Án hình sự: Phải áp dụng thủ tục rút gọn khi đủ điều kiện

BLTTHS 2015 đã sửa đổi phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn đối với cả giai đoạn xét xử phúc thẩm thay vì chỉ áp dụng đến giai đoạn xét xử sơ thẩm như BLTTHS 2003.

Cạnh đó, ngoài bốn điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn như BLTTHS 2003 (người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang; sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng), BLTTHS 2015 bổ sung thêm điều kiện người phạm tội tự thú.

Để đảm bảo tính chặt chẽ, BLTTHS 2015 quy định chỉ áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn xét xử phúc thẩm khi có một trong các điều kiện như vụ án đã được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo hưởng án treo…

Đặc biệt, BLTTHS 2015 quy định cơ quan tố tụng bắt buộc phải áp dụng thủ tục rút gọn khi vụ án có đủ điều kiện luật định chứ không chỉ quy định có tính tùy nghi như BLTTHS 2003. Theo Thẩm phán Long, sở dĩ gần 20 năm qua cả TP chỉ có hai vụ án áp dụng thủ tục rút gọn là vì khi áp dụng thì cơ quan tố tụng bị khống chế rất chặt về mặt thời gian, mặt khác luật cũng không quy định bắt buộc phải áp dụng.

Ngoài ra, tại hội nghị, Thẩm phán Long cho biết đã có những ý kiến khác nhau về quy định của BLTTHS 2015 cho phép tòa xử bị cáo tội danh nặng hơn tội danh VKS truy tố. Theo đó, nếu thấy cần xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh VKS truy tố thì tòa trả hồ sơ để VKS truy tố lại, nếu VKS vẫn giữ tội danh đã truy tố thì tòa có quyền xét xử bị cáo theo tội danh nặng hơn đó. Có ý kiến cho rằng tòa đã xử đâu mà biết bị cáo phạm tội nặng hơn tội VKS truy tố. Hoặc trường hợp VKS truy tố tội cố ý gây thương tích nên không có luật sư từ đầu, tòa xử về tội giết người (bắt buộc phải có luật sư từ đầu) là xung đột về quyền lợi của bị cáo…

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm