Ai hỏi trước do chủ tọa quyết

Điều 307 BLTTHS 2015 quy định về trình tự xét hỏi tại phiên tòa như sau: Chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý. Khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi trước, sau đó quyết định để thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi. Những người tham gia tố tụng có quyền đề nghị chủ tọa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Người giám định, người định giá tài sản được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định, định giá...

Ngoài ra, BLTTHS 2015 còn bổ sung các quy định buộc kiểm sát viên, người bào chữa phải hỏi, tranh luận, đối đáp đến cùng những vấn đề về vụ án theo yêu cầu của chủ tọa phiên tòa.

Tòa chủ động hơn

TS Võ Thị Kim Oanh (Trưởng khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận xét: Quy định về việc chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau là hợp lý. Hiện nay chúng ta đang áp dụng một khuôn mẫu cứng là HĐXX hỏi trước và hỏi chính, trong khi trách nhiệm buộc tội - gỡ tội chủ yếu vẫn thuộc về kiểm sát viên và người bào chữa. BLTTHS 2015 đã khắc phục được điều này, làm cho quá trình xét hỏi không đi theo một thứ tự cố định, đi vào thực chất hơn là nặng về hình thức.


Quy định mới cho phép chủ tọa điều khiển phiên tòa linh hoạt hơn. Ảnh minh họa: T.TÙNG

“Thay đổi này khiến quá trình xét hỏi mềm mại hơn, từ đó đi đến kết quả là các thông tin tòa cần khai thác sẽ có nhanh hơn. Thực tế cho thấy mỗi vụ án có một tính chất khác nhau, có vụ chỉ cần HĐXX hỏi là rõ vấn đề nhưng có vụ lại cần kiểm sát viên hỏi chính. Thậm chí có khi chủ tọa lại thấy cần phải để người bào chữa hỏi nhiều hơn kiểm sát viên để làm rõ một vấn đề nào đó thì lúc này chủ tọa gợi mở vấn đề và tự điều chỉnh thứ tự hỏi cho phù hợp với diễn biến phiên tòa” - bà Oanh nói.

Theo một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM, bản thân quy định này không cho phép chủ tọa và các thành viên còn lại của HĐXX được xét hỏi theo kiểu “độc diễn” như tại nhiều phiên xử hiện nay nữa. Nó mở ra một hướng khác mới, giúp chủ tọa phiên tòa chủ động hơn để điều tiết quá trình xét hỏi mà không bị lệ thuộc vào yếu tố thứ tự. Ví dụ khi kiểm sát viên đang hỏi bị cáo nhưng nếu thấy câu hỏi lan man và không làm rõ vấn đề thì chủ tọa có quyền cắt ngang để chủ động hỏi hoặc yêu cầu người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hỏi.

Nâng tính tranh tụng

Nguyên Thẩm phán TAND Tối cao tại TP.HCM Phạm Công Hùng nhận xét quy định cũ và mới về việc xét hỏi tại phiên tòa có cái chung là đều toát lên vị trí, vai trò quan trọng của thẩm phán chủ tọa trong quá trình xét hỏi. Tuy nhiên, sự sửa đổi của BLTTHS 2015 sẽ tạo điều kiện để thực hiện phiên tòa theo mô hình tranh tụng cao hơn.

Ông Hùng phân tích: Khi chủ tọa nghiên cứu hồ sơ, nắm rõ các vấn đề mấu chốt trong vụ án, ra phiên tòa chủ tọa sẽ không hỏi trước mà yêu cầu kiểm sát viên và người bào chữa hỏi bị cáo để kiểm tra lại những gì mình đã nghiên cứu. Quá trình xét hỏi như vậy sẽ làm cho phiên tòa sinh động hơn, nâng cao tính tranh tụng hơn, để cuối cùng trên kết quả của việc lắng nghe đó, chủ tọa có cái nhìn tổng thể về vụ án. Tất nhiên để điều hành những phiên tòa như vậy đòi hỏi chủ tọa phải có kỹ năng và kiến thức tốt.

“Quy định sửa đổi cũng khẳng định rõ hơn quyền tuyệt đối của chủ tọa trong xét hỏi, đòi hỏi họ phải biết gợi ý, gợi mở các vấn đề để làm tiền đề cho phần tranh luận giữa kiểm sát viên và người bào chữa sau đó” - ông Hùng nói.

Luật sư Nguyễn Đình Thơ (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa) cũng phân tích: Mô hình tố tụng của nước ta là xét hỏi kết hợp với tranh tụng, do đó không thể hướng tới một phiên tòa chỉ đơn thuần có tranh tụng không thôi được. Việc xét hỏi vẫn phải do chủ tọa phiên tòa điều hành nhưng sẽ linh hoạt hơn để phù hợp với việc nâng chất tranh tụng tại tòa. Chủ tọa không thể lạm dụng để dành hết phần xét hỏi về mình theo kiểu buộc tội giống như một kiểm sát viên thứ hai. Vì vậy, quy định thay đổi dù chưa thật sự lớn nhưng cũng đủ để tạo đà tiến tới phiên tòa đậm chất tranh tụng hơn.

TS Võ Thị Kim Oanh cũng nhận xét: “Suy cho cùng, mục đích của việc xét hỏi là làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ án. Trình tự xét hỏi không cần phải đi theo một lập trình cứng mà phải đổi mới để chủ tọa chủ động gợi mở các vấn đề nhằm nâng cao tính chất tranh tụng tại phiên tòa. Việc thay đổi trên của nhà làm luật cũng không ngoài mục đích nâng tính tranh tụng để bản án của tòa sẽ là kết quả của quá trình tranh tụng công khai và có chất lượng tại phiên xử”.

Kiểm sát viên hỏi trước là không phù hợp

Quá trình thảo luận tại Quốc hội về dự án BLTTHS (sửa đổi), đa số đại biểu Quốc hội tán thành với quy định về trình tự xét hỏi như đã được thông qua. Nhưng cũng có một số ý kiến đề nghị thay đổi theo hướng kiểm sát viên hỏi trước rồi đến luật sư, HĐXX hỏi sau.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình với đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội chỉnh lý quy định về trình tự xét hỏi. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc giao cho kiểm sát viên hỏi trước HĐXX là không phù hợp với mô hình tố tụng hình sự kết hợp giữa xét hỏi và tranh tụng ở nước ta. Bởi lẽ trong giai đoạn xét xử, tòa án vẫn quản lý hồ sơ vụ án để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình và thực hiện việc điều hành xét hỏi để thẩm tra lại toàn bộ các chứng cứ một cách khách quan, toàn diện, tránh việc xét hỏi chỉ tập trung vào việc buộc tội. Do đó, việc ai hỏi trước, ai hỏi sau là do chủ tọa quyết định cho phù hợp với từng vụ án và những diễn biến cụ thể tại các phiên tòa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm