Án sơ thẩm bị hủy vì... chưa xác minh chứng cứ

VKSND tỉnh Bình Phước vừa ra thông báo rút kinh nghiệm về án bị hủy đối với vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Nguyên đơn là bà Lê Thị Hạnh (sinh năm 1972) và bị đơn là bà Thạch Kiệp (sinh năm 1965).

Ảnh minh họa

Nội dung vụ án: ngày 14-9-2019, bà Kiệp vay của bà Hạnh 1,1 tỉ đồng để mua rẫy điều và hẹn đến ngày 2-4-2020 sẽ trả. Giấy vay tiền do bà Thạch Thị Thủy (con gái bà Kiệp) viết tay. Đến hạn, bà Kiệp không trả, bà Hạnh khởi kiện ra tòa.

Ngày 2-10-2020, TAND TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm và tuyên chấp nhận yêu cầu của bà Hạnh. Tuyên buộc bà Kiệp phải trả lại 1,1 tỉ đồng cho bà Hạnh. Sau đó, bà Kiệp kháng cáo. Ngày 27-1-2021, TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

Rút kinh nghiệm, VKS nêu ra những vi phạm nghiêm trọng của vụ án. Cụ thể, là vi phạm thủ tục tố tụng như thu thập chứng cứ chưa đày đủ, đánh giá chứng cứ chưa khách quan, nhiều nội dung chưa được làm rõ...

Quá trình giải quyết vụ án, bà Kiệp và chị Thủy thừa nhận có vay tiền của bà Hạnh. Tuy nhiên, số tiền vay là 30 triệu đồng, lãi suất là cứ 50.000 đồng thì tiền lãi sẽ là 1.000 đồng/tháng, thời hạn vay là 1 năm. Mục đích bà Kiệp vay tiền là để trả tiền vay vốn sinh viên.

Ngày 20-1-2021, tại biên bản làm việc, bà Kiệp nêu đã trả cho bà Hạnh 74 triệu đồng, cả nợ gốc lẫn lãi. Giấy vay tiền ngày 14-9-2019, thể hiện số tiền vay 1,1 tỉ đồng là không đúng.

Trình bày của bà Hạnh, bà Kiệp vay tiền để mua rẫy điều. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm không tiến hành xác minh, sau thời gian mượn tiền bà Kiệp có mua thêm tài sản gì không ? chưa xác minh trách nhiệm của các thành viên khác trong gia đình về khoản vay.

Đối với giấy vay tiền, bà Kiệp, chị Thủy thừa nhận chữ viết và chữ ký là của mình. Tuy nhiên, việc viết giấy là do bị đe dọa, ép buộc, nội dung là do bà Hạnh chuẩn bị sẵn, bà Kiệp cũng không biết chữ. Cấp sơ thẩm cũng chưa làm rõ giá trị pháp pháp của giấy viết tay này?

Cấp phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào giấy vay tiền và trình bày của bà Hạnh là chưa đủ căn cứ, đảm bảo quyền lợi của các bên. Từ đó, tuyên hủy án để giải quyết lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm