Bà Ung Thị Xuân Hương: Mong được góp sức cho công tác lập pháp

“Nhiều vấn đề trong hệ thống văn bản pháp luật chưa hoàn thiện nên thực thi vẫn còn vướng mắc”. Đó là chia sẻ của bà Ung Thị Xuân Hương (Phó ban Nghiên cứu và Đào tạo Hội Luật gia TP.HCM, nguyên Chánh án TAND TP.HCM) trong các buổi vận động tranh cử tại quận Tân Bình, quận Tân Phú (TP.HCM) vừa qua.

Hoạt động tòa án phải công khai, minh bạch

. Phóng viên: Hết nhiệm kỳ tại tòa án, bà được lãnh đạo TAND Tối cao, Thành ủy đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bà có thể điểm qua một số thành tích nổi bật của TAND TP.HCM trong thời gian bà công tác với vai trò người đứng đầu?

+ Ung Thị Xuân Hương: TP.HCM là nơi thí điểm thành lập tòa chuyên trách về gia đình và người chưa thành niên đầu tiên trong cả nước. Đây là một trong những thành công của tiến trình cải cách tư pháp, một giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên.

Việc thí điểm thành lập Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND TP và chín quận, huyện góp phần giải quyết nhanh chóng các vụ án dân sự, hành chính, giảm tải công việc cho tòa án. Bên cạnh đó, tòa án tăng cường công tác cải cách hành chính tư pháp, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành.

Năm 2016, TAND TP.HCM triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý điều hành, công khai, minh bạch hoạt động của tòa án.

Bên cạnh đó, tòa án đã phối hợp với Sở Tư pháp mở điểm trợ giúp pháp lý tại trụ sở TAND TP.HCM để người dân thuận lợi trong việc sử dụng dịch vụ pháp lý miễn phí của Nhà nước…

Trong công tác xét xử, từ năm 2014 đến 2019, TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử công khai và xử lý nghiêm minh nhiều vụ án lớn. Đặc biệt là các vụ án tham nhũng, vi phạm về quản lý tài chính, tài sản nhà nước được dư luận đồng tình ủng hộ, như vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm, vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm…

Bà Ung Thị Xuân Hương mong có cơ hội đóng góp cho công tác lập pháp.
(Ảnh do nhân vật cung cấp)

Giám sát phải có hiệu quả

. Theo bà, làm thế nào để giám sát có hiệu quả việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng và việc bồi thường đối với án oan, sai; thúc đẩy giải quyết án tồn, án quá hạn?

+ Thời gian qua, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Một số trường hợp bị kết tội oan, bị khởi tố và truy tố oan. Nhiều vụ án lâu năm chưa giải quyết được. Theo tôi, Quốc hội (QH) cần tăng cường công tác giám sát tối cao, giám sát chuyên đề để kịp thời phát hiện vướng mắc từ thực tiễn thi hành để có giải pháp tháo gỡ.

Cần rà soát, cụ thể hóa các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của QH, đại biểu (ĐB) QH; tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; tăng cường vai trò, trách nhiệm của từng ĐBQH…

. Nếu trúng cử thì với vai ĐB công tác tại Hội Luật gia TP.HCM, bà sẽ tập trung những nhiệm vụ nào?

+ Tôi sẽ tập trung những nhiệm vụ chủ yếu của Hội Luật gia như: Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, góp phần đưa pháp luật đi vào cuộc sống; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nhân dân, nhất là những đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí; hòa giải ở cơ sở.

Đặc biệt, tôi sẽ tích cực tham gia công tác phản biện xã hội để đóng góp xây dựng chính sách phù hợp thực tiễn và mang tính khả thi.

Còn nhiều trăn trở

. Cả nước có chín người tự ứng cử ĐBQH khóa XV, trong đó có hai nữ. Điều gì khiến bà quyết định ra ứng cử?

+ Với hơn 30 năm công tác trong khối cơ quan tư pháp, tôi vẫn còn nhiều trăn trở khi hệ thống văn bản pháp luật vẫn chưa được hoàn thiện nên việc thực thi còn nhiều vướng mắc.

Đến thời điểm này, công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính đã đạt được thành tựu nhất định, đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Tuy nhiên vẫn tồn tại những vấn đề như án oan sai, án quá hạn giải quyết…

Các ĐB đã nghỉ hưu có nhiều kinh nghiệm quý báu, còn sức khỏe và có thời gian nên sẽ tham gia tích cực cho hoạt động của QH.

Chính vì vậy, nếu trúng cử, tôi sẽ có cơ hội đóng góp cho công tác lập pháp, hoàn thiện các quy định pháp luật.

. Xin cám ơn bà.

 

Tránh tình trạng luật chưa có hiệu lực đã phải sửa

. Bà tâm đắc và chú trọng đến điều gì nhất trong chương trình hành động của mình?

+ Đó là công tác lập pháp của QH. Phải xây dựng được hệ thống văn bản pháp luật mang tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và tính khả thi cao, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân.

Những năm qua, mặc dù QH đã đổi mới và nâng cao chất lượng của các văn bản pháp luật nhưng vẫn còn một số đạo luật chưa phù hợp thực tiễn, chưa có tính khả thi cao, thậm chí có luật phải sửa đổi khi chưa có hiệu lực, một số văn bản pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn.

Vẫn còn tình trạng luật muốn triển khai phải chờ nghị định, chờ thông tư nên đã ảnh hưởng đến việc đưa pháp luật vào cuộc sống.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm