Án hình sự: Người chết có phải bồi thường?

Công ty CP Procimex (trụ sở tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) là một doanh nghiệp có hơn 55% vốn nhà nước, có vốn điều lệ 30 tỉ đồng, chuyên chế biến, bảo quản thủy sản... Tháng 11-2012, ông Nguyễn Điểm (Tổng Giám đốc công ty) đột ngột qua đời. Sau đó, tổng giám đốc mới của Công ty CP Procimex đã tiến hành kiểm tra tài chính, phát hiện số tiền quỹ thực tồn ít hơn so với số tiền quỹ trên sổ sách kế toán là hơn 25,3 tỉ đồng nên báo ngay cho Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng.

Chỉ đạo cấp dưới “thụt két”

Vào cuộc, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng xác định do cần tiền sử dụng vào mục đích cá nhân, ông Điểm đã chỉ đạo nguyên kế toán trưởng Bùi Thị Hòa rút tiền ở ngân hàng về nhập vào quỹ tiền mặt của công ty. Thực hiện chỉ đạo này, Hòa bảo kế toán tiền mặt ngân hàng của công ty làm thủ tục lập séc, giao cho nguyên thủ quỹ Đoàn Thị Anh Thư đến ngân hàng rút tiền về chi theo yêu cầu của ông Điểm.

Từ tháng 1-2011 đến tháng 10-2012, Hòa đã 87 lần rút hơn 25 tỉ đồng giao cho ông Điểm. Để đối phó, Hòa đã hạch toán khống bằng cách ghi phiếu chi gửi tiền vào tài khoản ngân hàng, chỉ đạo Thư hạch toán khống trên sổ quỹ. Theo quy định, cứ vào cuối năm công ty phải báo cáo số liệu kế toán có kiểm tra, xác nhận của đơn vị kiểm toán. Phía công ty đã thuê Chi nhánh Công ty TNHH Kiểm toán PKF (10 Hải Phòng, Đà Nẵng) kiểm toán. Để tránh bị phát hiện, Hòa dán đè số liệu khống trong giấy xác nhận của ngân hàng, sau đó mang đi sao chụp và cung cấp các bản sao cho công ty kiểm toán, từ đó đã qua mặt được cơ quan kiểm toán.

Sau đó, Hòa bị khởi tố, truy tố về tội tham ô tài sản, Thư bị khởi tố, truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng ông Điểm do đã chết nên CQĐT không xem xét trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản.


Bị cáo Bùi Thị Hòa (đứng trước vành móng ngựa) tại phiên tòa phúc thẩm. Ngồi phía dưới là bị cáo Đoàn Thị Anh Thư. Ảnh: D.HẰNG

Thoát “án tù” nhưng không thoát “án tiền”

Tháng 3-2015, TAND TP Đà Nẵng đã xử sơ thẩm vụ án, tuyên phạt Hòa án tù chung thân về tội tham ô tài sản, Thư năm năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tòa cũng nhận định ông Điểm có vai trò là chủ mưu, trực tiếp chỉ đạo cho hai bị cáo Hòa và Thư thực hiện việc rút tiền của công ty. Ông Điểm đã chết nên CQĐT không xem xét trách nhiệm hình sự là đúng. Tuy nhiên, về trách nhiệm dân sự thì những người hưởng thừa kế của ông Điểm vẫn phải có nghĩa vụ. Từ đó tòa tuyên buộc những người thừa kế của ông Điểm phải liên đới cùng Hòa bồi thường hơn 25 tỉ đồng cho Công ty Procimex.

Sau đó, vợ con của ông Điểm (những người hưởng thừa kế) kháng cáo về phần dân sự. Họ cho rằng chưa đủ cơ sở để khẳng định ông Điểm phạm tội tham ô tài sản, cũng không có cơ sở chứng minh ông Điểm chiếm đoạt số tiền trên. Hơn nữa, hiện ông Điểm đã chết nên tòa sơ thẩm tuyên những người được hưởng thừa kế của ông phải liên đới bồi thường là không có cơ sở...

Hủy án vì còn nhiều điểm chưa rõ

Mới đây, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã xử phúc thẩm, nhận định cấp sơ thẩm chưa làm rõ được ai là người chiếm đoạt số tiền hơn 25 tỉ đồng nói trên. Trong vụ án chỉ có lời khai của hai bị cáo Hòa, Thư là đã đưa toàn bộ số tiền này cho ông Điểm và có lần đưa cho vợ ông Điểm. Tuy nhiên, ông Điểm có nhận được số tiền này hay không, nếu nhận là bao nhiêu thì chưa được chứng minh vì sau khi ông Điểm chết, vụ án mới được khởi tố.

Mặt khác, cấp sơ thẩm cũng chưa làm rõ trong thời gian trước và tại thời điểm để thất thoát hơn 25 tỉ đồng, ông Điểm với tư cách là tổng giám đốc Công ty CP Procimex có đầu tư vào dự án nào mà không thông qua HĐQT của công ty hay không? Có giao dịch nào liên quan đến số tiền bị thất thoát này hay không?

Ngoài ra, cấp sơ thẩm tuyên bị cáo Thư phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, qua xem xét, tòa phúc thẩm nhận thấy bị cáo nhận thức được hành vi xuất, nhập quỹ như trên là sai quy trình. Hành vi này nếu thực hiện một hoặc hai lần thì có thể nói là cố ý làm trái. Còn ở đây, bị cáo lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài (87 lần) thì đã có dấu hiệu đồng phạm trong tội tham ô tài sản. Tuy nhiên, do không có kháng cáo, kháng nghị về vấn đề này nên tòa không xem xét nhưng sẽ kiến nghị xem xét lại tội danh của bị cáo theo thủ tục giám đốc thẩm. Tòa phúc thẩm còn cho rằng nếu xác định Thư là đồng phạm về tội tham ô tài sản thì bị cáo này cũng phải liên đới bồi thường về trách nhiệm dân sự.

Vì những thiếu sót trên, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã hủy phần dân sự, giao hồ sơ về cho TAND TP Đà Nẵng giải quyết lại.

Cần phải cẩn trọng

Theo TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM), cơ quan tố tụng phải xác định được người đã chết có lấy tiền hay không, lấy bao nhiêu tiền, lấy tiền để làm gì... thì mới có thể xem xét trách nhiệm của họ một cách toàn diện và đúng bản chất. Nếu chứng minh được những vấn đề trên thì dù họ đã chết, những người được hưởng thừa kế của họ vẫn phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, những người thừa kế chỉ có nghĩa vụ bồi thường trong phạm vi giá trị tài sản của người đã chết để lại mà thôi.

TS Tuấn cũng lưu ý: Trong trường hợp không chứng minh được người đã chết đã chiếm đoạt tiền nhưng có cơ sở khẳng định họ làm thất thoát thì vẫn phải xem xét trách nhiệm dân sự của họ. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng cần phải làm rõ xem họ sử dụng số tiền này vào việc gì. Có như vậy mới đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan. Thêm nữa, cơ quan tố tụng càng cần phải hết sức cẩn trọng bởi người đã chết thì không thể nói, không thể tự chứng minh, tự bảo vệ mình, không thể đối chất...

Đồng quan điểm, luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn Luật sư TP.HCM) bổ sung: Trong án hình sự, về nguyên tắc, cơ quan tố tụng không xem xét trách nhiệm hình sự của người đã chết nhưng vẫn có quyền xem xét nghĩa vụ dân sự mà họ để lại chứ không thể “chết là hết” được. Tuy nhiên, khi xem xét trách nhiệm dân sự của họ thì phải thật cẩn trọng để tránh làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của những người liên quan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm