Án có vi phạm nhưng viện kiểm sát chưa kháng nghị kịp thời

VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa có báo cáo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2020.

Theo báo cáo, năm 2019 đơn vị này đã tham mưu kháng nghị phúc thẩm tám vụ án hành chính.

Trong đó, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử năm vụ, chấp nhận kháng nghị bốn vụ, tỉ lệ chấp nhận 80% so với án đã xét xử. Nửa đầu tháng 12-2019, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đề xuất kháng nghị ba vụ phúc thẩm ở Bình Định, Thừa Thiên-Huế và Đắk Lắk.

TAND TP Đà Nẵng tuyên án trong một vụ doanh nghiệp khởi kiện UBND TP Đà Nẵng. Ảnh: TV

VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng cho hay công tác kháng nghị phúc thẩm đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Hạn chế được sự tùy tiện trong công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, sự chủ quan, tắc trách... của tòa án cấp sơ thẩm.

Nhất là khắc phục đáng kể tình trạng nể nang của tòa án địa phương trong các vụ án hành chính liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND các cấp.

Tuy nhiên vẫn còn một số vụ án giải quyết ở cấp sơ thẩm có vi phạm, cấp phúc thẩm giải quyết hủy án, sửa án nhưng chưa được VKS cấp sơ thẩm, phúc thẩm phát hiện để có kháng nghị phúc thẩm kịp thời.

Nguyên nhân là do vẫn còn tình trạng nể nang, ngại va chạm hoặc không phát hiện vi phạm của tòa án cùng cấp. VKSND Cấp cao không nhận được bản án sơ thẩm kịp thời, không có tài liệu, chứng cứ kèm theo nên việc xem xét kháng nghị gặp nhiều khó khăn.

Một số vụ án VKS cấp tỉnh kháng nghị nhưng chứng cứ chưa vững chắc, chưa cân nhắc, đánh giá toàn diện khách quan vụ án. Vì vậy, dù đại diện VKSND Cấp cao bảo vệ nhưng không được tòa cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị hoặc phải rút kháng nghị.

Để việc kháng nghị phúc thẩm đạt kết quả cao trong thời gian tới, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị VKS các địa phương cần chú trọng việc sao gửi bản án sơ thẩm cho VKS cấp phúc thẩm. Phối hợp với tòa án cùng cấp trong việc ban hành, gửi bản án đúng quy định, tránh tình trạng kéo dài, vi phạm thời hạn gửi bản án theo quy định.

Cần khắc phục tình trạng nể nang, né tránh trong công tác kháng nghị phúc thẩm. Nhất là khi xét xử các hành vi hành chính, quyết định hành chính của UBND, chủ tịch UBND các cấp.

Thực tế cho thấy một số thẩm phán, kiểm sát viên vẫn biết một số hành vi, quyết định của UBND là trái pháp luật nhưng vì ngại va chạm nên không thể quyết định xử hủy mà bác đơn khởi kiện của người khởi kiện không đúng.

Trong khi đó, VKS cùng cấp dù biết việc xét xử của tòa án có vi phạm nhưng không kháng nghị hoặc báo cáo VKS cấp trên để kháng nghị. Cá biệt có VKS địa phương khi nhận được bản án sơ thẩm nhưng đợi hết 15 ngày mới báo cáo VKS cấp phúc thẩm mà không chủ động kháng nghị.

VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị kiểm sát viên được phân công kiểm sát các vụ án hành chính cần chủ động, thường xuyên phối hợp với tòa án cùng cấp trong việc thẩm định tại chỗ, xác minh chứng cứ, lấy lời khai đương sự. Không đề nghị giải quyết vụ án chấp nhận hay bác khởi kiện khi tòa án chưa thu thập đủ chứng cứ, tài liệu phục vụ cho việc xét xử, tranh tụng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm