Án văn phát hành khác lúc thẩm phán đọc

Tháng 11-2012, bà Thạch Thị Say khởi kiện UBND quận 8, TP.HCM yêu cầu hủy quyết định hành chính liên quan đến đất đai. Tháng 12-2017, TAND quận 8 đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên bác các yêu cầu khởi kiện của bà Say.

Án tuyên một đằng, phát hành một nẻo

Sau đó bà Say kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, trong đó có việc tòa đã ban hành bản án có nội dung không giống nội dung bản án mà thẩm phán chủ tọa đã tuyên đọc tại tòa.

Tháng 8-2020, TAND TP.HCM xử phúc thẩm và nhận định đối với nội dung kháng cáo cho rằng chủ tọa phiên tòa sơ thẩm sửa nội dung bản án phát hành sau khi tuyên án.

Tòa cho rằng căn cứ vào khoản 1 Điều 197 Luật Tố tụng hành chính 2015, sau khi bản án được ban hành thì không được sửa chữa, bổ sung trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu nhầm lẫn hoặc tính toán sai.

Tại bản giải trình, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm cho rằng tại phòng xử án, do bản án khá dài nên khi đọc có đoạn bị nhầm lẫn so với bản án phát hành.

Theo HĐXX, như vậy ý kiến của người khởi kiện cho rằng bản án được tuyên tại tòa và bản án được nhận không giống nhau, có thêm bớt sửa chữa là có căn cứ. Việc tòa án cấp sơ thẩm ban hành bản án có sửa chữa, thay đổi nội dung so với nội dung bản án khi tuyên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Cạnh đó, theo HĐXX, để xét giải quyết xử vụ án này, tòa sơ thẩm phải áp dụng Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (theo Điều 1 Nghị quyết số 104/2015/QH13). Tuy nhiên, cấp sơ thẩm lại áp dụng Luật Tố tụng hành chính năm 2010 là không đúng quy định của pháp luật.

Từ đó, HĐXX phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bà Say, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho TAND TP.HCM xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

Tòa sơ thẩm từng giải quyết tố cáo

Cùng với việc kháng cáo bản án sơ thẩm, bà Say còn có đơn tố cáo thẩm phán chủ tọa phiên tòa vì cho rằng người này cố tình tuyên án một đằng, ra bản án một nẻo. Hành vi này có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp theo Điều 370 BLHS 2015 (về tội ra bản án trái pháp luật).

Năm 2019, TAND quận 8 ban hành kết luận giải quyết nội dung tố cáo. Theo tòa, quận có sự khác nhau về câu, chữ ở vài đoạn trong phần nhận định của bản án khi thẩm phán công bố tại phòng xét xử so với câu, chữ trong phần nhận định của bản án phát hành.

Tuy nhiên, nội dung cốt lõi của bản án là giống nhau. Cụ thể, phần quyết định trong bản án gốc (thẩm phán công bố) và bản án phát hành (giao cho đương sự) đều là bác yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện. Vì thế, việc này chưa xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện là bà Say.

Do đó, TAND quận cho rằng chưa đủ cơ sở để kết luận về hành vi của thẩm phán có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự theo quy định của pháp luật.

Không đồng tình với việc trả lời tố cáo này, gia đình bà Say khiếu nại tiếp đến TAND TP.HCM yêu cầu hủy kết luận nội dung tố cáo của TAND quận 8.

Tháng 3-2020, TAND TP.HCM có thông báo trả lời, cho rằng kết luận nội dung tố cáo của TAND quận 8 đã giải quyết là đúng nên không có căn cứ để hủy theo yêu cầu của bà Say. TAND TP.HCM cũng thông báo không giải quyết lại vụ việc tố cáo.

Nội dung vụ kiện

Theo đơn khởi kiện, bà Say cho rằng trước đây bà cho ông V. diện tích 32 m2đất bằng giấy tay nhưng năm 2004, UBND quận 8 lại cấp sổ hồng cho vợ chồng ông V. Bà Say khiếu nại và tháng 10-2011, UBND quận thu hồi và hủy bỏ sổ hồng đã cấp cho ông V. với lý do chưa đúng trình tự, quy định.

Tuy nhiên, tháng 10-2012, UBND quận lại có quyết định điều chỉnh quyết định thu hồi, hủy bỏ trên với lý do sổ hồng đã cấp cho ông V. không đúng diện tích hiện trạng sử dụng và sẽ xem xét cấp lại. Sau khi bà Say kiện ra tòa thì năm 2013, UBND quận cấp lại sổ hồng cho ông V. và bà Say cũng khởi kiện bổ sung yêu cầu hủy cả việc cấp giấy này... 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm