ghi những gì nhưng Đinh Tiến Công khẳng định nội dung phân công nhiệm vụ trong cuộc họp cuối năm 2015 cho Hoàng Công Lương là phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo. Khi ghi thêm nội dung này có mặt của ông Khiếu và ông Tình ở ngay tại đó, sau khi Công ghi xong thì cả hai ký ngay vào phần chủ tọa cuộc họp, nội dung này đều được lãnh đạo khoa thống nhất với nhau.

Về động cơ mục đích: Ông Khiếu và ông Công khai đều là vì hoàn thiện hồ sơ sổ sách theo thủ tục hành chính để giao nộp cho CQĐT, không vì mục đích làm hại đến ai, không vì mục đích chống đối, đối phó với cơ quan công an, không có tư lợi cá nhân.

CQĐT đã ra quyết định trưng cầu giám định chữ viết đối với hai biên bản họp cuối năm 2015; 2016. Kết quả cho thấy các chữ “Phân công nhiệm vụ năm 2016”; “phân công nhiệm vụ năm 2017” đều là do Đinh Tiến Công điền thêm.

Với các tài liệu đã thu thập được, nhằm điều tra triệt để, làm rõ bản chất sự việc, CQĐT sẽ chuyển tài liệu cho CQĐT VKNSND Tối cao giải quyết theo thẩm quyền.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...