Án lệ mới: Bị cáo giết người thoát án chung thân vì… bị hại sống thực vật

Ngày 31-12, Chánh án TAND Tối cao ký quyết định công bố chín án lệ mới. Các án lệ được nghiên cứu, áp dụng kể từ ngày 1-2-2022.

Trong số trên, án lệ số 45 về việc xác định bị cáo phạm tội “giết người” thuộc trường hợp “phạm tội chưa đạt”, nhận được quan tâm của nhiều người trong những ngày qua.

Án lệ này lấy nguồn từ bản án hình sự phúc thẩm số 395/2021 của TAND Cấp cao tại Hà Nội về vụ án “giết người”, do Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội đề xuất, được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua vào ngày 25-11-2021.

Án lệ mới: Bị cáo giết người thoát án chung thân vì… bị hại sống thực vật. Ảnh minh họa

Theo nội dung vụ án, NBT (trú tại Hà Nội) có quan hệ tình cảm với một cô gái trú cùng địa phương. Cuối năm 2018, T. và cô gái này chia tay.

Qua tìm hiểu, T. biết bạn gái cũ chuyển sang yêu HQA.Thấy vậy, T. bực tức, cho rằng A. cướp người yêu của mình nên nảy sinh ý định đánh A. để trả thù.

Khuya 5-1-2019, sau khi uống rượu, T. cùng nhóm hơn 10 thanh niên, đi trên năm chiếc xe máy, đến nhà A. để gây chuyện. Tại đây, theo lời hô hào của T., nhóm thanh niên lao vào đánh A. Các nghi phạm đấm, đá, dùng miếng gỗ (40x60cm) đánh vào vùng đầu khiến nạn nhân nằm xuống đường. Vừa đánh, nhóm này vừa chửi “mày chết chưa”.

Gây án xong, nhóm của T. lên xe bỏ đi, A. được người dân đưa đi cấp cứu. Từ tháng 1 đến tháng 7-2019, T. cùng ba thành viên trong nhóm lần lượt bị bắt giữ.

Kết luận giám định pháp y xác định A. bị chấn thương sọ não, tỷ lệ tổn hại sức khoẻ là 100%, hiện phải sống thực vật.

Tháng 5/2020, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm, tuyên phạt NBT án chung thân, ba bị cáo khác từ 11 đến 20 năm tù, cùng về tội giết người.

Một tuần sau, T. và hai bị cáo có đơn xin giảm nhẹ hình phạt. Đại diện bị hại kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với các bị cáo. Viện trưởng VKSND TP Hà Nội cũng có quyết định kháng nghị.

Tháng 9-2021, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm. Các bị cáo giữ nguyên kháng cáo, đại diện bị hại và đại diện VKS cùng rút toàn bộ kháng cáo cũng như kháng nghị.

Tại tòa phúc thẩm, HĐXX nhận định tòa án cấp sơ thẩm xét xử NBT cùng các bị cáo về tội giết người theo điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS là có căn cứ. Hành vi liên tục tấn công, dùng thanh gỗ đập vào đầu đến khi nạn nhân bất động, trước khi bỏ đi còn hỏi “mày chết chưa?”…, thể hiện tính chất côn đồ và ý thức chủ quan cố ý tước đoạt tính mạng bị hại.

Tuy nhiên, kết luận giám định pháp y xác định “A. bị chấn thương sọ não, hiện sống thực vật... Tỷ lệ tổn hại sức khoẻ là 100%”. Các bị cáo cố ý thực hiện hành vi nhằm tước đoạt đoạt tính mạng của bị hại nhưng hậu quả chết người không xảy ra, thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt quy định tại Điều 15 BLHS. Khoản 3 Điều 57 BLHS quy định nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm.

“Đối chiếu hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo như đã nêu thì việc áp dụng hình phạt chung thân đối với bị cáo là không phù hợp nên cần sửa bản án sơ thẩm, giảm hình phạt đối với NBT” – tòa phúc thẩm nhận định.          

Từ những căn cứ đưa ra, tòa phúc thẩm quyết định sửa một phần bản án sơ thẩm, giảm án cho NBT từ chung thân xuống 20 năm tù về tội giết người. Ba bị cáo còn lại cũng được giảm 1-2 năm tù, do đã ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục hậu quả cho gia đình bị hại, có bị cáo phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi…

Bản án phúc thẩm nêu trên (đã có hiệu lực pháp luật) của TAND Cấp cao tại Hà Nội sau đó được lựa chọn làm án lệ số 45, với giải đáp pháp lý như sau: “Trường hợp này, tòa án phải xác định là hậu quả chết người chưa xảy ra, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “giết người” thuộc trường hợp “phạm tội chưa đạt”.

Tránh mỗi nơi áp dụng khung, khoản khác nhau

Tôi từng bào chữa cho nhiều bị cáo phạm tội giết người, có những vụ nạn nhân bị tổn hại sức khỏe (theo kết luận giám định) lên đến 100%.

Khi bào chữa, tôi viện dẫn quy định tại Điều 15 BLHS về việc bị cáo “cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn”, nghĩa là hành vi phạm tội thuộc trường hợp chưa đạt, từ đó đề nghị HĐXX áp dụng Điều 57 BLHS để quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt (cao nhất là 20 năm tù).

Tuy nhiên, ở một số vụ án, HĐXX vẫn tuyên phạt bị cáo án tù chung thân về tội giết người. Ngược lại, ở một số vụ tương tự, HĐXX lại ghi nhận quan điểm của luật sư và áp dụng để xử phạt giảm nhẹ cho bị cáo.

Biết rằng hành vi phạm tội của bị cáo là côn đồ, hung hãn, cần phải xử lý nghiêm minh, nhưng việc xử lý vẫn phải đảm bảo nguyên tắc pháp chế, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật thì mới đảm bảo công lý.

Rõ ràng, án lệ số 45 đã "chuẩn hóa" việc áp dụng pháp luật thống nhất. Đây sẽ là "khuôn mẫu" áp dụng trong việc xét xử các vụ án tương tự trên hệ thống tòa án cả nước thời gian tới, tránh mỗi nơi lại áp dụng một khung, khoản khác nhau.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn luật sư TP Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm